Diễn đàn VNF

CEO Đại Phúc Land: 'Doanh nghiệp BĐS đã phải tính đến việc hi sinh quý III, thậm chí một phần quý IV'

(VNF) - "Sau nhiều lần nén và bung theo các đợt dịch bệnh trong gần 2 năm vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã giảm sút nguồn lực khá nhiều. Đến đợt dịch thứ 4 lần này, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp bất động sản đã phải bật chế độ cảnh báo cao nhất và tính toán đến kịch bản hy sinh hết quý III, thậm chí có thể cả một phần quý IV", bà Hương Nguyễn, CEO Đại Phúc Land chia sẻ với VietnamFinance.

CEO Đại Phúc Land: 'Doanh nghiệp BĐS đã phải tính đến việc hi sinh quý III, thậm chí một phần quý IV'

Bà Hương Nguyễn, CEO Đại Phúc Land

"Doanh nghiệp bất động sản đã phải bật chế độ cảnh báo cao nhất"

Theo bà Hương Nguyễn, trước khi đại dịch xảy ra, thị trường bất động sản vẫn luôn được xem là dễ bị "tổn thương" khi chịu rất nhiều yếu tố tác động từ chính sách quản lý vĩ mô, chính sách tài khóa cũng như các thủ tục pháp lý chồng chất.

"Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản luôn phải đối mặt với rủi ro rất cao, phập phồng theo các chu kỳ phát triển kinh tế xã hội, chịu vô số rào cản tác động cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn khiến cho nguồn lực bị giảm sút. Trong hoàn cảnh đó, doanh nghiệp bất động sản tồn tại được thật không đơn giản chút nào, đòi hỏi bản lĩnh vượt khó và thích nghi được với những thay đổi của hoàn cảnh, đôi khi không kịp trở tay", bà Hương chia sẻ.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, các đợt dịch bệnh liên tiếp xảy ra làm xáo trộn tất cả hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. Đây là tình huống bất khả kháng, dịch bệnh như một rào chắn buộc mọi thứ phải dừng lại để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Bà Hương ví von dịch bệnh như một khoảng lặng của thị trường, làm mọi thứ ngưng trệ và trong trạng thái chờ đợi. Trong tình huống đó, doanh nghiệp buộc phải thích nghi và gồng mình để sắp xếp, tính toán lại các phương án đầu tư kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, sau nhiều lần "nén" và "bung" theo các đợt dịch bệnh trong gần 2 năm vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã giảm sút nguồn lực khá nhiều. Đến đợt dịch thứ 4 lần này, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp bất động sản đã phải bật chế độ cảnh báo cao nhất và tính toán đến kịch bản hy sinh hết quý III, thậm chí có thể cả một phần quý IV.

Nhìn trên bình diện chung, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua gia tăng khá nhanh. Tuy nhiên, có hơn 80% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực mỏng nên khả năng chống chịu không cao nếu tình hình đóng cửa tiếp tục kéo dài.

"Chỉ cần giảm quy trình thủ tục xuống một nửa là mọi việc khác ngay"

Theo bà Hương, khả năng chống - chịu của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ mà biện pháp tốt nhất vẫn là tiêm vắc xin trên quy mô lớn.

Bên cạnh đó, với tình trạng sức chống chịu đã vượt quá giới hạn của nhiều doanh nghiệp, bà Hương cho rằng Chính phủ cần cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách cũng như các gói hỗ trợ tài chính.

Cụ thể, hướng hỗ trợ của Chính phủ nên bao gồm 2 nhóm chính:

Nhóm 1 bao gồm các gói hỗ trợ để duy trì hoạt động doanh nghiệp như gói vay ưu đãi chi trả lương, phục hồi hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn, giảm lãi suất vay, khoanh và giãn nợ, đồng thời xem xét giảm thuế, giãn thời hạn đóng bảo hiểm xã hội...

Nhóm 2 là các gói giải pháp thuộc về cơ chế chính sách, theo đó Chính phủ điều chỉnh các thủ tục pháp lý nhằm giải quyết các nút thắt đã và đang làm tắc nghẽn nguồn lực phát triển của thị trường bất động sản. Đây được xem là giải pháp căn cơ, mang tính bền vững giúp doanh nghiệp đỡ mất sức lực, thời gian và lãng phí nguồn lực không đáng có.

"Chỉ cần giảm quy trình, giảm thời gian các bước thủ tục xuống còn một nửa là mọi việc sẽ  khác xa ngay. Các doanh nghiệp đang nỗ lực gấp nhiều lần để vượt qua khó khăn, các kế hoạch sản phẩm cho giai đoạn tiếp theo vẫn tiếp tục được chuẩn bị sẵn sàng. Khách hàng vẫn quan tâm và nhà đầu tư vẫn trong tâm thế chờ đợi cơ hội khi dịch bệnh qua đi...", bà Hương nói.

Tin mới lên