Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Nhìn lại từ năm 1986, khi đất nước gặp vô vàn khó khăn, với tư cách là Người nhóm lửa khởi xướng động lực phát triển công cuộc đổi mới, bắt đầu từ kinh tế, Đảng đã quyết định khởi xướng phát động công cuộc đổi mới, từng bước xây dựng, phát triển và không ngừng hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XNCN). Có thể nói, đây là một trong những điểm sáng thành công nổi bật nhất của Đảng trong công cuộc đổi mới.
Để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mô hình kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng thường xuyên tiến hành nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đề ra Cương lĩnh, chủ trương, đường lối phát triển KTTT định hướng XHCN, bổ sung phát triển qua các kỳ đại hội của Đảng và các hội nghị trung ương;
tiếp đó Đảng lãnh đạo công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập nắm vững nội dung đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế; lãnh đạo Nhà nước và các cấp chính quyền cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối thành các luật, nghị định, chính sách, kế hoạch, đề án, chương trình hành động, biện pháp cụ thể…
Đồng thời, Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp, giới thiệu các đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị, đưa đường lối, chính sách phát triển kinh tế vào cuộc sống; Đảng lãnh đạo thông qua hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên sinh hoạt trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; và cuối cùng Đảng kiểm tra, giám sát, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Đảng để bổ sung, phát triển và tiếp tục hoàn thiện đường lối, chiến lược phát triển kinh tế.
Không chỉ khởi xướng, Đảng đồng thời cũng là Người liên tục giữ lửa và phát huy động lực này, thông qua triển khai một loạt các bước chuyển về chủ trương, chính sách lớn của Đảng đáp ứng yêu cầu thực tiễn để phát triển mô hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam 36 năm qua. Đó là :
- Bước chuyển từ kiểu tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hiện vật, phi thị trường sang kiểu sản xuất theo mô hình kinh tế hàng hoá, KTTT định hướng XHCN. Đây là bước chuyển căn bản, giải phóng mọi tiềm năng, tạo ra bước ngoặt, hình thành động lực to lớn để phát triển đất nước.
- Bước chuyển từ đơn sở hữu sang đa sở hữu, đa thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế được tự do kinh doanh, bình đẳng trước pháp luật. Có thể nói, bước chuyển đổi này thực sự là khâu đột phá trong nhận thức lý luận kinh tế, tạo động lực thực sự cho công cuộc đổi mới.
- Bước chuyển từ quản lý theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, làm cho con người ỷ lại, thụ động, sang quản lý theo cơ chế thị trường, đòi hỏi tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của con người.
- Bước chuyển từ hình thức phân phối bình quân, cào bằng, sang hình thức phân phối theo lao động là chủ yếu, gắn với phân phối theo vốn, tài sản…
Bước chuyển từ không chấp nhận bóc lột, không chấp nhận phân hoá giàu nghèo, sang chấp nhận bóc lột, chấp nhận phân hoá giàu nghèo ở mức độ nhất định.
Bước chuyển từ quan điểm đảng viên không làm kinh tế tư nhân sang đảng viên được làm kinh tế tư nhân.
Bước chuyển từ quan điểm kinh tế “khép kín” sang cách nhìn mở, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chấp nhận kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Bước chuyển từ quan điểm “Nhà nước làm thay thị trường”, sang quan điểm Nhà nước chủ yếu thực hiện vai trò quản lý, kiến tạo môi trường phát triển, khắc phục các khuyết tật của thị trường, đa dạng hóa các chủ thể làm kinh tế, giảm độc quyền nhà nước, xoá bỏ độc quyền doanh nghiệp...
Bước chuyển từ việc coi Nhà nước đóng vai trò phân bổ các nguồn lực là chủ yếu, sang thị trường đóng vai trò phân bổ các nguồn lực là chủ yếu.
Bước chuyển từ quan điểm công nghiệp hoá bằng con đường “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”, sử dụng vốn của Nhà nước sang chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với kinh tế tri thức và phát triển nhanh, bền vững, sử dụng nguồn vốn xã hội hoá theo cơ chế thị trường.
Bước chuyển từ mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng với năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp, thâm dụng tài nguyên và lao động giản đơn, sang mô hình kinh tế tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường…
Nhờ đổi mới, chuyển từ sản xuất hiện vật sang thị trường, từ một nước sản xuất nhỏ, lạc hậu, từ nghèo khó, đói ăn triền miên bao đời, chúng ta đã tiến tới đủ ăn và có gạo xuất khẩu đứng ở thứ hạng cao thế giới; thu nhập bình quân đầu người từ dưới 200 USD trước đổi mới, đến nay, con số này là hơn 4.000 USD. Chúng ta đã vươn lên thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, năng động, có mức thu nhập trung bình. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Gần đây nhất, theo báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, năm 2022 quy mô nền kinh tế của Việt Nam ước đạt gần 400 tỷ USD, quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng GDP cao, 9 tháng đạt 8,83%, - cao nhất cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2022. So với các quốc gia khác trong khu vực, kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Không chỉ tăng trưởng tốt, Việt Nam còn là điểm sáng khi duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, là những nỗi lo, khó khăn và thách thức còn nhiều. Năm 2023 trong bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp và khó lường.Tăng trưởng giảm sút, lạm phát cao, đồng tiền phá giá, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, giá nhiên liệu biến động, và nhiều nguyên nhân khác ở các thị trường quốc tế, sẽ gây ra tác động và hệ lụy rất tiêu cực đến các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Ở trong nước, hậu quả hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 chưa dễ khắc phục. Tình trạng đứt gãy các kênh dẫn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, ngân hàng...), gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn đến tâm lý lo lắng, dự cảm ám ảnh về suy thoái kinh tế. Tính riêng tháng 11/2022, cả nước có 10.523 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 4.006 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Để tiếp tục giữ lửa cho động lực phát triển, khắc phục những hạn chế nêu trên, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bên cạnh các nhiệm vụ và giải pháp lớn phải thực hiện, đã nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế... trước những thách thức hiện nay, cần ưu tiên thực hiện một số việc sau đây:
Thứ nhất, đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế: Bối cảnh quốc tế và yêu cầu phát triển bứt phá của đất nước trong thời kỳ mới đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển trên cơ sở phát huy tiềm năng, vị thế, điều kiện thực tiễn của chúng ta, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, thời đại. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, trong bối cảnh đó: “...phải có tầm nhìn vượt trước”, “phải tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển, khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển; khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí, quyết tâm vươn lên của cả dân tộc; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”.
Với tinh thần đó, trước mắt cần có “cách nghĩ, cách làm không cũ trên những gì không mới”, đẩy mạnh sửa chữa các điểm nghẽn lớn hiện nay; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột hay điều hành giật cục; sớm khắc phục tình trạng đứt gãy các kênh dẫn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, ngân hàng...) hiện nay.
Thứ hai, vận dụng sáng tạo mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển. Bài học những năm đổi mới đã chỉ ra rằng: không bao giờ được xem nhẹ giá trị của ổn định trong phát triển. Ổn định mang cả giá trị kinh tế và giá trị chính trị, xã hội. Giữ ổn định cho phát triển chẳng những có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển quốc gia. Đảng cầm quyền và Nhà nước có vai trò quan trọng, trách nhiệm hàng đầu đối với ổn định của xã hội.
Trong điều kiện hiện nay, cần ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.
Thứ ba, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trước mắt: cần: “Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội, về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”, “...nâng cao năng lực hiệu quả của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo chỉ đạo công tác này”.
Thứ tư, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai. Thực hiện nghiêm chỉnh chính sách quản lý sử dụng đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18 NQ/TW, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII về đất đai, trong đó, cần quán triệt sâu sắc quan điểm: “Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí”.
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Đổi mới và đẩy mạnh vai trò vô cùng quan trọng của truyền thông, báo chí là trong tình thế này. Phát huy tinh thần “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, như chỉ đạo của Thủ tướng, báo chí góp phần “làm cho dân biết, dân hiểu, dân theo, dân tin và dân làm”, nhất là trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các dòng vốn hiện nay. Việc đưa tin có trách nhiệm cần được quán triệt hơn lúc nào hết để tạo niềm tin trong xã hội, không đổ thêm dầu vào lửa. Điều này không những đòi hỏi ý thức của các phóng viên, tòa soạn mà còn đòi hỏi năng lực, độ nhạy bén của cơ quan quản lý.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.