Công nghệ

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp ICT nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế'

(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, đại dịch Covid-19 xảy ra cũng là cơ hội tốt để đầu tư cho y tế. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp ICT có thể nghiên cứu và sản xuất các thiết bị y tế. Nếu năng lực tốt hơn nữa, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều câu chuyện.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp ICT nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế'

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ TT&TT vừa tổ chức hội nghị giao ban quản lý nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng.

Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội bứt phá

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng dịch Covid là cơ hội để các doanh nghiệp có thể nhìn thấy những cơ hội bứt phá vươn lên. Các doanh nghiệp có thể nhân cơ hội này để đầu tư mạnh cho chuyển đổi số góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp, cộng đồng.

Cũng theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp có thể nhân cơ hội này để đầu tư cho việc chuyển đổi số cũng như phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Cần tập trung phát triển thị trường trong nước, bởi Việt Nam có gần 100 triệu dân, đứng thứ 12 thế giới, dân số chính là thị trường, ngành TT&TT cần coi đây là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam. Cần xây dựng nền kinh tế tự chủ, Make in Việt Nam.

“Khi đất nước có tình huống khẩn cấp như đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số rất ít nước đã thực hiện thành công mục tiêu kép là kiềm chế dịch bùng phát và thúc đẩy kinh tế phát triển. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia trong thời Covid có thể phát triển các sản phẩm để đưa cuộc sống về một trạng thái bình thường mới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Người đứng đầu Bộ TT&TT nhận định, đại dịch Covid-19 xảy ra cũng là cơ hội tốt để đầu tư cho y tế. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp ICT có thể nghiên cứu và sản xuất các thiết bị y tế. Nếu năng lực tốt hơn nữa chúng ta sẽ giải quyết được nhiều câu chuyện.

"Thường chỉ có khủng hoảng mới tạo ra các quyết định lớn, nhân cơ hội này, các doanh nghiệp, các đơn vị cần mạnh dạn thay đổi; thay đổi phương thức quản trị; thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm và thị trường mới; nhân cơ hội này cần đẩy mạnh việc đổi mới", ông Hùng nói.

Bộ trưởng cho biết thêm, sự chuyển dịch đầu tư toàn cầu sẽ xảy ra, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự phân tán từ Trung Quốc sang các nước khác và Việt Nam có thể là điểm đón nhận chuyển dịch này, trong đó có liên quan đến cả các doanh nghiệp ngành TT&TT.

Theo lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sự trỗi dậy của châu Á, các giá trị Châu Á như thể chế, văn hóa sẽ được khẳng định sau đại dịch như là một sự bắt đầu của kỷ nguyên phương Đông, sẽ tạo ra một chỗ đứng mới cho Việt Nam, kèm theo đó là doanh nghiệp Việt Nam.

Tháng 6/2020 sẽ cấp phép cho doanh nghiệp viễn thông triển khai Mobile Money

Nói về định hướng của ngành TT&TT trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc coi Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là cú huých trăm năm của chuyển đổi số. Do vậy, ngành TT&TT phải nắm bắt cơ hội này để bứt phá, vượt lên và tất cả các lĩnh vực của ngành TT&TT phải bứt phá vươn lên. Ngành TT&TT là ngành dẫn đầu chuyển đổi số quốc gia.

"Thời Covid-19 thì 1 tháng, 1 năm có thể bằng 10 năm, 20 năm, phải chú ý là chuyển đổi số là thay đổi cách tiếp cận thức vận hành tổ chức chuyển đổi từ thế giới thực vào thế giới số và dùng dữ liệu để sinh ra giá trị mới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng cũng nhận định việc chuyển đổi số mà không có nền tảng Việt Nam thì chuyển đổi số trở thành nguy hiểm. Làm chủ nền tảng chuyển đổi số Việt Nam được coi là yếu tố quan trọng nhất. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đẩy nhanh việc phát triển và làm chủ các nền tảng số. Bộ TT&TT sẽ cùng nhịp với công cuộc chuyển đổi này.

Về chương trình mỗi người Việt Nam sở hữu một điện thoại thông minh và mỗi hộ dân Việt Nam một đường truyền cáp quang Internet tốc độ cao, Bộ trưởng cho rằng thời dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh tiến độ này.

"Bộ xác định đây là nền tảng chuyển đổi số, nếu thiếu hai cái này thì rất khó để nói đến chuyển đổi số. Hiện Việt Nam vẫn còn 15 - 16 triệu người dùng 2G và 40% hộ gia đình vẫn chưa có đường truyền Internet tốc độ cao bằng cáp quang. Bộ TT&TT đặt mục tiêu là cơ bản trong năm 2020 mỗi người Việt Nam có một máy điện thoại thông minh, đến 2021, cơ bản mỗi hộ gia đình có một đường truyền Internet tốc độ cao bằng cáp quang", người đứng đầu Bộ TT&TT đặt vấn đề.

Về 5G, Bộ trưởng khẳng định vẫn tiếp tục triển khai, dự kiến tháng 6/2020 thiết bị 5G của Việt Nam sẽ được thử nghiệm trên mạng lưới; tháng 10/2020 Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam ở quy mô đã xác định.

Về Mobile Money, mặc dù đã chậm, song cố gắng trong tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT&TT sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án cũng như cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép (Thủ tướng đã đồng ý để cho phép triển khai trên toàn quốc).

Về an toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT đã yêu cầu tất cả các tổ chức có ứng dụng công nghệ thông tin đều phải xây dựng hệ thống bảo vệ. Thị phần của các sản phẩm an ninh mạng Việt Nam cũng tăng lên một cách đáng kể (gấp đôi). Ưu tiên sử dụng các sản phẩm an toàn, an ninh mạng do Việt Nam sản xuất, mục tiêu năm 2020 là cơ bản hệ sinh thái an toan, an ninh mạng do Việt Nam làm chủ.

Về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đón nhận làn sóng chuyển dịch cung ứng toàn cầu về Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng cần ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ lớn. Các địa phương cần có chương trình phát triển các doanh nghiệp công nghệ số của mình, trung bình 1.000 người dân phải có 1 doanh nghiệp công nghệ số.

Tin mới lên