Cách nào trợ lực cho tăng trưởng?
(VNF) - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) cho rằng trong thời gian tới, việc hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế cần tiếp tục duy trì nhưng cần tập trung các giải pháp về phía cầu hơn là phía cung như hiện nay.
- Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Ông có thể chỉ rõ các điểm hạn chế này?
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Chúng ta có thể thấy một số điểm đáng kể như: thị trường vàng nổi sóng, gây tác động không nhỏ đến việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Kèm theo đó là việc duy trì chính sách lãi suất thấp ngược dòng với thế giới quá lâu khiến cho khối ngoại liên tục rút ròng dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn đầu tư gián tiếp.
Áp lực từ thị trường vàng kèm theo áp lực rút vốn từ khối ngoại và nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng cao để phục vụ sản xuất đã gây áp lực không nhỏ lên tỷ giá, khiến tỷ giá nổi sóng trong những tháng đầu năm và buộc NHNN phải bán ngoại tệ để ổn định. Nếu áp lực tỷ giá vẫn duy trì thì khả năng cao là NHNN buộc phải tăng lãi suất trong thời gian tới để ổn định tỷ giá và chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng.
- Sản xuất và tiêu dùng trong những tháng đầu năm đều ở mức yếu. Ông đánh giá điều này ảnh hưởng như thế nào tới tăng trưởng?
Các số liệu cho thấy sản xuất và tiêu dùng có sự phục hồi, tuy nhiên chưa thực sự mạnh như kỳ vọng. Điều này cũng dễ hiểu vì diễn biến tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn khi Mỹ vẫn đang duy trì chính sách lãi suất cao, nền kinh tế châu Âu có dấu hiệu rơi vào suy thoái ngắn, cũng như các căng thẳng địa chính trị vẫn đang nổ ra và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Và do là một nền kinh tế mở, nhỏ nên Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động như trên, đặc biệt là về xuất khẩu. Chính vì thế, nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nhưng sẽ hồi phục theo tuyến tính chứ sẽ khó để trông chờ một bước hồi phục nhảy vọt theo một đường cong mỹ miều nào đó.
- Tỷ giá và lãi suất đang là nỗi lo lớn đối với cộng đồng kinh doanh. Ông nhìn nhận ra sao về triển vọng của 2 vấn đề này?
Việc lãi suất có xu hướng tăng trong thời gian tới là tất yếu và theo tôi điều đó là phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại. Như chúng ta biết, kinh tế trong 5 tháng đầu năm đang có dấu hiệu hồi phục, dù chưa thực sự mạnh mẽ như kỳ vọng bởi nhiều yếu tố vĩ mô thế giới vẫn chưa thực sự tốt lên và ảnh hưởng bởi các xung đột về địa chính trị trên thế giới.
Việc kinh tế hồi phục, sản xuất công nghiệp gia tăng đã làm tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng như sản phẩm tiêu dùng nội địa. Lần đầu tiên Việt Nam quay trở lại nhập siêu trong một quãng thời gian dài. Bên cạnh đó, việc duy trì lãi suất thấp quá lâu để kích thích kinh tế cũng phần nào gây áp lực lên việc rút vốn của khối ngoại và ảnh hưởng đến tỷ giá. Kèm với đó, việc thị trường vàng trong thời gian qua biến động khá mạnh cũng góp phần vào áp lực tỷ giá, đặc biệt là ở thị trường tự do, qua đó ảnh hưởng đến tỷ giá chính thức. Đó là lý do tỷ giá có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua.
Việc tỷ giá tăng cũng dẫn đến hiện tượng nhập khẩu lạm phát, khi với cùng một món hàng nhập khẩu, chúng ta phải trả nhiều tiền hơn so với trước. Kèm theo đó là nhu cầu tiêu dùng gia tăng cũng tác động lên lạm phát như một hệ quả tất yếu. Chính vì thế, lạm phát trong 5 tháng vừa qua có sự gia tăng, điển hình như trong tháng 5, lạm phát đạt mức 4,4% so với cùng kỳ.
Do đó, để kiềm chế lạm phát và tỷ giá, NHNN buộc phải có các động thái để hạn chế các áp lực này như tung dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá, việc này cũng làm giảm bớt tiền trong lưu thông và giúp kiềm chế lạm phát. Hệ quả tất yếu là lãi suất sẽ bắt đầu nhích dần lên trong thời gian qua và xu hướng dự báo cho thấy lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng nhẹ từ giờ cho đến cuối năm.
Theo tôi, đây là bước đi hợp lý, bởi chúng ta cần phải tăng nhẹ lãi suất để hạn chế hiện tượng rút vốn tránh gây áp lực lên tiền Đồng cũng như nhằm kiềm chế lạm phát có thể quay trở lại trong thời gian tới.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về biện pháp để khắc phục tình trạng trên?
Trong ngắn hạn, việc điều hành chính sách bắt buộc là bài toán đánh đổi. Và khi tình hình kinh tế thế giới không thực sự khởi sắc như hiện tại thì cũng sẽ khó để chúng ta có thể tạo một bước nhảy vọt trong phục hồi kinh tế. Do vậy, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ cần cân nhắc việc điều hành chính sách hài hòa, chấp nhận sự phục hồi chậm hơn và ưu tiên hơn cho việc ổn định vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá và lạm phát nhiều khả năng sẽ có xu hướng tăng trong năm nay.
Việc cân nhắc tăng dần lãi suất là phù hợp trong bối cảnh hiện tại để tránh gây áp lực quá lớn đến tỷ giá. Chúng ta cần có những động thái đón đầu, chứ khi tỷ giá và lạm phát tăng mạnh mới có động thái thì đã quá muộn.
- Theo ông, cần những chính sách như thế nào để có thể trợ lực cho tăng trưởng?
Việc hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn nên tiếp tục làm nhưng cần tập trung hơn các giải pháp về phía cầu hơn là phía cung như hiện nay. Chẳng hạn, Chính phủ có thể cân nhắc việc giảm thêm thuế VAT, giảm thuế thuế thu nhập cá nhân hoặc thay đổi quy định về người phụ thuộc và mức giảm trừ gia cảnh…; cân nhắc việc hoàn thuế cho doanh nghiệp và người dân để tiền có thể chảy ngay vào túi người dân từ đó mang lại hiệu quả kích cầu nhanh hơn…Và như đã phân tích ở trên, việc thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu đang khó khăn không phải là chuyện dễ, chúng ta chỉ có thể làm mọi cách trong phạm vi chính sách tác động đến tiêu dùng nội địa cũng như các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, còn lại vẫn phải trông chờ vào các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế thế giới trong thời gian tới.
Việc hỗ trợ tăng trưởng cần làm khẩn trương nhưng cũng tránh việc chủ quan duy ý chí làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc phục hồi mà trái lại có thể gây ra các tác dụng phụ về ổn định vĩ mô.
- Còn với doanh nghiệp thì sao? Làm thế nào để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Có thể nói giai đoạn khó khăn nhất có thể đã qua nhưng vẫn còn quá sớm để nói về một tương lai tươi sáng. Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cần tập trung đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường mới để bù đắp nguồn thu từ sự sụt giảm của các thị trường truyền thống. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động, tối thiểu hóa chi phí để có thể có được bộ máy tinh gọn và hiệu quả, giúp doanh nghiệp có thể vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại.
Ngoài ra, các doanh nghiệp luôn phải theo dõi sát tình hình và diễn biến của kinh tế trong nước và thời giới trong thời đại VUCA hiện tại, để tránh bị bất ngờ trước những có sốc có thể xảy ra và luôn có những phương án dự phòng trước những khó khăn và khủng hoảng, hạn chế sự bị động và mất kiểm soát.
Thủ tướng: ‘Tăng trưởng quý 2 vượt mọi kịch bản, là mức cao của thế giới’
- Tăng trưởng GDP vượt dự báo: Lãnh đạo Tổng cục Thống kê lên tiếng 01/07/2024 11:15
- GDP tăng 6,42%, gần 80,5 nghìn DN thành lập mới 29/06/2024 11:54
- Hai kịch bản tăng trưởng 2024: Bộ KH- ĐT muốn chọn mục tiêu cao, GDP đạt 6,5% 03/04/2024 12:53
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.