Các nước lớn đua nhau dự trữ, đẩy giá vàng tăng cao chưa từng có

Khánh Tú - 25/02/2024 14:09 (GMT+7)

(VNF) - Trong top 11 quốc gia có lượng vàng dự trữ lớn nhất thế giới, Mỹ dẫn đầu với 8.133 tấn vàng. Nhu cầu dự trữ vàng ngày càng tăng đã góp phần giúp giá vàng liên tiếp chinh phục những đỉnh cao mới.

VNF
Ảnh minh họa.

Năm 2023 là năm chứng kiến nhu cầu vàng của thế giới chạm mức cao kỷ lục. Theo thống kê từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng giao dịch vàng toàn cầu đạt 4.899 tấn trong năm ngoái, tăng 3,1% so với mức 4.741 tấn vào năm 2022.

Đây cũng là năm thứ hai lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu vượt mức 1.000 tấn. Trong năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng nhiều thứ hai trong lịch sử, đạt hơn 1.037 tấn, chỉ kém một chút so với lượng mua ròng kỷ lục vào năm 2022.

Nhờ đó, lượng dự trữ vàng của nhiều quốc gia trên thế giới cũng tăng mạnh. Hiện tại, gần 20% tổng số vàng được khai thác trên thế giới nằm trong tay của các ngân hàng trung ương.

Biểu đồ lượng vàng dự trữ của 11 quốc gia.

Dựa trên dữ liệu từ ngân hàng trung ương các nước, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Hội đồng vàng thế giới (WGC), tính tới tháng 9/2023, 7 quốc gia trong top 11 quốc gia dự trữ vàng nhiều nhất thế giới đều là những nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Trong đó, Mỹ là nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, với 8.133 tấn được cất giữ tại 12 chi nhánh của Fed trên cả nước.

Đứng thứ hai là Đức với 3.353 tấn. Nga và Trung Quốc cũng lọt top 6 nước có dự trữ vàng lớn nhất, đồng thời cũng là 2 nước mua nhiều vàng nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua.

Đứng cuối trong danh sách 11 quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ với 479 tấn. Con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng khi Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) đang tập trung vào tăng dự trữ vàng sau khi áp dụng các chính sách kinh tế mới.

Phần lớn dữ trữ vàng của các nước trên thế giới được cất trữ ở nhiều địa điểm khác nhau, như kho chứa của ngân hàng trung ương và kho chứa tư nhân.

Trên thực tế, các quốc gia có nhiều lý do để tăng dự trữ vàng. Đầu tiên, đây là kênh lưu trữ giá trị ổn định và đáng tin cậy, nhất là trong giai đoạn tình hình tài chính, địa chính trị bất ổn. Năm 2023, trong bối cảnh Mỹ liên tục tăng lãi suất và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn trên toàn cầu, vàng đã một lần nữa cho thấy sức mạnh “kênh trú ẩn an toàn” của mình.

Ngoài ra, một số quốc gia như Nga, Trung Quốc,… dự trữ vàng để giảm phụ thuộc vào đồng USD, từ đó nâng vị thế của đồng nội tệ. Đồng thời, dự trữ vàng còn giúp các nước đa dạng hóa danh mục tài sản quốc gia.

Nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương góp phần đẩy giá vàng tăng cao.

Nhu cầu dự trữ vàng tăng kéo theo sức mua của các ngân hàng trung ương tăng đã tác động mạnh mẽ lên giá vàng. Khi thấy ngân hàng trung ương mạnh tay mua vàng, các nhà đầu tư cá nhân cũng quan tâm tới vàng hơn.

Trong tháng 12/2023, giá vàng thế giới lập kỷ lục mọi thời đại trên mức 2.100 USD/ounce, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư cá nhân cùng ồ ạt mua vàng. Nhu cầu tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương đã góp 15% vào mức tăng của giá vàng trong năm 2023, WGC nhận định.

Theo ông Aakash Doshi, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa Bắc Mỹ tại ngân hàng Citi, nếu lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đạt mức 2.000 tấn, giá vàng có thể sẽ tăng lên 3.000 USD/ounce.

Thậm chí, các chuyên gia của CNBC còn cho rằng với đà tăng hiện tại, thời điểm giá vàng cán mốc 5.000 USD/ounce không còn xa, tức tăng khoảng 146% so với giá hiện nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác