Tài chính

Bội chi ngân sách giảm hơn 12.000 tỷ đồng, nợ công lùi về 58,4% GDP

(VNF) – Báo cáo của Chính phủ cho hay tính đến 31/12/2018, dư nợ công ước khoảng 58,4% GDP.

Bội chi ngân sách giảm hơn 12.000 tỷ đồng, nợ công lùi về 58,4% GDP

Bội chi ngân sách giảm hơn 12.000 tỷ đồng, nợ công lùi về 58,4% GDP

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội vừa có báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2018, triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2019

Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, báo cáo của Chính phủ cho hay bội chi ngân sách nhà nước sau khi đánh giá lại giảm 12,5 nghìn tỷ đồng so với mức báo cáo Quốc hội, ở mức 191,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,46% GDP, thấp hơn so với dự toán đã được Quốc hội quyết định (3,7% GDP).

Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 191,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán, ngân sách địa phương không có bội chi (bội chi ngân sách địa phương giảm 9 nghìn tỷ đồng so với dự toán được Quốc hội quyết định).

Việc giảm bội chi ngân sách nhà nước trong điều kiện nhu cầu chi còn lớn, nhiều nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước quan trọng, cấp bách phát sinh đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay có một số ý kiến cho rằng cần làm rõ nguyên nhân việc giảm bội chi ngân sách địa phương 9.000 tỷ đồng so với dự toán là do giải ngân nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển đạt thấp hay do tăng thu, để từ đó có thể đánh giá một cách chính xác, đúng bản chất về việc giảm bội chi ngân sách địa phương.

Về mức dư nợ công, báo cáo của Chính phủ cho hay tính đến 31/12/2018, dư nợ công ước khoảng 58,4%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 50%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 46%GDP.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, các mức dư nợ đều thấp hơn quy định tại Nghị quyết số 25/2016/QH13 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Điều này cho thấy, tác động của việc triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ bội chi, cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, danh mục TPCP được cải thiện, dài hơn về kỳ hạn và thấp hơn về lãi suất, đã góp phần cơ cấu lại nợ theo hướng bền vững, bảo đảm khả năng trả nợ và giảm áp lực về nợ công so với giai đoạn trước.

 

Tin mới lên