Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Tính từ thời điểm dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng bắt đầu triển khai đến nay đã hơn 10 năm nhưng các khoản Nhà nước cam kết trả cho nhà đầu tư (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam-VIDIFI) vẫn chưa được thực hiện. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy dự án phá sản, khó kêu gọi đầu tư.
Ai trả khoản phát sinh 800 tỷ đồng?
Năm 2007, dự án Quốc lộ 5 mãn tải, Thủ tướng quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Do ngân sách nhà nước khó khăn, dự án đã được triển khai đầu tư theo cơ chế thí điểm. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án được trả dần bằng ngân sách và bằng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.
Cụ thể, đối với phần tham gia trực tiếp của Nhà nước, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.069 tỷ đồng, VIDIFI vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) để chuyển toàn bộ cho các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng từ năm 2008-2010. Do không thể bố trí vốn ngay, Nhà nước sẽ bố trí hoàn trả dần khoản tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD) Chính phủ bảo lãnh cho VDB vay vốn và cho VIDIFI vay lại để thực hiện Dự án. Nhà nước sẽ trả dần các khoản nợ gốc của các khoản vay trên khi đến hạn theo hợp đồng vay (thời gian từ 13-30 năm) và một phần vốn tham gia của Nhà nước được bố trí từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường (khoảng 5.200 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc VIDIFI, tính từ thời điểm dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng bắt đầu triển khai đến nay đã hơn 10 năm nhưng các khoản Nhà nước cam kết trả cho VIDIFI theo quyết định 746 của Thủ tướng vẫn chưa được thực hiện.
Do đó, VIDIFI vẫn đang phải tiếp tục vay VDB các khoản tham gia hỗ trợ của nhà nước theo cam kết với lãi suất bình quân 10%. Tính đến cuối 2018, chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của Nhà nước theo quyết định 746 chưa được thực hiện ước tính khoảng 800 tỷ đồng.
“Nếu chậm ngày nào, khoản lãi vay này sẽ tiếp tục lãi phát sinh quá hạn định mức và tăng lên vài nghìn tỷ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm chi trả, doanh nghiệp hay Nhà nước chịu? Nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước không nhanh chóng được cấp, VIDIFI thừa nhận sẽ dẫn đến hệ lụy phá vỡ phương án tài chính của dự án, doanh nghiệp dự án phá sản,” ông Tỉnh bày tỏ sự lo lắng.
Trong trường hợp không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn được Chính phủ bảo lãnh, phía VIDIFI cho rằng sẽ ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam. (Dự án đã được 6 định chế tài chính và ngân hàng quốc tế cho vay gồm Keximbank, Kfw, Citi Bank Japan, Sumitomo Mitsui Banking, MUFG Bank, Sumitomo Trust & Banking).
“Khi vay vốn nước ngoài, phương án tài chính được duyệt của dự án đã được gửi cho các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó đã thể hiện thời gian hoàn vốn, lộ trình thực hiện các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án. Vì vậy, các tổ chức này rất quan tâm đến tính khả thi của phương án tài chính và khả năng hoàn trả vốn vay đến hạn, trong đó, đặc biệt quan tâm đến tình hình thực hiện các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án,” ông Tỉnh nhấn mạnh.
Lo ngại uy tín, môi trường đầu tư
Theo ông Tỉnh, VIDIFI đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về tình hình thực hiện các khoản hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm vẫn chưa thể tháo gỡ dù Bộ Chính trị, Quốc hội và Thủ tướng đã có những chỉ đạo rõ ràng.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 334/TB-VPCP ngày 3/8/2018 chỉ đạo các Bộ ngành liên quan: “Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2016-2020 và các thời kỳ tiếp theo để thanh toán các khoản hỗ trợ vốn cho VIDIFI đầu tư dự án theo quy định của Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư (khoảng 4.069 tỷ đồng) và trả nợi gốc khi đến hạn của 2 khoản vay nước ngoài.”
Vừa qua, tại văn bản số 209/BC-BCA-ANKT ngày 3/4/2019, Bộ Công an cũng đã có báo cáo Chính phủ: “Mặc dù đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ ngành, nhưng đến nay, nhiều cơ chế hỗ trợ cho Dự án theo quyết định 746/QĐ-TTg chưa được thực hiện, dẫn đến dự án gặp nhiều khó khăn trong phương án hoàn vốn, có thể làm phá vỡ phương án tài chính của dự án; đặc biệt, không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn được Chính phủ bảo lãnh, ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Từ tình hình trên, Bộ Công an đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp Bộ ngành rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án, không làm ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Ngay trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 này, Chính phủ cũng vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn các dự án quan trọng quốc gia cho dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Tuy nhiên, qua rà soát các tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nhận thấy phương án bố trí trên 40% tổng số vốn thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là chưa hợp lý.
Trả lời đến ý kiến cho rằng, Chính phủ chưa làm rõ đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã được phê duyệt hay chưa và trong đề án có nội dung chi trả giải phóng mặt bằng cho dự án này hay không, ông Tỉnh cho biết, trong đề án tái cơ cấu VDB báo cáo Bộ Chính trị các khoản cam kết tham gia của Nhà nước vào dự án theo Quyết định số 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị đã chỉ đạo “giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ bố trí ngân sách Nhà nước cấp đủ những khoản thuộc trách nhiệm của ngân sách theo cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” (tại văn bản số 6726-CV/VPTW ngày 25/5/2018).
“Nếu phương án tài chính phá sản thì VIDIFI không có tiền trả ngân hàng nào tài trợ về vốn nữa (khoảng vay 570 triệu USD từ 6 ngân hàng nước ngoài). VIDIFI là doanh nghiệp Nhà nước, nếu như các doanh nghiệp tư nhân mà không có tiền bảo trì, vận hành sẽ tiến hành đóng đường mà tiền lệ đã có như chủ đầu tư Đèo Cả dọa đóng hầm Hải Vân,” ông Tỉnh đưa ra cảnh báo.
Nhấn mạnh việc bố trí nguồn vốn để trả là trách nhiệm của Nhà nước, vị Tổng giám đốc VIDIFI cho rằng, do ngân sách hạn hẹp, Nhà nước cần cân đối nguồn vốn và có thể chi trả trước 2.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 4.000 tỷ đồng để giải quyết khó khăn cho VIDIFI.
“Nhà nước không cần trả hết nhưng có thể trả dần theo đúng cam kết. Nguyên lý phân phối quản lý ngân sách và chi tiêu của bất cứ thể chế hay doanh nghiệp đều phải ưu tiên trả nợ trước sau đó mới đến bố trí vốn đầu tư các dự án khác để tránh lún sâu nợ nần," ông Tỉnh phân tích.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.