(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu cạnh tranh lành mạnh (workable competition) là gì?
Cạnh tranh lành mạnh(workable competition) Là khái niệm bao hàm những tiêu chuẩn về cơ cấu và hành vi thị trường cần tuân thủ để đảm bảo đạt được hiệu quả thị trường mong muốn. Người ta đưa vào khái niệm này những tiêu chuẩn như sau:
Tiêu chuẩn về kết cấu:
1.Số lượng người bán lớn hoặc đủ lớn, không có ai chi phối thị trường, hoặc ít nhất cũng có nhiều người chi phối được thị trường khi kinh tế quy mô cho phép họ làm điều đó. 2.Không có trở ngại nhân tạo nào đối với sự gia nhập 3.Sự phân biệt chất lượng vừa phải và nhạy cảm với giá cả
Tiêu chuẩn về hành vi:
1.Có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp, không có các thoả thuận cấu kết (các ten) để cố định giá cả, thị phần, v.v… 2.Không sử dụng chiến thuật cô lập hoặc lôi kéo (ví dụ chỉ mua bán với một số người, từ chối cung cấp, hợp đồng ràng buộc) với mục đích làm hại các nhà cung cấp cạnh tranh. 3.Nhạy cảm với nhu cầu của người tiêu dùng về các mặt hàng khác nhau
Tiêu chuẩn về hiệu quả:
1.Tối thiểu hoá chi phí cung ứng 2.Giá phù hợp với chi phí cung ứng, trong đó có cả lợi nhuận hợp lý mà người cung ứng thu được từ hiệu quả, chấp nhận rủi ro, đầu tư và đổi mới. 3.Tránh mức chi tiêu cho quảng cáo quá cao 4.Áp dụng công nghệ và sản phẩm mới
Những định nghĩa về cạnh tranh lành mạnh biểu thị nỗ lực đưa ra các chỉ dẫn hữu ích cho chính sách chống độc quyền trong thực tiễn, chứ không phải trạng thái lý tưởng trong lý thuyết về cạnh tranh hoàn hảo. Song trên thực tế, người ta vẫn gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc khuyến khích mọi người chấp nhận các tiêu chuẩn này. Chẳng hạn số người bao nhiêu là đủ lớn? Làm thế nào để đạt được con số đó? Mức lợi nhuận nào là hợp lý?
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Theo cuốn Black’s Law Dictionary, cạnh tranh lành mạnh được định nghĩa “là hình thức cạnh tranh công khai, công bằng và ngay thẳng giữa các đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh” (Bryan A.Garner, sđd, tr 279.).
Cạnh tranh luôn là ước muốn của các doanh nghiệp có thái độ kinh doanh đúng mực, của những nhà quản lý kinh tế, cạnh tranh lành mạnh đem lại hiệu quả tối ưu cho người tiêu dùng. Nuôi nấng và tô vẽ các nét đẹp truyền thống văn hiến vài nghìn năm, nền kinh tế lúa nước của người Việt Nam cũng phản ánh những quan niệm về cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động giao lưu thương mại. Những câu thành ngữ “buôn có bạn, bán có phường” đã cho thấy các thương nhân Việt Nam đã có thói quen yêu mến sự lành mạnh của cạnh tranh.
Hiện nay, là khái niệm chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết, cạnh tranh lành mạnh không phải là khái niệm luật định cho dù bất cứ đạo luật cạnh tranh nào cũng đều hướng đến xây dựng và hoàn thiện một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Trong khoa học pháp lý, người ta cũng chưa có được bất cứ khái niệm nào về cạnh tranh lành mạnh làm vừa lòng tất cả những nhà khoa học. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã có một sự thống nhất khi đưa ra những đặc trưng của cạnh tranh lành mạnh như sau:
– Cạnh tranh bằng tiềm năng vốn có của doanh nghiệp;
– Có mục đích thu hút khách hàng;
– Không trái pháp luật và tập quán kinh doanh lành mạnh (PGS. Nguyễn Như Phát – Ths. Bùi Nguyên Khánh, sđd..)
Cạnh tranh lành mạnh đem lại cho người tiêu dùng chất lượng sản phẩm ngày càng cao, sự đa dạng sản phẩm theo nhu cầu, giá cả hợp lý; đem lại cho đời sống kinh tế – xã hội những thành tựu phát triển của khoa học kỹ thuật, sự hợp lý trong việc sử dụng các nguồn lực kinh tế như: vốn, lao động, nguyên liệu. Đối với doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh sẽ là trọng tài công bằng để lựa chọn những nhà kinh doanh có đủ năng lực, đủ bản lĩnh để tồn tại và kinh doanh hiệu quả.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.