Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.
Đến giờ giải lao, giáo sư Nguyễn Văn Hiệu giới thiệu chúng tôi với vị khách. Biết chúng tôi là hai nhà thơ đang làm việc ở tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, ông Gold Smith rất lịch sự và vui vẻ trả lời các câu hỏi. Ông cho biết, ông sớm bị mồ côi và tự nguyện đăng lính vào đội cận vệ Hoàng gia Anh khi còn rất trẻ. Mãn hạn lính, trong tay chỉ có 5 bảng Anh, ông phải làm đủ việc để kiếm sống. Cuộc sống có khi cau mặt, có khi mỉm cười đối với ông. Sau hai mươi năm thử sức trên thương trường, ông đã trở thành một trong những người giàu nhất châu Âu. Ông đứng đầu một tập đoàn khai thác vàng lớn nhất ở châu Phi, đồng thời là một nhà doanh nghiệp nổi tiếng nhất nước Anh về các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và báo chí.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Tại sao một người đồng thời có thể làm được nhiều việc lớn như vậy?”, ông từ tốn trả lời: “Các bạn thấy những vị đi cùng với chúng tôi chứ. Đó là những giáo sư giỏi của trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Họ giúp tôi hình thành một tổ hợp trí tuệ. Các bạn hỏi bí quyết làm giàu à? Có 3 bí quyết: Ý chí làm giàu; Những người đồng hành; May rủi”.
Gold Smith chỉ là một trong muôn vàn những người thành đạt. Nếu quan niệm phát triển là sự thay đổi một trạng thái, thay đổi một thân phận, thay đổi một trình độ, thì họ quả là những dẫn chứng rất sinh động. Hiệu quả thì mức độ khác nhau nhưng cạnh tranh thì quyết liệt, ở đó, có việc chưng cất các tiềm năng, trước hết là chất xám. Túi khôn nhân loại là vô tận. Nhưng vận may chỉ mỉm cười với những ai biết đầu tư và hợp tác trí tuệ.
Người ta nói, mọi tài nguyên thiên nhiên đều sẽ đến lúc cạn kiệt, duy chỉ có tài nguyên trí tuệ, càng khai thác càng giàu có. Đó là tiền đề cho một nền kinh tế mới, có tên là nền kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế trí thức, ai làm chủ được ngân hàng trí tuệ, người ấy cầm cờ phát triển.
Ngân hàng trí tuệ tồn tại ở đâu? Ở tất cả mọi lĩnh vực! Đại thể, có thể chia ra ba khu vực lớn: Đó là khu vực riêng tư của gia đình, khu vực không gian công và khu vực quản lý công. Trong đó, khu vực không gian công là vùng đệm giữa không gian gia đình và quản lý công, và ngày càng được mở rộng. Vì, dù có cố gắng đến đâu, lại đang trong tiến trình tinh giảm bộ máy biên chế như hiện nay, thì khu vực quản lý công cũng không thể hút hết nguồn nhân lực sau đào tạo. Trong khi đó, số người đến tuổi về hưu ngày càng nhiều, đó là nguồn bổ sung hầu như vô tận cho không gian công.
Không gian công bao gồm các hội khoa học, kỹ thuật, công nghệ, văn hóa, là quân số cơ hữu hoặc hợp đồng với các doanh nghiệp, các câu lạc bộ nghề nghiệp, thậm chí là tại các quán cà phê, các nhóm thân hữu. Đó là một đội quân đông đảo, còn sức khỏe, học vấn cao, lại có quá trình tích lũy vốn sống và kinh nghiệm, sẵn sàng cung cấp chất xám một cách đa dạng và hào hiệp cho một nền kinh tế đa dạng và phát triển. Tôi đã thấy một số học viện và các trường đại học của ta và nước ngoài sử dụng rất thành công các ngân hàng trí tuệ từ khu vực không gian công.
Chính họ, những đại diện ưu tú của ngân hàng trí tuệ, sẽ góp phần làm tăng tính nghiêm túc của khoa học và tính chuyên nghiệp cho các cơ sở dịch vụ công, các dự án. Với cách làm đó, chúng ta mở rộng tinh thần trọng dụng nhân tài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao các đơn đặt hàng của xã hội phát triển, tránh được các cú sốc cho nền kinh tế, tránh được các rủi ro, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Viết tới đây tôi nhớ lại cử chỉ rất trân trọng và thân mật của ông Gold Smith đối với các giáo sư Harvard mà ông gọi là những người đồng hành. Đó là kho trí tuệ của không gian công, nhân tố quan trọng của phát triển bền vững.
Thế nào là phát triển bền vững. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không phương hại đến khả năng đáp ứng của các thế hệ tương lai”. Một định nghĩa hàm xúc và rất khái quát, là kết tinh trí tuệ của một tập thể các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và thế giới, tập trung trong Ủy ban Thế giới về phát triển môi trường (WCED).
Ủy ban này đã thảo luận và tổng kết một cách hết sức cô đọng các sáng kiến, các kiến nghị, các giải pháp sâu rộng của Hội nghị quốc tế và môi trường tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992. Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất hành tinh với sự tham gia của 179 lãnh đạo quốc gia và hàng trăm các quan chức khác của các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc, các tổ chức kinh doanh khoa học, các tổ chức phi chính phủ. Bên cạnh các cuộc họp chính thức đã có hàng loạt các cuộc thảo luận về môi trường và phát triển, thu hút 180.000 nhân vật tham dự đến từ 106 quốc gia. Như vậy đủ thấy tầm quan trọng và sự quan tâm mang tầm quốc tế rộng lớn đối với sự phát triển bền vững như thế nào.
Có thể nói, trong thế giới ngày nay, không một quốc gia nào, không một nền kinh tế nào, thậm chí không một doanh nghiệp nào muốn làm ăn “hòa phát” mà không bị hút vào câu chuyện phát triển bền vững. Từ kết quả của các cuộc thảo luận rộng lớn, mang tính lý luận và thực tiễn cao, các nhà khoa học đã khái quát 9 nguyên tắc sống và hành động của phát triển bền vững như sau:
1. Tôn trọng và quan tâm đến đời sống cộng đồng.
2. Cải thiện chất lượng đời sống con người.
3. Đảm bảo sức sống và tính đa dạng sinh học.
4. Hạn chế đến mức thấp nhất việc làm giảm các nguồn tài nguyên không tái tạo được.
5. Giữ vững khả năng chịu đựng của trái đất.
6. Thay đổi thái độ và thói quen sống hoang phí.
7. Cho phép các cộng đồng quản lý lấy môi trường của mình.
8. Tạo ra một cơ cấu quốc gia thống nhất, thuận lợi cho việc phát triển và bảo vệ.
9. Xây dựng một cơ cấu liên minh toàn cầu.
Gần 30 năm, thông điệp với những lời cảnh báo nghiêm trọng từ Hội nghị Rio de Janeiro được gửi đến khắp hành tinh, nhưng ngôi nhà chung của trên 6 tỷ dân toàn thế giới vẫn không ngừng bị vi phạm và tổn thương. Một vấn đề có tầm chiến lược và nhân văn đến thế nhưng đã vấp phải biết bao rào cản. Khí thải, cháy rừng, bãi rác công nghiệp, chạy đua vũ trang, tàn phá môi sinh, hóa chất độc hại, rò rỉ hạt nhân đang hàng ngày tàn phá không thương tiếc môi trường sống của chúng ta. Mà nó diễn ra sờ sờ ra đấy, sát sườn, từng giờ từng phút, nhưng hầu như chưa đủ thức tỉnh cần thiết. Hoa sữa nở trái mùa. Từng đoàn người bịt khẩu trang ra đường. Nền nhiệt tiếp tục tăng chưa có bất cứ dấu hiệu nào chững lại... Tất cả một mối lo canh cánh bên cạnh mối lo cơm áo gạo tiền.
Xử lý các vấn đề trên, lại phải bắt đầu bằng văn hóa. Hơn một lần, nhà triết học Mary Nidglei, người Anh, đã phải thốt lên: “Ta xoay xở thế nào nếu không có văn hóa?”. Và bà giải thích thêm: “Văn hóa là hiện tượng tự nhiên. Chúng ta đã tiến hóa thành giống nòi có văn hóa. Có thể nói ta dệt nên văn hóa như loài nhện dệt nên tơ. Nếu đúng là như vậy thì thiếu văn hóa là ta sẽ không làm được gì nhiều hơn một con nhện, một con nhện khi không có mạng nhện của nó”. Như vậy, với trí tuệ sắc bén của mình, bà đã chứng minh tính chất độc nhất vô nhị của con người là sáng tạo văn hóa.
Ngày nay, văn hóa đang tham gia như là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của một nền kinh tế phát triển bền vững. Kinh tế phát triển bền vững thì xã hội phát triển bền vững. Vì thế, một khái niệm mới được hình thành để chế ngự những mặt trái của thị trường là văn hóa kinh doanh. Ở đâu có văn hóa kinh doanh lành mạnh, ở đó xây dựng được lòng tin, xây dựng được thương hiệu, xây dựng được phẩm cách, và có nhiều cơ may để phát triển bền vững.
Do đó, một sản phẩm được đưa ra thị trường là tổng thành của một kết cấu tổng hợp gồm vật liệu, trí tuệ, công nghệ, kỹ thuật và văn hóa. Đặc tính này tạo ra một sự thay đổi giữa nhà sản xuất, nhà kinh doanh và khách hàng. Vật trao đổi ngang giá ngày xưa lạnh lùng bao nhiêu thì nay nhờ có văn hóa kinh doanh mà trở nên ấm áp gần gũi bấy nhiêu.
Không có văn hóa không thể nói đến phát triển, càng không thể nói đến phát triển bền vững. Kinh tế phát triển bền vững đến lượt nó lại tác động trở lại làm cho văn hóa nở hoa. Mối quan hệ biện chứng này trở thành chìa khóa trong tay các nhà doanh nghiệp, là bí quyết để giương cao ngọn cờ phát triển.
Hà Nội, 4/12/2019
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.