Bức tranh tài chính của tập đoàn Semec, ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh thép

Anh Hùng - 27/07/2021 11:58 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn Semec, tiền thân là Công ty cổ phần Vật tư xây dựng Trường Sơn, được thành lập ngày 27/10/2004 với 3 cổ đông gồm: ông Nguyễn Văn Tuệ, ông Nguyễn Văn Đông và bà Nguyễn Thị Bình.

VNF
Bức tranh tài chính Tập đoàn Semec: Lãi siêu mỏng từ khoản doanh thu ngàn tỷ.

Sau đó, công ty được đổi tên thành Công ty Cổ phần Thép và Thiết bị xây dựng Semec vào năm 2007. Đến tháng 1/2019, công ty tiếp tục đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Semec. Cùng thời điểm, Semec tăng vốn điều lệ từ 9,8 tỷ đồng lên thành 368 tỷ đồng.

Trụ sở chính của Tập đoàn Semec hiện nay ở số 1, ngõ B2, đường Đinh Lễ, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Trước năm 2021, Tập đoàn Semec do ông Lê Sơn Long (sinh năm 1984) đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Đến tháng 2/2021, ông Lê Xuân Hà (sinh năm 1975, anh trai ông Lê Sơn Long) đã thay thế ông Long để nắm giữ các vị trí trên. Được biết, ông Hà cũng đang giữ chức chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Semec.

Sau hơn 16 năm hoạt động, đến nay, Tập đoàn Semec đã trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh với các lĩnh vực như thương mại, kinh doanh nhà hàng, khách sạn.

Tại Nghệ An, Tập đoàn Semec được biết đến là một "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh thép. Ngoài thép, doanh nghiệp này có các sản phẩm khác như thiết bị, vật tư cho phục vụ cho các nhà thầu xây dựng. Tập đoàn này đã cung cấp thép cho nhiều dự án lớn, nhỏ như cầu bến thủy II, bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An, thủy điện Nậm Mô, chung cư Vinh Tân, chung cư Lê Lợi...

Các dự án mà Tập đoàn Semec đã tham gia

Về lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, năm 2014, Tập đoàn Semec đã thành lập Công ty Cổ phần Semec Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa. Công ty này có 3 cổ đông gồm Tập đoàn Semec (68% cổ phần), ông Lê Xuân Hà (30% cổ phần) và bà Nguyễn Thị Minh (2% cổ phần). Được biết, tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, công ty này sở hữu 1 khách sạn tiêu chuẩn 3 sao với 120 phòng.

Đáng chú ý, tháng 4/2020, việc thành lập Công ty Cổ phần Semec M.E là động thái cho thấy tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản của ông chủ Tập đoàn Semec. Công ty này được đăng ký với ngành nghề chính là xây dựng nhà để ở.

Công ty Semec M.E có vốn điều lệ 36 tỷ đồng, trong đó ông Lê Xuân Hà góp 45% vốn điều lệ, ông Lê Sơn Long góp 20% vốn điều lệ, số còn lại là 3 cổ đông khác gồm: bà Võ Thị Thanh Hảo (15%), bà Đoàn Thị Hồng Nhung (10%) và bà Nguyễn Thị Thúy Hằng (10%). Cổ đông Võ Thị Thanh Hảo (sinh năm 1988) cũng là người đại diện đồng thời là tổng giám đốc của Semec M.E.

Quay trở lại với Tập đoàn Semec, vào tháng 1 năm nay, tập đoàn này đã lọt vào bảng xếp hạng VNR500 - top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020. Bên cạnh đó, Semec cũng lọt vào top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2020. 

Theo dữ liệu của VietnamFinance, năm 2016, doanh thu của Tập đoàn Semec đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng, ở mức 1.015 tỷ đồng. Sau đó, doanh thu tăng lên mức 1.624 tỷ đồng (năm 2017) và 1.999 tỷ đồng (năm 2018). Đặc biệt, năm 2019, doanh thu của Semec đã đạt 2.806 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận gộp của Tập đoàn Semec ở giai đoạn từ năm 2016-2019 lần lượt ở mức 33,9 tỷ đồng, 21,9 tỷ đồng, 21,9 tỷ đồng và 32,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các khoản chi phí (tài chính, bán hàng và quản lý) đã bào mòn gần hết khoản lợi nhuận gộp. Điều này dẫn tới lợi nhuận sau thuế ở các năm trên chỉ ở mức rất nhỏ, lần lượt là: 22,3 triệu đồng (2016), 112,8 triệu đồng (2017), 36,2 triệu đồng (2018) và 56,7 triệu đồng (2019).

Kết quả lợi nhuận đáng thất vọng này đã khiến các chỉ số ROA, ROE ở mức rất thấp. Cụ thể, ROA (lợi nhuận sau thuế/tài sản) cao nhất chỉ ở mức 0,03% (năm 2017) còn ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu), cao nhất cũng chỉ đạt 1,19%. 

Xét riêng năm 2019, mặc dù có doanh thu rất cao nhưng lợi nhuận chỉ ở mức hơn 56 triệu đồng, dẫn đến chỉ số ROE chỉ ở mức 0,03%.

Về tài sản, ghi nhận cuối năm 2019, Tập đoàn Semec đã đạt 1.213 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016 (363 tỷ đồng). Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn với 1.159 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở trong giai đoạn này, khoản nợ của Tập đoàn Semec tăng khá mạnh. Từ mức 353 tỷ đồng (2016) lên 432 tỷ đồng (năm 2017), rồi 816 tỷ đồng (2018). Hết năm 2019, nợ phải trả ghi nhận ở mức 845 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ duy trì ở mức hơn 9 tỷ đồng trong 3 năm 2016, 2017 và 2018. Đến năm 2019, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Semec mới có biến động mạnh, tăng lên mức 368 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy, Tập đoàn Semec đã sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao ở 3 năm 2016-2018 khi hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu dao động trong khoảng 38-85 lần. Phải đến năm 2019, sau khi vốn chủ sở tăng lên mức 368 tỷ đồng thì hệ số trên mới giảm xuống còn 2,2 lần.

Cùng chuyên mục
Tin khác