Căng chuyện chia vốn dư từ đại dự án giao thông

Anh Minh - 04/11/2015 09:39 (GMT+7)

Sẽ có rất ít công trình mới chen chân được vào danh mục các công trình dự kiến ưu tiên bố trí vốn trái phiếu chính phủ dư từ Dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.

Nhiều dự án xếp hàng

Dự án Nâng cấp Quốc lộ 12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan (Ninh Bình) là công trình duy nhất chưa có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu chính phủ được Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.

Với chiều dài 31 km, nếu được đầu tư sớm, công trình kết nối Quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh này sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong vùng, rút ngắn hành trình từ Tây Bắc về đồng bằng, mà còn góp phần phát huy hiệu quả đầu tư tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.

Được biết, trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã ký Tờ trình số 523/TTr – CP gửi các đại biểu Quốc hội về phương án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Cụ thể, tổng vốn trái phiếu chính phủ còn dư là 14.259 tỷ đồng, trong đó các dự án mở rộng Quốc lộ 1 là 9.910 tỷ đồng, chủ yếu do các chủ đầu tư không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá vì rút ngắn 1 năm thi công so với kế hoạch, điều chỉnh thiết kế, sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý, tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế, hiện còn khá nhiều dự án hạ tầng cấp bách được các địa phương kiến nghị sử dụng phần vốn dư trái phiếu chính phủ từ hai đại dự án nói trên, nhưng việc có được bố trí vốn hay không vẫn phải đặt trong "chế độ chờ", nếu như việc đầu tư 25 dự án được đề cập trong tờ trình tiếp tục… dư vốn.

Trong đợt thẩm định nguồn vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư loạt dự án hạ tầng đầu tiên của Bộ Giao thông - Vận tải theo Luật Đầu tư công, gồm 8 công trình vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là rất khó khăn.

"Áp lực bố trí vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng trong năm tới rất lớn, nên việc nhiều địa phương trông cả vào phần vốn dư trái phiếu chính phủ từ Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh", một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) chia sẻ.
 
Hy vọng từ vốn dư của vốn dư

Theo thông tin của Báo Đầu tư, ngay trước phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về phương án sử dụng vốn dư Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nhận được một số đề nghị bổ sung vào danh mục nhận vốn của một số đoàn đại biểu Quốc hội cho công trình giao thông trên địa bàn.

"Điều này cho thấy, áp lực giữ nguyên danh mục 25 dự án, hạng mục sẽ được nhận vốn dư từ hai công trình trọng điểm quốc gia này cho đến khi phương án sử dụng vốn được Quốc hội bấm nút thông qua là không nhỏ. Việc cơi nới thêm chắc chỉ hy vọng từ phần vốn dư của vốn dư mà thôi", một chuyên gia cho biết.

Được biết, theo đề nghị của Chính phủ, các dự án nằm trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (bao gồm cả tuyến tránh) sẽ được bố trí 7.741 tỷ đồng; các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu chính phủ theo các nghị quyết của Quốc hội được đề nghị bố trí 5.340 tỷ đồng; các dự án có tính chất kết nối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nằm ngoài danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ (Quốc lộ 12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, Ninh Bình có kinh phí khoảng 1.178 tỷ đồng).

Trong số các dự án dự kiến nhận vốn, có một số hạng mục có quy mô vốn khá lớn như: đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới - Chợ Chu dài 19 km (927 tỷ đồng); đường Hồ Chí Minh cầu Bình Ca và đường dẫn từ ngã ba Phú Thịnh - ngã ba Bình Ca dài 13 km (813 tỷ đồng); tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1 - giai đoạn II (2.174 tỷ đồng); mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1027 - Km1045 +780 đoạn qua Quảng Ngãi (923 tỷ đồng)…

Đặc biệt, sẽ có 2 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 nằm trong danh mục nhận vốn dư như khoản bổ sung vào phần vốn hỗ trợ của Nhà nước còn thiếu. Trong đó, Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Km947 - Km987, tỉnh Quảng Nam nhận 216 tỷ đồng; Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Km1125 - Km1153, tỉnh Bình Định nhận thêm 402 tỷ đồng.

Trong văn bản gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư để đầu tư các dự án nêu trên, với tổng kinh phí không quá 14.259 tỷ đồng và giao Chính phủ thực hiện mức phát hành trái phiếu chính phủ hàng năm theo tiến độ thực hiện các dự án.

"Các dự án bổ sung được phép thẩm định, phê duyệt và triển khai ngay sau khi được Quốc hội thông qua để đảm bảo tiến độ hoàn thành đưa toàn bộ Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh vào khai thác đồng bộ, hiệu quả",  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đề xuất.

Theo Theo Báo Đầu Tư
Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.