Diễn đàn VNF

'Cấu trúc doanh nghiệp của ta yếu ớt, vì thế mà sập, giờ Chính phủ cứu sống hệ thống ấy để làm gì'

(VNF) – PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng nhà nước cứu doanh nghiệp là để tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới chứ không phải phục hồi các doanh nghiệp cũ.

'Cấu trúc doanh nghiệp của ta yếu ớt, vì thế mà sập, giờ Chính phủ cứu sống hệ thống ấy để làm gì'

PGS.TS Trần Đình Thiên

Trình bày tại cuộc tọa đàm “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19”, PGS.TS Trần Đình Thiên đã đặt ra những vấn đề mang tính nhận diện.

Ví dụ, ông Thiên đặt câu hỏi: “Thế nào là trạng thái bình thường mới? Bình thường mới là khái niệm so sánh với bình thường cũ hay so với cái bất thường?”.

Theo ông Thiên, đây là là khái niệm rất quan trọng, nếu nhận diện không tốt, chiến lược “hậu Covid-19” có thể đẩy xã hội trở về với trạng thái cũ.

“Ta không bàn về bình thường mới thì nó sẽ trở lại với bình thường cũ. Ví dụ như giáo dục, Covid-19 đã tuyên án nhà trường kiểu cũ phải bỏ đi. Cái quan trọng là Covid-19 cho thấy chúng ta cần tiếp cận một hệ thống giáo dục đào tạo khác. Mạng internet đã biến các trường học cũ với phấn trắng, bảng đen thành phế tích. Việt Nam đáng lẽ lúc này phải bàn tới một nhà trường kiểu khác nhưng chúng ta lại bàn trở lại nhà trường kiểu cũ để kết thúc năm học”, ông Thiên ví dụ.

Nói về việc Chính phủ cứu trợ cộng đồng doanh nghiệp, ông Thiên đặt vấn đề: “Cứu để doanh nghiệp hồi phục nhưng hồi phục là như thế nào? Cấu trúc doanh nghiệp của ta hiện nay yếu ớt và rã rời, vì thế mà sập hết. Bây giờ, Chính phủ cứu sống lại hệ thống ấy để làm gì?! Tất nhiên, việc ban đầu là phải cứu đã nhưng tại sao không đặt vấn đề là cần tập trung tạo ra một hệ thống doanh nghiệp mới?”

Ông Thiên nhấn mạnh: “Thông điệp của tôi là cứu doanh nghiệp để tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới, chứ không phải phục hồi các doanh nghiệp cũ”.

“Cũng một chi phí bỏ ra nhưng mục tiêu của Chính phủ là để đất nước này vươn lên, ấy thế mà lại đi cứu các doanh nghiệp ốm yếu. Cứu tử cho các doanh nghiệp đòi hỏi chi phí rất lớn, đổ nhiều sâm nhiều sữa lắm, tốn kém lắm mà chưa chắc nó đã sống được, đứng dậy lại ngã xuống rồi bị thằng khác đập chết thôi. Vậy tại sao ta không dồn nguồn lực cho một hệ thống mới”, ông Thiên lập luận.

Vị chuyên gia tư vấn kinh tế cho Thủ tướng chỉ ra vấn đề và “cột chống trời” của kinh tế Việt Nam là các doanh nghiệp lớn chứ không phải doanh nghiệp nhỏ.

“96% doanh nghiệp của ta nhỏ và siêu nhỏ. Trong đợt này, tôi bảo nhóm doanh nghiệp này chả chết đâu, vì nó siêu nhỏ, nó đóng cửa chứ không chết, nghĩa là chỉ cần ta biết cách khơi lên là nó sống dậy. Ngoài ra thì doanh nghiệp siêu nhỏ của ta không nằm trong chuỗi sản xuất, không dính vào chuỗi nên không chết. Lo nhất là doanh nghiệp lớn chết. Nó chết là vỡ hệ thống. Cái đó mới đáng sợ”.

“Muốn đánh giá năng lực chống chịu của nền kinh tế thì cần nhìn vào cái đó. Để nền kinh tế đứng dậy, cứu anh to hay anh nhỏ? Tôi thấy một số người phải hi sinh vì Tổ quốc, chết là chết chứ không cứu, vì cứu không giải quyết được gì.

“Cứu những ông có hiệu quả để đất nước đứng dậy. Ngoài ra thì Chính phủ cần dành nguồn lực ít ỏi của đất nước này để hỗ trợ cho những doanh nghiệp khởi nghiệp. Còn nếu ta cứ tập trung cứu những ông doanh nghiệp kiểu cũ thì sau Covid-19 đất nước này vẫn cũ thôi, vẫn những thứ nhỏ bé li ti, vẫn chân đất mắt toét thôi. Đây là cơ hội thay máu cho nền kinh tế”, ông Thiên nhấn mạnh.

Nguy trong cơ rất nhiều

Bình luận về trạng thái bình thường mới của Việt Nam, ông Thiên nêu 2 vấn đề. Một là tìm cơ trong nguy.

“Tôi thấy cái cơ của ta đều theo kiểu nhặt nhạnh, kiểu tranh thủ nó thủng túi rơi ra cái gì thì mình nhặt, hay nó đang bán rẻ thì mua. Nếu cứ cái cơ đó mà làm, kiểu tranh thủ Trung Quốc đang thiếu hàng sang bán một chút, mà không kiên quyết đi bán cho người khác thì đất nước này cứ đi lùi mãi”.

Hai là vấn đề có nguy trong cơ. Ông Thiên cho rằng bỏ lỡ cơ hội chính là nguy trong cơ.

“Mà ta bỏ toàn cơ hội lớn, có nghĩa là cái nguy đó rất lớn. Tôi nhìn thấy nguy trong cơ rất nhiều”, ông nói.

Đánh giá về nguy – cơ, ông Thiên trở lại với câu chuyện doanh nghiệp: “Ta tập trung cứu các doanh nghiệp đang rất yếu để hồi sinh chúng hay làm điều gì khác thường hơn? Tôi cho rằng phải tạo ra một lực lượng thay máu cho đất nước này, tạo ra một hệ thống khuyến khích mới, cho một lực lượng mới. Khi đó, một thời đại doanh nghiệp mới sẽ xuất hiện”...

Tin mới lên