Tài chính tiêu dùng

Cá nhân có thể kiểm tra tình trạng mắc nợ bằng tài khoản mở tại CIC

(VNF) - Cá nhân có thể tự tra cứu miễn phí trực tuyến thông tin về tình trạng nợ nần của mình trên cổng thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) hoặc liên hệ trực tiếp các ngân hàng.

Cá nhân có thể kiểm tra tình trạng mắc nợ bằng tài khoản mở tại CIC

Thời gian gần đây, nhiều người phản ánh bỗng dưng thành con nợ, dính nợ xấu do bị kẻ gian giả mạo CMND, lợi dụng hệ thống eKYC và quy trình duyệt vay online đơn giản. Khi có nhu cầu vay vốn để đầu tư hoặc gia đình có việc cần tiền xoay xở gấp nhưng bị ngân hàng, công ty tài chính... từ chối vì lý do đang có nợ xấu.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu là các khoản nợ quá hạn thanh toán từ 91 ngày, tính từ ngày đến hạn thanh toán (được chia thành ba nhóm gồm nợ xấu nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5, tuỳ thuộc vào thời gian chậm thanh toán).

Nợ xấu có thể phát sinh do chậm thanh toán thẻ tín dụng hay các khoản trả góp, khoản vay từ tổ chức tín dụng. Lịch sử nợ xấu được lưu trữ trên báo cáo tín dụng cá nhân tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), trực thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước lên đến 5 năm. Một khi lịch sử tín dụng có nợ xấu, hồ sơ vay vốn hoặc mở thẻ tín dụng thường sẽ bị ngân hàng từ chối.

Với những người muốn chủ động theo dõi thông tin tín dụng của bản thân, có hai cách để có thể kiểm tra. Cách thứ nhất, có thể tra cứu miễn phí trên website của CIC, dù đã từng vay ngân hàng hay chưa. Cụ thể, bạn cần đăng ký tài khoản lần đầu trên website của CIC bằng cách cung cấp thông tin gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại... Ngoài ra, cần có ảnh chứng minh thư hai mặt cùng với ảnh chân dung cá nhân (cầm chứng minh thư) để CIC định danh người đăng ký.

Sau một đến vài ngày làm việc để CIC kiểm tra thông tin, xác định người đăng ký là chủ nhân của số chứng minh nhân dân, tài khoản của bạn sẽ được kích hoạt. Lúc này bạn có thể đăng nhập vào CIC và chọn phần khai thác báo cáo, gồm các thông tin về điểm tín dụng, mức độ rủi ro và kiểm tra đang có nợ xấu hay không. Báo cáo này đang được khai thác miễn phí.

Cách thứ hai là kiểm tra trực tiếp trong quá trình giao dịch với ngân hàng, công ty tài chính. khách hàng cũng có thể nhờ nhân viên tại đây kiểm tra thông tin tín dụng (thường mất phí). Với trường hợp này, bạn cũng cần cung cấp cho tổ chức tín dụng giấy chứng minh nhân dân có cả mặt trước và mặt sau.

eKYC (Electronics Know Your Customer) là thuật ngữ để chỉ định danh khách hàng điện tử. Giải pháp eKYC giúp đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi cho khách hàng, được các ngân hàng ở nhiều quốc gia áp dụng với sự chấp thuận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Tin mới lên