Ngân hàng

Bỏ room tín dụng: Muốn nhanh thì phải từ từ

(VNF) - Đầu tháng 9, với việc thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấm dứt những tháng ngày phấp phỏng, đồn đoán và thậm chí “dồn nén” của thị trường…

Bỏ room tín dụng: Muốn nhanh thì phải từ từ

Đến thời điểm hiện tại, có 15 ngân hàng được NHNN cấp thêm hạn mức (room) tín dụng lần này.

“Mưa” chưa kịp thấm đất

Đến thời điểm hiện tại, có 15 ngân hàng được NHNN cấp thêm hạn mức (room) tín dụng lần này. Lãnh đạo các ngân hàng đã xác nhận với phóng viên tỷ lệ room được điều chỉnh như sau: Sacombank là 4%; Agribank là 3,5%; SHB, OCB và MBB là 3,2%; VIB là 3%; Vietcombank là 2,7%; TPBank là 1,2% và LienVietPostBank cùng VPBank dưới 1%...

Dựa trên tính toán của Khối Phân tích – Công ty Cổ phần Chứng Khoán VNDirect, 15 NHTM được nới room trong thời gian qua chiếm khoảng 80% quy mô dư nợ của toàn ngành. Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được cấp thêm từ 1 - 4%, VNDirect ước tính sẽ có khoảng 279 nghìn tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế, so với thời điểm cuối tháng 8/2022.

Tính đến cuối tháng 6/2022, số liệu NHNN cho biết, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,44% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Còn số liệu xa hơn cho thấy, cả năm 2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10,44 triệu tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối năm 2020; cả năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,2 triệu tỷ đồng, tăng 12,13% so với cuối năm 2019.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới, mặc dù môi trường toàn cầu có nhiều thách thức, nhưng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi theo dự báo cơ sở. Nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp, GDP Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, khi các hoạt động kinh tế tiếp tục quay lại trạng thái bình thường. Trong khi nguồn vốn của nền kinh tế vẫn “dựa” chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, để GDP tăng trưởng như dự báo, tiền từ hệ thống ngân hàng sẽ phải “bơm” rất mạnh.

“Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi. Chính sách như vậy đảm bảo thanh khoản dồi dào trên thị trường và duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao”, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Cũng trong diễn biến có liên quan, số liệu mới nhất mà NHNN công bố cho biết, tính đến hết tháng 8, tín dụng đã tăng 9,91%, đây là tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với mức 7,42% cùng kỳ năm ngoái, chứng tỏ nhu cầu vốn của nền kinh tế đang rất lớn. Thế nhưng, với việc phân bổ room tín dụng vừa qua, không phải ngân hàng nào cũng thấy thoả mãn, thậm chí còn đặt nghi vấn về sự minh bạch. Phó Tổng giám đốc nguồn vốn một ngân hàng TMCP nói: “Dù 15 ngân hàng được chấp thuận về hạn mức tín dụng tăng thêm nhưng mức này vẫn là khá thấp so với kỳ vọng của các thành viên trên thị trường”.

Một lãnh đạo cao cấp ngân hàng TMCP nói: “Tôi mong sớm dừng lại các biện pháp hành chính”.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect nhận định hạn mức còn lại cho năm nay cũng chưa thể giải tỏa “cơn khát” của doanh nghiệp và người dân, mà chỉ phần nào khơi thông lại dòng chảy vốn đang tắc nghẽn trong vài tháng gần đây. Bên cạnh đó, NHNN còn yêu cầu đẩy mạnh gói giải ngân hỗ trợ lãi suất 2% đang được triển khai rất chậm do nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục.

Thất bại của chính sách là làm hài lòng tất cả

Thực tế, không chỉ là ý kiến của người trong ngành ngân hàng, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp… cũng không đồng tình với việc thắt chặt hạn mức tín dụng, cho rằng đó là không hợp lý, không có cơ sở, dùng con “ngáo ộp” lạm phát để chặn tín dụng, gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, làm mất đi cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế.

Chia sẻ với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và Phản biện chính sách Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho biết gần 20 năm làm tại 4 ngân hàng thương mại, ông đã chứng kiến những biến động rất lớn của ngành ngân hàng khi có năm tăng trưởng tín dụng lên đến 51,39% (2007).

“Tôi đã từng làm việc ở một NHTM tăng trưởng tín dụng tới 100%/năm, không những vậy, có thời điểm tăng trưởng tín dụng âm (cuối quý I/2012). Tôi nhận thấy, việc điều hành vĩ mô của ngành ngân hàng trong 10 năm qua là bài bản, hợp lý nhất và quan trọng là giữ ổn định giá trị đồng tiền, góp phần quan trọng hàng đầu vào việc bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô”, Luật sư Đức nói

Trong khi đó, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực, Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền. Các bước đó kết hợp với các biện pháp truyền thông rõ ràng và mang tính dự báo về quyết định chính sách tiền tệ là cách để giúp định hướng cho các thành viên thị trường, đồng thời đảm bảo neo giữ được kỳ vọng lạm phát.

“Việt Nam cái gì cũng trễ, rủi ro sẽ đến trễ (nhất là việc xử lý nợ COVID-19), lạm phát cũng sẽ đến trễ, nhưng nguy cơ thì rất lớn nếu không ngăn chặn. Để lạm phát tăng cao thì tăng trưởng kinh tế sẽ trở thành vô nghĩa, thậm chí phải trả giá rất đắt. Khác với nhiều nước, lạm phát Việt Nam mà tăng cao thì rất khó xử lý và ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều do yếu tố tâm lý, lòng tin, với những bài học vẫn còn nóng hổi đã từng xảy ra”, luật sư Đức nhận định.

Cũng theo luật sư Đức, quốc gia nào cũng phải có room tín dụng, chỉ khác nhau ở chỗ là tính room và chặn room như thế nào. Tóm lại, Luật sư Đức cho rằng, phải giới hạn tín dụng, còn nếu bỏ room tín dụng hiện nay thì cũng phải thay bằng một biện pháp khác tương tự. “Tại thời điểm này chưa nên thay đổi chính sách và cũng không nên nới lỏng. Mặc dù tăng dư nợ đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ nợ xấu nhưng nên chủ động chọn cái “xấu” trước để khỏi bị động với cái “xấu” sau”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Giám đốc Khối phân tích VNDirect thì nhận định: “Hiện NHNN đang phải gách vác vai trò lớn, một mặt phải hài hòa các yếu tố lãi suất, tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, mặt khác phải kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định vĩ mô. Đây đều là những những thách thức, thậm chí là càng khó khăn hơn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó dự báo như hiện nay. Vì vậy, luôn luôn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về các vấn đề được dư luận quan tâm như tăng trưởng tín dụng và lãi suất”.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng Ngân hàng Nhà nước có cái khó khi cùng một lúc giữ nhiều trọng trách trong nền kinh tế. Cho dù đưa tiêu chuẩn quản trị rủi ro vào hoạt động của các ngân hàng thương mại nhưng thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế là rất cao.

“Một chính sách làm hài lòng tất cả là chính sách thất bại. Muốn nhanh thì phải từ từ”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Tin mới lên