'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Trong một phiên đấu giá tại Wellington (New Zealand), Darryl Harper phải cảm thán rằng giá nhà tại New Zealand đã lên mức "phi lý" khi những ngôi nhà được giao dịch cao hơn hàng trăm nghìn đôla so với mức định giá ban đầu.
Còn ở Makati (Philippines), Giám đốc Tài chính Corazon Dizon của AC Energy Corp bị choáng ngợp khi nhu cầu của nhà đầu tư với trái phiếu xanh (loại trái phiếu liên quan đến dự án môi trường) lên tới 300 triệu USD. Còn ở Midtown Manhattan (Mỹ), Giám đốc quỹ đầu tư David Einhorn ngạc nhiên trước lá đơn xin việc của của một cậu bé 13 tuổi - người khẳng định đã nhân số tài sản của mình lên gấp bốn.
Những ví dụ này chỉ là một phần của chủ đề xuyên suốt trong năm 2020: "Tiền rẻ". Những gói cứu trợ từ các ngân hàng trung ương khiến giá tài sản tăng cao, định hình lại cách tiết kiệm, đầu tư và chi tiêu. Và điều đó còn chưa kết thúc. Không như các chương trình hỗ trợ kinh tế trước đây, giới chức lần này tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng cho quá trình phục hồi hậu Covid-19.
Chiến lược rõ ràng của chính sách này là khiến vay nợ trở nên rẻ hơn, để ngăn tiết kiệm và khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, tác dụng phụ không thể tránh khỏi là biến động giá sẽ tăng khi các nhà đầu tư theo đuổi lợi nhuận trên khắp thế giới. Và điều này cũng là rủi ro. Bloomberg cho rằng giá tài sản tăng vọt sẽ phá hoại sự ổn định trước khi nền kinh tế thực sự hưởng lợi từ các chính sách đó.
"Không có cách nào để xử lý việc này. Khi thanh khoản tăng lên đáng kể, tiền sẽ tìm đến nơi có lợi nhuận và chắc chắn khiến tài sản bị định giá sai", Agustín Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Basel, Thụy Sỹ) cho biết. "Đây là một rủi ro cần được theo dõi một cách cẩn thận".
Khi sự lây lan của đại dịch dẫn tới các biện pháp đóng cửa kinh tế, hầu hết các ngân hàng trung ương đã vào cuộc. Lãi suất giảm về 0%, các chương trình mua tài sản tăng ồ ạt. Hầu hết các chương trình này được cam kết giữ nguyên trong vài năm tới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2020, các Chính phủ tung ra ít nhất 12.000 tỷ USD qua các gói kích thích kinh tế. Các ngân hàng trung ương cũng cung cấp thêm hàng nghìn tỷ USD.
Tính đến ngày 31/12, khoảng 17.800 tỷ USD đã được cho vay với lãi suất âm. Từ Australia đến Tây Ban Nha, người cho vay phải trả tiền cho người đi vay. Khi Peru bán trái phiếu 100 năm đầu tiên vào tháng 11, công cụ nợ này trở thành chứng khoán có lợi suất thấp nhất từng được phát hành.
Dấu hiệu bong bóng đã xuất hiện ở khắp mọi nơi, khi giá cổ phiếu tăng chưa từng thấy kể từ kỷ nguyên dot-com. Các đợt chào bán cổ phần mới ồ ạt. Bitcoin liên tiếp lập kỷ lục, dù có biến động. Xu hướng chung là giá các tài sản tài chính còn tiếp tục tăng.
"Các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, đã tạo ra bong bóng", Alicia García-Herrero, kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Natixis tại Hong Kong bình luận. Chuyên gia này cũng chỉ ra sự không đồng đều giữa sự bùng nổ của các thị trường tài sản và quá trình phục hồi kinh tế.
"Các ngân hàng trung ương biết họ đang làm gì. Về cơ bản, lợi nhuận các tài sản an toàn giảm sẽ làm tăng nhu cầu với các tài sản rủi ro. Một khi bạn làm điều đó, bong bóng có thể xuất hiện, nhưng cái giá phải trả cho việc không làm gì có lẽ còn cao hơn", Alicia nói.
Tại cuộc đấu giá ở Wellington tháng 11/2020, một ngôi nhà ba phòng ngủ rộng 80m2 được bán với giá 945.000 đôla New Zealand (678.000 USD), cao hơn gần 50% so với định giá của chính quyền. "Lãi suất chưa bao giờ thấp như vậy, vì thế người mua dễ dàng vay hơn", Harper - đại diện nhà đấu giá - cho biết.
Tham gia phiên đấu giá đó, Harriette McClelland và Harrry Greenwood đã bỏ lỡ cơ hội khi giá một căn nhà bị đẩy lên gần 1,2 triệu đôla New Zealand. "Tôi rất thất vọng", McClelland nói, "Có nhiều nguyên nhân, có thể do thiếu nguồn cung, nhưng rõ ràng lãi suất thấp đã khiến mọi thứ leo thang".
Một khía cạnh khác của câu chuyện bơm tiền là bất bình đẳng ngày càng sâu sắc. 500 người giàu nhất thế giới có thêm 1.800 tỷ USD trong năm 2020, kéo tổng tài sản lên 7.600 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Đến tháng 1/2021, Jeff Bezos vẫn là người giàu nhất thế giới nhờ cổ phiếu Amazon tăng giá.
Elon Musk có thời điểm soán ngôi đầu nhờ đà tăng của cổ phiếu Tesla. Hai tỷ phú hàng đầu thế giới đã bỏ túi thêm 217 tỷ USD trong 12 tháng. Con số này đủ để chia 2.000 USD mỗi người cho 100 triệu người Mỹ.
Không chỉ với chứng khoán hay bất động sản, tiền ảo cũng hưởng lợi. Khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra lời đảm bảo về gói kích thích cho nền kinh tế, lần đầu tiên Bitcoin trở lại ngưỡng 20.000 USD. Scott Minerd của Guggenheim Investments nói với Bloomberg TV rằng giá trị hợp lý của tiền điện tử lớn nhất thế giới vẫn còn có thể tăng cao hơn nữa. Minerd tính toán "việc in tiền tràn lan" có thể giúp giá Bitcoin tăng lên 400.000 USD.
Trong khi nhà đầu tư cá nhân là động lực chính cho đà tăng giá của Bitcoin, những công ty lớn và các nhà đầu tư Phố Wall cũng là một nhân tố. Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn giao dịch FTX cho biết môi trường lãi suất thấp đang thôi thúc nhiều người bỏ tiền vào Bitcoin. "Tôi đang làm việc 17, 18 giờ mỗi ngày và chợp mắt ngay tại văn phòng. Tất cả mọi chỉ số đang tăng lên", anh nói.
Bong bóng không phải là vấn đề cho đến khi nó vỡ vụn. Thị trường hiệu quả sẽ hoạt động theo hướng định giá tương lai. Điều này báo hiệu giá các loại tài sản sẽ còn tăng mạnh khi kinh tế toàn cầu đối phó với cú sốc đại dịch. "Rủi ro lớn nhất là thị trường vốn mà các ngân hàng trung ương không kiểm soát được bắt đầu hoạt động sai", Michael Shaoul, giám đốc điều hành tại Marketfield Asset Management, đánh giá.
Một ví dụ là bất động sản thương mại. Vốn đầu tư không đổ vào lĩnh vực này ngay cả khi đại dịch khiến tương lai trở nên không chắc chắn. Bất chấp việc mở cửa trở lại, các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn và văn phòng có thể phải đối mặt với tình trạng kinh doanh ảm đạm dài hạn hậu Covid-19. Dù vậy, lĩnh vực này vẫn đang phục hồi.
Hay như trong chứng khoán, thế giới đã chứng kiến một loạt thương vụ IPO đình đám. Các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu huy động được 180 tỷ USD trên các sàn của Mỹ năm 2020, gấp đôi so với năm trước và vượt xa mức kỷ lục 102 tỷ USD năm 2000. Làn sóng IPO cũng được thúc đẩy bởi các cấu trúc đầu tư mới, liên quan đến các công ty được thành lập với mục đích đặc biệt (SPAC). SPAC huy động tiền qua IPO và sử dụng chúng để mua cổ phần các công ty mục tiêu khác.
Bước sang năm mới, một điều rõ ràng là kinh tế toàn cầu sẽ cần một sự phục hồi mạnh mẽ để củng cố cho việc định giá cao của thị trường chứng khoán. Rủi ro ở đây là nếu lợi nhuận các công ty không như kỳ vọng, việc triển khai vaccine bị đình trệ, rủi ro với thị trường sẽ xảy ra khi các nhà đầu tư rút tiền.
Ngoài ra, giữa lúc mọi thứ đang bùng nổ, một mối lo ngại khác là khối nợ mới gia tăng, cả khu vực công lẫn tư nhân. Theo Viện Tài chính Quốc tế, tổng các khoản nợ đã tăng thêm 15.000 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2020, lên mức kỷ lục hơn 272.000 tỷ USD. Tổ chức này cảnh báo rằng nợ thị trường mới nổi, không bao gồm các ngân hàng, đang nhanh chóng đạt mức 210% GDP, tăng mạnh so với 185% năm 2019 và 140% thập kỷ trước. Điều nguy hiểm là doanh thu giảm sẽ khiến việc trả khoản nợ đó trở nên khó khăn hơn, ngay cả với lãi suất thấp.
Các ngân hàng trung ương cũng nhận thức được mối nguy hiểm, khi sự biến động đã quá rõ ràng để phớt lờ. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại việc rút dòng tiền quá nhanh có thể tạo ra biến động. Bước ra khỏi cuộc khủng hoảng cách đây hơn một thập kỷ, hơn ai hết, các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng rút lại các biện pháp kích thích quá nhanh do lo ngại bong bóng có thể hãm đà phục hồi kinh tế.
Nếu lạm phát tăng và các ngân hàng trung ương buộc phải dừng các biện pháp kích thích, thị trường trái phiếu có thể biến động mạnh. Khi Chủ tịch Fed năm 2013 Ben Bernanke tuyên bố cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng trong tương lai, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ lập tức tăng cao, làm chao đảo các thị trường trên thế giới.
Nhưng ngay cả khi mọi thứ diễn ra như hiện tại, vẫn có những rủi ro. Nhật Bản là một ví dụ về việc thách thức sẽ tăng lên nếu chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn được duy trì trong một thời gian dài.
Các nhà đầu tư Nhật Bản buộc phải rời khỏi thị trường trái phiếu chính phủ khi chịu tác động của các gói nới lỏng định lượng (QE) trong thời gian dài, gây bất ổn cho các tổ chức thường dựa vào đầu tư vào các chứng khoán đó, đặc biệt là các ngân hàng trong khu vực. Với những tổ chức khác, họ chuyển hướng sang thị trường nước ngoài, nhưng sẽ bị tổn thương nếu đồng yen tăng giá.
Một điểm yếu khác khi Nhật Bản duy trì các gói QE dài hạn là khiến việc vay tiền quá dễ dàng, làm suy yếu năng suất dài hạn, khi các doanh nghiệp không còn động lực để thực hiện tái cơ cấu.
"Các ngân hàng trung ương đang ở trong bẫy thanh khoản", Jerome Jean Haegeli - kinh tế trưởng tại Swiss Re Institute nhận xét, "Tiền rẻ chỉ có tác dụng câu giờ và đẩy giá tài sản tăng cao, nhưng không có giá trị trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Giống như một lỗ đen, khi bạn đã ở trong đó thì rất khó thoát ra. Đó là những gì chúng ta tạo ra".
Richard Yetsenga - kinh tế trưởng của ANZ cho biết thời gian cho các nhà hoạch định chính sách dốc toàn lực để khởi động lại nền kinh tế có thể sắp kết thúc. Và sau đó là một giai đoạn phức tạp. "Rủi ro đối với tăng trưởng kinh doanh đã giảm bớt, nhưng rủi ro với giá tài sản và sự ổn định tài chính thì đang tăng lên", Richard nói.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.