‘Cầu vượt biển nối Hong Kong-Chu Hải-Macau giống như dây rốn gắn vào đất mẹ’

Chu La - 24/10/2018 13:09 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi người dân Trung Quốc đại lục tỏ ra hào hứng với cây cầu vượt biển mới được đi vào hoạt động thì nhiều người Hong Kong cho rằng cây cầu này giống như một biểu tượng chính trị nhằm nhắc nhở người Hong Kong rằng, họ luôn là một phần của Trung Quốc đại lục.

VNF
Trung Quốc ngày 23/10 chính thức khánh thánh cầu vượt biển dài nhất thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng 23/10 đã tuyên bố chính thức khánh thành cầu nối Hong Kong-Macau-Chu Hải (Trung Quốc đại lục).

Với chiều dài 55km cùng tổng chi phí xây dựng lên đến 20 tỷ USD, cây cầu đóng vai trò trung tâm trong dự án phát triển "Vùng vịnh Rộng lớn" (Greater Bay Area) - một trung tâm kinh tế năng động bao gồm Hong Kong, Macau và 9 thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, cạnh tranh với thung lũng Silicon của Mỹ ở California.

Đi vào hoạt động sau 9 năm xây dựng, siêu dự án này giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa Hong Kong-Chu Hải-Macau từ 3 tiếng xuống chỉ còn 30 phút.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại buổi lễ khánh thành.

Trung Quốc hy vọng cây cầu sẽ mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành  du lịch trong thời gian tới.

Người dân Trung Quốc đại lục tỏ ra đặc biệt hào hứng với đại công trình này, coi đây là bằng chứng về sự phát triển kinh tế và kỹ thuật của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều người Hong Kong không có thiện cảm với cây cầu vì cho rằng họ không nhận được nhiều lợi ích đồng thời lo ngại về tham vọng của Bắc Kinh trong việc biến thành phố thành một phần của Trung Quốc đại lục.

Claudia Mo, một chính trị gia Hong Kong cho rằng “cây cầu không thực sự cần thiết. Hong Kong và Trung Quốc đại lục đã có nhiều cách để kết nối với nhau. Cây cầu giống như một biểu tượng chính trị, hoặc lời nhắc nhở người Hong Kong rằng, họ luôn là một phần của Trung Quốc đại lục”.

“Nó kết nối Hong Kong với Trung Quốc giống như một dây rốn gằn vào đất mẹ", vị chính trị gia nhấn mạnh.

Cầu được thiết kế để hoạt động trong 120 năm.

Nhiều chính trị gia Hong Kong khác cũng lên tiếng chỉ trích số tiền khổng lồ mà Hong Kong đã chi cho cây cầu là gần 9 tỷ USD, trong khi thành phố đang phải đối phó với tình trạng thiếu nhà ở xã hội và người nghèo vẫn phổ biến.

Bên cạnh đó, mặc dù người dân Hong Kong phải chi trả gần như một nửa chi phí xây dựng cầu và quá trình để được đi lên cầu cũng không hề dễ dàng. Những người muốn lên cầu phải trải qua những thủ tục phức tạp để được xin cấp phép từ cả 3 nơi: Hong Kong, Chu Hải, Macau. Quá trình này sẽ mất khoảng gần 2 tuần.

Cây cầu cũng đối mặt với những chỉ trích về vấn đề an toàn lao động. 7 công nhân chết, 275 người bị thương khi xây cầu. Một số người gọi đây là dự án "máu và nước mắt" theo nghĩa đen. Các quan chức Hong Kong đổ lỗi cho việc thiếu nhân lực và đầu năm nay một tòa án đã phạt một số nhà thầu phụ về vấn đề này.

Kể từ khi được trao trả về Trung Quốc đại lục từ năm 1997, Hong Kong hoạt động theo cơ chế “một quốc gia, hai chế độ”. Toàn bộ nền kinh tế và hệ thống chính trị của hòn đảo được giữ nguyên không đổi, độc lập với Trung Quốc đại lục.

Trong một vài năm qua, chính quyền Trung Quốc và Hong Kong đã khởi động các dự án xây dựng cơ sở vật chất nhằm tăng sự kết nối giữa 2 bên, triển khai dự án xây cầu hoặc đường sắt tốc độ cao nối giữa Hong Kong và đại lục (chi phí 11 tỷ USD).

Xem thêm >> Thái tử Arab Saudi tươi cười selfie bất chấp khủng hoảng nhà báo bị giết

Theo SCMP
Cùng chuyên mục
Tin khác