Chạy đua đầu tư điện mặt trời

PV - 04/09/2018 12:05 (GMT+7)

Hàng loạt nhà đầu tư đang chạy đua với thời gian để đón đầu, nhận được những chính sách ưu đãi của Chính phủ trong việc đầu tư phát triển nguồn năng lượng từ điện mặt trời (ĐMT). Việc này đã giúp cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này đang nóng lên từng ngày.

VNF
Pin mặt trời lắp trên một tòa nhà tại TP. HCM. Ảnh: Cao Thăng

Nhiều dự án hàng ngàn tỷ đồng

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tính đến tháng 6/2018, đã có 100 dự án ĐMT được bổ sung vào quy hoạch cấp điện tỉnh/quốc gia với tổng công suất đăng ký là 4,7GW vào năm 2020 và 1.770GW những năm sau đó. Còn các dự án ĐMT trên mái nhà cũng có 748 dự án với tổng công suất 11,55MW.

Các địa phương được các nhà đầu tư dự án ĐMT lựa chọn nhiều nhất là Bình Thuận, Ninh Thuận và Tây Ninh… ở các tỉnh trên có lượng mưa ít, số ngày nắng nhiều và đặc biệt là nguồn bức xạ ổn định. Cụ thể, mới đây vùng đất khô cằn của tỉnh Ninh Thuận đã được Tập đoàn Trung Nam lựa chọn đầu tư dự án ĐMT với quy mô lên đến 204MW, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng tại huyện Thuận Bắc. Dự kiến khi đưa vào vận hành từ tháng 6/2019, nhà máy này sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 450 triệu kWh mỗi năm và trở thành một trong những dự án năng lượng quan trọng nhất trong Quy hoạch sơ đồ điện VII.

Ngoài dự án ngàn tỷ này, tỉnh Ninh Thuận còn thu hút nhiều nhà đầu tư lớn khác như: BIM Group cùng đối tác Ayala Corporation (Philippines) đầu tư dự án ĐMT có quy mô 30MW; Công ty CMX Renewable phát động dự án 168MW trong một liên doanh với đối tác Sunseap (Singapore) có giá trị 4.400 tỷ đồng...

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước khác cũng tìm cơ hội đầu tư dự án ĐMT tại Ninh Thuận vì địa phương có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo với vận tốc gió trung bình từ 7 - 8m/s, số giờ nắng lên đến hơn 2.800 giờ/năm và tỷ lệ bức xạ hơn 1.800kWh/m2/năm.

Ở sát bên Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận cũng được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng để đầu tư dự án ĐMT với tổng công suất phát triển có thể lên hơn 4.755MW vào năm 2030. Để đạt được công suất này, ước tính số vốn đầu tư cần thiết lên đến 110.000 tỷ đồng.

Mới đây, tỉnh Bình Thuận đã ký thỏa thuận đầu tư và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án nhà máy ĐMT. Làn sóng đầu tư còn lan tỏa đến một số địa phương khác ở phía Nam như ở Tây Ninh, Tập đoàn Xuân Cầu cùng với nhà đầu tư B.Grimm (Thái Lan) đầu tư 420 triệu USD vào dự án ĐMT có công suất 420MW.

Tại tỉnh Long An, Quỹ đầu tư Bamboo Capital liên doanh với Hanwha triển khai dự án ĐMT công suất 100MW. Hay ở vùng đất cao nguyên nắng gió Đắk Lắk, tỉnh này đang đề nghị Bộ Công Thương bổ sung 3 dự án ĐMT tại huyện Ea Súp có tổng công suất lên tới 3.367MW.

Chạy đua với thời gian

Theo Bộ Công Thương, tổng quy mô các dự án ĐMT của cả nước đã và đang được xét duyệt hiện lên đến khoảng 19.000MW, trong đó có khoảng 86 dự án với tổng công suất 3.000MW đã được chấp thuận đầu tư. Các dự án này không chỉ thu hút được nguồn vốn tín dụng lớn từ các ngân hàng trong nước, mà còn đến từ nhiều định chế tài chính quốc tế lớn.

Sức nóng của việc bùng nổ đầu tư vào các dự án ĐMT trên cả nước bắt đầu tăng nhiệt từ tháng 4/2017, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg với nhiều cơ chế khuyến khích phát triển. Trong đó, có điều khoản Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện từ dự án ĐMT với giá tương đương 9,35 cent/kWh (trên 2.000 đồng/kWh). Đây là mức giá được cho sẽ giúp các nhà đầu tư hoạt động có lãi và đi kèm với các ưu đãi khác như thuế, đất đai. Bởi so với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt đang ở mức bình quân hơn 1.700 đồng/kWh, ĐMT có mức giá bán cao hơn.

Đáng chú ý, Quyết định 11 cũng nêu thời hạn hợp đồng mua bán điện đối với các dự án ĐMT là 20 năm, kể từ ngày vận hành thương mại; có hiệu lực trong thời gian từ ngày 1/6/2017 đến 30/6/2019 (mốc thời gian để có thể vận hành trước tháng 6/2019 mà Quyết định 11 đặt ra). Cụ thể, nếu dự án đưa vào vận hành trước tháng 6/2019 sẽ được EVN mua điện với giá 9,35 cent/kWh theo hợp đồng kéo dài 20 năm. Ngược lại, nếu không kịp vận hành, giá mua điện có thể thấp hơn, chứ không còn là 9,35 cent/kWh nữa. Đây cũng là lý do thời gian qua, sức hút đầu tư vào dự án ĐMT lại nóng đến như vậy.

Đại diện các nhà đầu tư cho biết, đến nay có thể khẳng định sau hơn 1 năm Quyết định 11 và thông tư hướng dẫn về cơ chế khuyến khích phát triển dự án ĐMT tại Việt Nam được ban hành, cơ chế hỗ trợ phát triển ĐMT, đặc biệt là dự án ở quy mô lớn đã rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế hỗ trợ phát triển ĐMT, như mâu thuẫn với các quy định về thuế, thiếu các quy trình đấu nối, chưa có cơ chế rõ ràng cho bên bán điện với bên mua; đặc biệt, đối với những dự án ĐMT trên mái nhà… Do đó, các bộ ngành cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế hỗ trợ để thu hút thêm nhà đầu tư, song song với xây dựng nhanh hệ thống đấu nối nhằm tránh lãng phí khi các dự án ĐMT đồng loạt đi vào hoạt động.

Theo Chiến lược phát năng lượng tái tạo đến 2030, tầm nhìn 2050: Điện năng sản xuất từ năng lượng mặt trời từ 10 triệu kWh năm 2015, đến 2020 tăng lên 1,4 tỷ kWh, năm 2030 tăng lên 35,4 tỷ kWh và năm 2050 tăng lên 210 tỷ kWh.

Theo SGGP
Cùng chuyên mục
Tin khác