Chênh lệch giá vàng SJC với thế giới giảm nhẹ

Bích Thủy - 19/11/2022 14:09 (GMT+7)

(VNF) - Vàng miếng SJC đã có tuần lễ khá ổn định với mức giá mua - bán giữ nguyên như cuối tuần trước, trong khi vàng thế giới giảm nhẹ 20 USD/ounce.

VNF
Chênh lệch giá vàng SJC với thế giới giảm nhẹ (ảnh minh họa)

Hôm nay (19/11), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,6 - 67,6 triệu đồng/lượng.

So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước sau cả tuần biến động tăng giảm vài trăm nghìn mỗi ngày, hiện đã quay về bằng với mức của cuối tuần trước ở cả chiều mua vào và bán ra. Như vậy so với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng hôm nay đã giảm 6,8 triệu đồng mỗi lượng.

Biên độ giá mua và bán vàng tuần này vẫn được duy trì 1 triệu đồng/lượng, bằng với mức tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh, mua bán quanh mức 53,2 - 54,2 triệu đồng/lượng, giảm 350.000 đồng/lượng so với tuần trước. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng nhẫn, vàng trang sức tuần này duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng, bằng mức tuần trước.

Giá vàng thế giới ngày 19/11 đóng phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.751 USD/ouce, giảm 20 USD/ounce so với cuối tuần trước.

Ghi nhận thị trường trong nước, hiện giá vàng nhẫn hiện đang cập nhật theo sát giá thế giới hơn vàng miếng SJC.

Chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới tuần này đã giảm nhẹ so với trước do giá vàng thế giới tăng trong các quần qua mà vàng miếng SJC gần như không tăng. Hiện quy đổi theo tỷ giá, vàng thế giới thấp hơn giá vàng SJC còn khoảng 15 triệu đồng/lượng.

Ghi nhận tại các tiệm vàng, hiện người có tiền đang chọn mua vàng nhẫn nhiều hơn do giá vàng nhẫn theo sát thế giới, trọng lượng nhỏ từ 1 chỉ đáp ứng nhu cầu để dành của người có tiền dư không quá nhiều.

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) ghi nhận, tại thị trường Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ vàng đạt 12 tấn trong quý III/2022, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng đạt 8,5 tấn (so với 2,4 tấn quý III/2021), số vàng còn lại chủ yếu vàng trang sức. Lượng vàng trang sức tiêu thụ tính ra là 3,5 tấn, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái (0,9 tấn).

Theo giới phân tích, giá vàng giảm tiếp khi hãng Bloomberg dẫn nguồn tin của Goldman Sachs, một tổ chức tài chính lớn của Mỹ, cho rằng sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách zero Covid, nền kinh tế quốc gia này sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023. Điều này làm cho nhà đầu tư lạc quan kinh tế toàn cầu sẽ bứt phá đi lên.

Theo đó, họ mạnh dạn đưa vốn vào cổ phiếu giúp thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu tăng điểm. Nghĩa là dòng tiền chảy vào thị trường vàng bị chi phối, tác động tiêu cực đến tâm lý giao dịch của giới đầu cơ. Đồng USD tiếp tục giữ vững đà tăng giá, bất lợi cho giá vàng.

Trước sức mạnh của chứng khoán và USD, có lẽ giới đầu cơ nghĩ giá vàng không thể bật tăng. Thế nên khi giá vàng giao dịch trong vùng 1.770 USD/ounce họ liền bán ra thu về lợi nhuận. Giá vàng hôm nay buộc phải giảm xuống còn 1.751 USD/ounce, rồi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại mức giá này.

Hiện giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.751,1 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.769 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng đã chạm mức cao của 3 tháng là 1.786,35 USD/ounce hôm 15/11 do lo ngại cuộc khủng khoảng Ukraine gia tăng căng thẳng. Chuyên gia phân tích của City Index đánh giá, vàng đã có một đợt tăng giá mạnh mẽ, nhưng khó vượt qua mốc 1.790 USD/ounce và bị áp lực trước sự mạnh lên của đồng USD.

Theo các chuyên gia, vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, xung đột tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn và đồng USD dường như đã đạt đỉnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác