Ngân hàng

Cần tăng tiến độ xử lý sở hữu chéo ngân hàng

Sau hơn 3 năm kể từ khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về sở hữu của các tổ chức tín dụng (TCTD) ra đời, việc thoái vốn của các ngân hàng vẫn chậm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi thị trường chứng khoán khởi sắc và cổ phiếu ngân hàng tăng giá trở lại, hoạt động thoái vốn đã thuận lợi hơn.

Cần tăng tiến độ xử lý sở hữu chéo ngân hàng

Cần tăng tiến độ xử lý sở hữu chéo ngân hàng

Vừa thoái xong 4,3% vốn tại Saigonbank và 10,91% vốn tại Công ty Tài chính Xi Măng (CFC) vào cuối năm 2017, Vietcombank đang tiếp tục rao bán hơn 6,6 triệu cổ phần OCB còn lại với giá bán 13.000 đồng/CP.

Trước đó, ngân hàng này thông báo bán đấu giá 18,9 triệu cổ phần OCB, giá khởi điểm cũng là 13.000 đồng/CP và đã có 13,16 triệu cổ phần được san tên, thu về hơn 171 tỷ đồng. Hiện tại, Vietcombank còn nắm giữ 8,19% vốn tại Eximbank và 6,97% vốn tại MB.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, thời gian qua, Ngân hàng đẩy mạnh việc thoái vốn nhằm tuân thủ quy định tại Thông tư 36.

"Sắp tới, Vietcombank sẽ đưa tỷ lệ sở hữu tại MB và Eximbank về mức 5% theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Ngân hàng đang lên kế hoạch bán 350 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay", ông Thành nói.

Tại Eximbank, kết quả bán vốn cũng đã tích hơn. Tổng giám đốc Lê Văn Quyết cho biết, nhờ thị trường chứng khoán thuận lợi, Eximbank đã giảm sở hữu tại Sacombank từ hơn 165,22 triệu cổ phiếu xuống còn 50 triệu cổ phiếu vào cuối năm 2017. Hiện Eximbank đang lên kế hoạch bán nốt này.

"Eximbank đã thu về khoảng 400 tỷ đồng từ việc thoái vốn này. Trong đó, 100 tỷ đồng được hạch toán vào lợi nhuận năm 2017, góp phần giúp Ngân hàng đạt 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm này, số tiền 300 tỷ đồng còn lại sẽ được hạch toán trong năm 2018. Đối với 50 triệu cổ phiếu Sacombank còn lại, chúng tôi vẫn đang thực hiện bán ra và dự kiến sẽ bán hết trong quý I này", ông Quyết nói.

Không chỉ khối ngân hàng, khối doanh nghiệp nhà nước cũng đang đẩy mạnh việc bán vốn tại các nhà băng nhằm đáp ứng quy định thoái vốn ngoài ngành đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ngày 7/2/2018, Mobifone tổ chức bán đấu giá 33,4 triệu cổ phần SeABank (tương ứng 6,11% vốn ngân hàng) với giá khởi điểm giá 9.600 đồng/CP và 5,5 triệu cổ phần TPBank (tương đương 1% vốn ngân hàng) với giá khởi điểm 12.800 đồng/CP, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại TPBank xuống còn 4,76%.

Đến ngày 10/3/2018, Mobifone thông báo đã thoái xong vốn tại SeABank. Tuy không tiết lộ cụ thể số tiền thu được, nhưng nếu bán với giá 9.600 đồng/CP như kế hoạch, nhà mạng này sẽ thu về khoảng 320 tỷ đồng.

Về khoản đầu tư tại TPBank, đại diện Mobifone cho biết, sẽ thực hiện sau khi TPBank lên sàn dự kiến trong quý I hoặc quý II/2018, với kỳ vọng giá cổ phiếu TBBank tăng lên so với giá dự kiến

Một "đại gia" viễn thông khác là VNPT cũng tiến hành bán vốn tại ngân hàng, song lại không suôn sẻ, bất chấp sóng tăng giá cổ phiếu "vua" vẫn đang tiếp diễn. 

Cụ thể, vào giữa tháng 1/2018, VNPT thông báo bán đấu giá theo lô hơn 71 triệu cổ phần tại Maritime Bank (tương đương 6,09% vốn ngân hàng), nhưng đến hạn vẫn không có nhà đầu tư nào đăng ký nên cuộc đấu giá bị hủy bỏ. Đây là lần thứ 3 VNPT không thành công trong việc bán vốn tại MaritimeBank.

Cần tăng tiến độ

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đến tháng 11/2017, không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn trong hệ thống ngân hàng. Số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp trong năm 2017. Sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp. Số TCTD sở hữu hơn 15% vốn TCTD khác nay chỉ còn 3-4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012.

Theo Thống đốc, hiện trạng sở hữu chéo đã cải thiện cơ bản trong thời gian qua, nhưng vì là vấn đề phức tạp, khó phát hiện và kiểm soát, đặc biệt trong trường hợp nhờ người đứng tên hộ. Để gia tăng tiến độ xử lý sở hữu chéo, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, rà soát việc sở hữu tại các TCTD; các ngân hàng cần đẩy nhanh việc chuyển nhượng, thoái vốn, nhất là hoạt động M&A, bởi đây được xem là giải pháp tốt nhất để xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc Luật TCTD sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 là bước tiến mới nhằm chặt "vòi bạch tuộc" sở hữu chéo, đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống các TCTD trong tình hình mới…

Tin mới lên