Cách thức Trương Mỹ Lan dùng tài sản tạo dòng tiền để thâu tóm ngân hàng
Trần Lê -
12/03/2024 16:13 (GMT+7)
(VNF) - Ngày 12/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 85 bị cáo khác xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan tiếp tục với phần xét hỏi của luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Dùng tài sản tham gia tái cơ cấu
Trả lời luật sư, Trương Mỹ Lan khai, trong quá trình hợp nhất 3 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đệ Nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và SCB thành SCB, thời điểm đó SCB rất cần nhiều tiền.
Bà Lan có khách sạn Windsor, là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Việt Nam, tọa lạc tại quận 5, TP. HCM. Bà Lan đồng ý cho SCB mượn khách sạn Windsor để thông qua ông Trần Bắc Hà vay 15.000 tỷ đồng. Sau đó bà Lan đã giải chấp, trả lại cho ông Trần Bắc Hà 15.000 tỷ đồng.
Về việc hợp nhất SCB, bị cáo Lan cho rằng Ngân hàng Nhà nước mời nhiều người nhưng họ đều không muốn vào nên vận động bà. để hợp nhất thành công 3 ngân hàng, bị cáo có 3 nhiệm vụ: vận động bạn bè, người thân mua đủ trên 65% cổ phần; cho mượn tài sản và kêu gọi đối tác nước ngoài.
Về cáo buộc thâu tóm cổ phần tại SCB, bị cáo Lan khẳng định cổ phần không phải của bà mà của bạn bè.
Theo bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), lý do bà Trương Mỹ Lan được mời tham gia vào quá trình tái cơ cấu SCB vì có thể thời điểm đó bà Lan được đánh giá là người có uy tín, năng lực.
Theo bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng giám đốc SCB, quá trình tái cơ cấu của SCB có nhiều giai đoạn bắt đầu từ 2012 thì chị Lan có đưa một số tài sản như Times Square, Chợ Vải, khách sạn Windsor vào để tái cơ cấu để làm phương án vay mới, nguồn tiền để trả nợ cho các khoản vay cũ. Còn giai đoạn từ năm 2021 đến nay, bị cáo không thấy Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào để tái cơ cấu SCB.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) cũng cho rằng Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào để hoán chuyển khoản vay trước đây không có tài sản đảm bảo trở thành những khoản vay mới có tài sản đảm bảo.
Dùng tài sản khắc phục hậu quả
Theo bị cáo Lan, mẹ bà là tiểu thương chợ Bến Thành, gia đình tích lũy được tài sản, vì vậy kinh tế gia đình vững chắc để thành lập công ty.
Khi được mời hợp nhất 3 ngân hàng để thành lập SCB, bị cáo đã vận động bạn bè trong và ngoài nước tham gia cổ phần. Về mặt kinh doanh, bị cáo có niềm tin khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo có thể làm được nên mới dám mạo hiểm cho mượn tài sản thế chấp.
Bị cáo Lan mong muốn chuyển 1.000 tỷ đồng mà ông Nguyễn Cao Trí khắc phục hậu quả vào Ngân hàng SCB vì bây giờ SCB đang rất cần tiền.
Bà Lan cũng muốn đưa 13 tài sản ngoài danh mục kê biên, phong tỏa để khắc phục hậu quả, đồng thời bà muốn ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước xử lý cổ phần của cá nhân bà, con gái, bạn bè để giải quyết, khắc phục hậu quả.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.