Bất động sản

BOT Cai Lậy: Nguồn thu bằng 0, doanh nghiệp trên bờ vực phá sản

Doanh nghiệp dự án BOT Cai Lậy hàng tháng phải trả lãi vay cho ngân hàng với số tiền gần 10 tỷ đồng, lãi vay hiện tại đã hơn 500 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản.

BOT Cai Lậy: Nguồn thu bằng 0, doanh nghiệp trên bờ vực phá sản

BOT Cai Lậy thu phí chính thức từ 7h ngày 7/10.

Chiều 5/10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo thông tin về việc tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1, đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường Km1987+560 – Km2014+000, Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT.

Thu phí chính thức từ ngày 7/10

Tại buổi họp, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, đến nay, nhà đầu tư đã hoàn thành sửa chữa hư hỏng mặt đường bê tông nhựa, dọn dẹp vệ sinh mặt đường, cơ bản hoàn thành khối lượng sơn mặt đường trên quốc lộ 1 và tuyến tránh; sơn sửa, vệ sinh khu vực trạm thu phí...

Cả 2 trạm thu phí trên tuyến tránh và quốc lộ 1 đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị thu phí không dừng; hoàn thành công tác vận hành chạy thử đơn trạm, liên trạm và kết nối, đảm bảo trạm thu phí có 6 làn thu phí tự động không dừng và 2 làn thu phí hỗn hợp.

Ngày 29/9, cơ quan quản lý đường bộ có văn bản cho phép doanh nghiệp tổ chức thu phí trở lại từ 7h ngày 7/10.

Về mức phí đối với trạm BOT trên quốc lộ giá vé thấp nhất là 14.000 đồng, cao nhất 118.000 đồng. Trạm thu phí trên tuyến tránh giá vé thấp nhất 24.000 đồng, cao nhất 137.000 đồng.

Đối với miễn giảm giá vé cho người dân vùng lân cận trạm, Sở GTVT Tiền Giang cho biết có 41 xã, phường, thị trấn nằm trong bán kính 10km quanh trạm thu phí thuộc thị xã Cai Lậy và 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước được miễn vé qua trạm. Xe kinh doanh sẽ được áp dụng chính sách giảm giá vé. Khi thu phí trở lại, sẽ thực hiện thu liên trạm và xe đi qua hai trạm chỉ trả tiền vé cho một trạm.

Hiện trạm thu phí trên quốc lộ 1 có 8 làn (mỗi hướng 4 làn), trong đó có 6 làn thu phí không dừng, 2 làn hỗn hợp. Đối với trạm tuyến tránh Cai Lậy có 4 làn (mỗi bên 2 làn), trong đó một làn thu phí không dừng, một làn hỗn hợp. Xe từ 29 ghế ngồi và xe từ 3 trục trở lên bắt buộc đi vào tuyến đường tránh.

Quang cảnh buổi họp báo.

Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy dài hơn 38km, tổng mức đầu tư ban dự án có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu ban đầu 210 tỷ đồng; vốn vay gần 1.200 tỷ đồng, bao gồm tăng cường mặt quốc lộ 1 dài hơn 26km và xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12km. Riêng trạm thu phí bổ sung trên tuyến tránh là 60 tỷ đồng.

Dự án khởi công tháng 2/2015 và tổ chức thu phí hoàn vốn từ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan, dự án tạm dừng thu phí từ ngày 4/12/2017.

Doanh nghiệp đầu tư dự án cho biết, sau thời gian dừng thu phí, đơn vị đã tiến hành sửa chữa, sơn lại mặt đường để tổ chức giao thông; chỉnh trang, bổ sung hệ thống biển báo giao thông; thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; lắp đặt hệ thống thoát nước…

Mọi kinh phí như trả lãi vay ngân hàng, thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên… đều phải trích từ nguồn doanh thu thu phí. Nhưng do đã dừng thu phí hơn 5 năm nên nguồn thu của doanh nghiệp bằng 0.

“Để thực hiện sửa chữa các hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, hàng tháng đơn vị phải trả lãi vay cho ngân hàng gần 10 tỷ đồng. Đến nay, lãi vay hơn 500 tỷ đồng và doanh nghiệp bị đưa vào danh sách nợ nhóm 2, đứng trước nguy cơ phá sản”, đại diện chủ đầu tư thông tin.

Chưa xác định thời gian dừng thu phí hoàn vốn

Tại buổi họp báo, một số cơ quan báo chí đặt câu hỏi việc lãi phát sinh 500 tỷ đồng sắp tới sẽ xử lý như thế nào? Quá trình thu phí thử nghiệm mấy ngày qua, doanh nghiệp có thống kê số lượng xe đi qua 2 trạm…

Ông Lê Trung Duy - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (doanh nghiệp dự án) - thông tin tại buổi họp báo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Văn Hào - Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang - cho biết, đối với số tiền lãi phát sinh 500 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để tính toán đưa chi phí này vào tổng mức đầu tư để hoàn vốn hoặc có thể có một phương án khác để hài hòa lợi ích khi dự án thu phí chính thức.

Quá trình thu thử, lưu lượng xe qua trạm (ngày và đêm) khoảng 20.000 phương tiện (trong đó tuyến tránh 3.000 xe và quốc lộ 1 khoảng 17.000 xe). Tuy nhiên, khi đi vào thu phí chính thức, lượng xe qua 2 trạm này có thể thay đổi.

“Do nhiều nguyên nhân khác nhau như giá vé điều chỉnh giảm, thực hiện chính sách miễn giảm lớn nên thời điểm hiện tại chưa đủ dữ liệu xác định thời gian ngừng thu phí”, đại diện doanh nghiệp dự án biết thêm.

Tin mới lên