Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Bất động sản tăng nóng, gia tăng áp lực lên người dân'

Kỳ Thư - 13/09/2022 10:29 (GMT+7)

(VNF) -Tại hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, chiều 12/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.

VNF
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, ông Dũng nhấn mạnh đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỷ lệ giải ngân tương tự mọi năm, chưa có chuyển biến đáng kể. Một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến 31/8 đạt 39,15% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (40,6%).

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng những nguyên nhân tồn tại đã lâu như vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật chuyên ngành về đất đai, xây dựng, ngân sách nhà nước, môi trường…; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, dự án phải điều chỉnh nhiều lần, thủ tục mất nhiều thời gian; công tác quản lý dự án còn nhiều bất cập... chậm được xử lý.

Thêm nữa, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có nguy cơ dịch chồng dịch, số ca mắc Covid-19 gia tăng với sự xuất hiện của biến chủng mới cùng với sự bùng phát của các dịch cúm A, sốt xuất huyết... có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, bảo đảm cung cầu lao động, hàng hóa thiết yếu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Hiện năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, thiếu liên kết với khu vực FDI cũng như với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, còn tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. Kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm đồng bộ, quản lý phát triển đô thị còn bất cập. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, chưa phát triển được công nghệ nguồn, công nghệ lõi và hệ thống công nghiệp phụ trợ.

"Nền kinh tế còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu dài hạn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Trong bối cảnh đó, để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong điều hành cần chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh; tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, vừa tăng trưởng vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới; tăng trưởng kinh tế vừa trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, vừa là điều kiện để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế. 

Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần nâng cao chủ động trong ban hành và tổ chức thực hiện, giảm thiểu độ trễ từ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền đến tổ chức thực hiện, thời gian tác động chính sách đến nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đồng thời bảo đảm dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sau năm 2023. 

Cùng với đó là phấn đấu giải ngân tối đa kế hoạch vốn đầu tư công được giao; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống thất thu, mở rộng các cơ sở thu, phấn đấu tăng thu, tạo dư địa trong điều hành.

Chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, vừa bảo đảm linh hoạt để vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì mặt bằng lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho phục hồi sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác truyền thông về quan điểm, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, góp phần tránh tâm lý kỳ vọng…

“Diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh, có trọng tâm, hiệu quả, kịp thời. Các bộ, cơ quan quản lý ngành cần chủ động, linh hoạt trong hành động không chờ chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất từ các cơ quan khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác