Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 3 nền tảng, 3 nhóm chính sách của Chiến lược quốc gia về Cách mạng 4.0

Lê Nguyễn - 03/10/2019 09:48 (GMT+7)

(VNF) – Tại “Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu 3 nền tảng và 3 nhóm chính sách quan trọng của Chính phủ trong Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0.

VNF
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam được xây dựng trên ba nền tảng.

Một là đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Hai là, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.

Bên cạnh các yếu tố nền tảng này, dự kiến Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai ba nhóm chính sách quan trọng.

Thứ nhất, áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công, bao gồm: xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước nhanh hơn, minh bạch hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, đem lại sự hài lòng cao hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực; phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn; cắt giảm chi phí; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng quản trị chuỗi cung ứng; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; nâng cao năng suất của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Thứ ba, cơ cấu lại và tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ thế hệ tiếp theo, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ hiện đại, giúp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Ngoài ra, các giải pháp bổ sung cũng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thành công các chính sách đề ra ở trên, như:

Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; các dự án đầu tư, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ sử dụng các công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới; thu hút đầu tư mạo hiểm nước ngoài cho các Start-up Việt Nam.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; kêu gọi các quốc gia tiên tiến, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, hợp tác, thành lập các cơ sở nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo;

Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác khoa học công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược, các đối tác quan trọng có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến; xây dựng, mở rộng mạng lưới quan hệ với các chuyên gia quốc tế, nhất là chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ trọng điểm của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Bộ Chính trị ban hành.

Nghị quyết cũng đã đề ra nhiều giải pháp lớn, quan trọng, mang tính quyết sách để thực hiện mục tiêu trên, trong đó, có nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 2/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Đây là bước đi hết sức có ý nghĩa trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, thể hiện rõ phương châm hành động nhanh, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ”, Bộ trưởng Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Dũng, ngoài trung tâm trên, , trong khuôn khổ hợp tác APEC 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sáng kiến kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực tại Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC tại Chi-lê đầu tháng 9 vừa qua.

Sáng kiến được Hội nghị đánh giá cao, ghi nhận trong Tuyên bố chung của Hội nghị. Trên thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang mở rộng kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Singapore và nhiều quốc gia khác để mở rộng thị trường, khơi thông các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, tăng cường hỗ trợ và kết nối các nhà đầu tư cho các Start-up Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang mở rộng thêm Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, mạng lưới tri thức Việt Nam ở các quốc gia phát triển hàng đầu nhằm quy tụ các chuyên gia công nghệ trong nước và quốc tế, hỗ trợ các Start-up Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, tăng cường giáo dục đào tạo các cấp để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc thực hiện các chính sách về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác