Các hãng bay mới ở Việt Nam mất bao lâu để cất cánh?
Ngô Minh -
23/08/2019 07:08 (GMT+7)
Thời gian từ khi thành lập pháp nhân, trình dự án đầu tư hàng không tới chuyến bay thương mại đầu tiên của một hãng bay phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thường kéo dài khoảng 1 năm.
Trong 5 hãng hàng không đang vận hành của Việt Nam, phần lớn đều mất khoảng hơn 1 năm để có thể cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên và quá trình 4 năm như của Vietjet Air là trường hợp hiếm.
Hơn một năm cho giấc mơ bay
Trường hợp đầu tiên trải qua quy trình thành lập hãng hàng không ở Việt Nam trong 5 hãng bay trên là Vietnam Airlines. Hãng được thành lập vào tháng 1/1956 khi Thủ tướng ký Nghị định thành lập hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Chín tháng kể từ ngày thành lập, hãng Vietnam Airlines cất chuyến bay đầu tiên của mình dưới cái tên Hàng không dân dụng Việt Nam. Hãng khi đó cất cánh từ sân bay Gia Lâm, sử dụng hai chiếc máy bay Liên Xô là Lisunov Li-2
Cho đến năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, hãng mới thực hiện những chuyến bay ra quốc tế tới Trung Quốc, Lào và Thái Lan.
Cũng giống Vietnam Airlines, Jetstar chỉ mất chưa đầy 1 năm để cất cánh chuyến bay đầu tiên của mình. Ban đầu hãng có tên là Pacific Airlines, thành lập vào tháng 4/1991, bao gồm 7 cổ đông là các doanh nghiệp Nhà Nước với số vốn điều lệ là 40 tỷ đồng.
Vào năm 1995, Pacific Airlines được bàn giao và trở thành đơn vị thành viên của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Năm 2007, tập đoàn Qantas của Australia đã ký kết hợp đồng mua lại 30% cổ phần của hãng để trở thành cổ đông quan trọng của hãng. Cũng từ đây hãng được đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines.
Một cái tên nữa cũng mất khoảng một năm để cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên là Bamboo Airways của Tập đoàn FLC. Ra đời trong giai đoạn mở cửa bầu trời, tuy nhiên lãnh đạo của Bamboo Airways cho hay việc xin cấp phép hãng vẫn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Xin cấp phép từ cuối năm 2017, dự kiến nhận giấy phép bay vào tháng 8/2018 nhưng phải đến tháng 1/2019, Bamboo Airways mới nhận được giấy phép và có chuyến bay đầu tiên. Mất hơn một năm để xin giấy phép nhưng trường hợp của Bamboo Airways vẫn được đánh giá là nhanh trong bối cảnh hàng không hiện đại.
Trường hợp chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên dài nhất của hàng không Việt Nam là Vietjet Air. Hãng được cấp phép hoạt động vào tháng 11/2007 và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào đầu năm 2008 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đề ra ban đầu, hãng sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2008. Nhưng do thời điểm đó, giá xăng dầu có nhiều biến động nên kế hoạch của hãng bị hoãn lại và dự định bay vào tháng 11/2009.
Cũng trong thời gian chuẩn bị này, hãng đã quyết định chuyển hẳn sang mô hình hàng không giá rẻ thay vì mục tiêu trở thành hãng hàng không truyền thống như ban đầu. Đây là quyết định mang tính bước ngoặt không chỉ với doanh nghiệp mà còn với ngành hàng không Việt Nam.
Năm 2011, khi giấy phép bay sắp hết hạn, Vietjet Air đã buộc phải có chuyến bay thương mại đầu tiên nhằm gia hạn giấy phép và tới giai đoạn 2014, hãng đã đẩy mạnh kinh doanh, phát triển bùng nổ.
Bao giờ Vinpearl Air và Vietravel Airlines cất cánh?
Theo hồ sơ dự án hàng không mà Vinpearl Air gửi Sở KH-ĐT Hà Nội, hãng dự kiến bắt đầu bay thương mại vào tháng 7/2020 với 6 máy bay thân hẹp.
Cũng theo hồ sơ của doanh nghiệp gửi cơ quan chức năng, trung bình hãng sẽ tăng khai thác thêm 6 máy bay/năm và đến năm 2024 đội bay của hãng sẽ đạt 30 chiếc (bao gồm 21 máy bay thân hẹp và 9 máy bay thân rộng). Đến năm 2026, con số này sẽ là 42 chiếc.
Nếu theo đúng lộ trình này, tính từ thời điểm nộp hồ sơ tới thời điểm chuyến bay thương mại đầu tiên của Vinpearl Air cất cánh cũng kéo dài khoảng 1 năm.
Về phía Vietravel Airlines, dự kiến khai thác 3 máy bay dòng Airbus A320 hay Boeing 737 hoặc tương đương, chính thức bay thương mại từ quý II/2020. Đến năm thứ 5, hãng sẽ nâng tổng số máy bay khai thác lên 8 chiếc.
Thời điểm cất cánh chuyến bay đầu tiên của Vietravel Airlines gần như tương tự với Vinpearl Air nên nhiều khả năng sau 1 năm nữa, Việt Nam sẽ liên tiếp có thêm hãng hàng không thứ 6 và thứ 7.
Trước đó theo báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không đánh giá hồ sơ của cả hai hãng bay mới là Vinpearl Air và Vietravel Airlines đã đủ điều kiện để báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt đầu tư.
Cục cũng khuyến nghị quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp, thay vì 36 như hãng mong muốn. Với Vietravel Airlines, cơ quan này cho rằng mô hình bay charter của hãng là đáng hoan nghênh, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hiệu quả khai thác.
Cục Hàng không cũng cho rằng Vietravel Airlines cần xây dựng kế hoạch khai thác linh hoạt trong trường hợp thuê chuyến tại các sân bay lớn do sẽ gặp khó khăn trong việc có được các slot (giờ cất, hạ cánh) vì mới tham gia thị trường.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone