Chi 'bộn' tiền thám hiểm Titanic, loạt doanh nhân mất tích trên tàu lặn

Minh Ý - 20/06/2023 19:58 (GMT+7)

(VNF) - Một sự cố mất tích hi hữu đã xảy đến với chiếc tàu ngầm đưa khách du lịch khám phá xác tàu Titanic ngoài khơi bờ biển phía đông nam Canada. Đây là chiếc tàu ngầm hạng sang với hành trình khám phá kéo dài 8 ngày, có giá từ 250.000 USD. Đáng chú ý, 5 hành khách có mặt trên tàu là những doanh nhân nổi tiếng của Anh và Pakistan.

VNF
Tỷ phú người Anh Harmish Harding là một trong những thành viên phi hành đoàn tàu lặn Titan.

Mất tích trên hành trình khám phá Titanic

Ngày 20/6, một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn đã được tiến hành đối với một chiếc tàu lặn bị mất tích của một công ty điều hành các chuyến thám hiểm xác tàu Titanic ngoài khơi bờ biển St John's, Newfoundland, Canada.

Chiếc tàu lặn có tên là “Titan”, nặng 23.000 pound (hơn 1 tấn)và được làm bằng sợi carbon và titan, theo nhà điều hành tour du lịch OceanGate Expeditions. Theo trang web của OceanGate, con tàu dài 21 foot (6,4m) có khả năng hỗ trợ sự sống từ 70-96h. 

Theo đó, sáng 19/6, tàu Titan đã bắt đầu với hành trình dài 400 hải lý đến địa điểm xác tàu Titanic, nằm ở hai phần dưới đáy đại dương, cách bề mặt gần 13.000 feet (3.962m) và cách bờ biển Cape Cod, Massachusetts khoảng 900 dặm.

Tuy nhiên, 1h45 phút sau khi hạ thủy, Titan mất liên lạc với các thủy thủ đoàn của Polar Prince - con tàu hỗ trợ đến địa điểm xác tàu Titanic. Ở thời điểm mất tích, trên tàu ngầm Titan có 5 thành viên thủy thủ đoàn.

Đến tối 19/6, OceanGate Expeditions cho biết họ đang thực hiện “mọi bước có thể” để đưa 5 thành viên phi hành đoàn trên chiếc tàu lặn mất tích trở về nơi an toàn và tập trung toàn bộ nỗ lực tìm kiếm.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và Canada cũng đã tiến hành các cuộc tìm kiếm trên mặt nước và trên không, bao gồm cả các bước dò tìm sóng âm, theo Chuẩn đô đốc Mỹ John Mauger.

Lực lượng Vũ trang Canada và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã triển khai máy bay đến khu vực xa xôi của Bắc Đại Tây Dương và tìm kiếm suốt đêm 19/6, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu nào của Titan. 

Cảnh sát biển cho biết ưu tiên của họ là xác định vị trí của chiếc tàu lặn. Đô đốc Mauger cho biết nếu thủy thủ đoàn tìm thấy con tàu dưới nước thì kế hoạch cứu hộ sẽ được hình thành. Tại thời điểm đó, Cảnh sát biển sẽ liên hệ với Hải quân Mỹ, Lực lượng Vũ trang Canada và các đối tác công nghiệp tư nhân để đánh giá "khả năng cứu hộ dưới nước".

Hiện vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với chiếc tàu lặn mất tích, nhưng sau gần 2 ngày tìm kiếm mà không có tin tức gì từ con tàu, các chuyên gia cho rằng khả năng có vẻ không khả quan. 

David Gallo, cố vấn cấp cao của Sáng kiến ​​Chiến lược, RMS Titanic, công ty sở hữu độc quyền trục vớt khu vực xác tàu Titanic, cho biết lực lượng cứu hộ đang "chạy đua với thời gian" để tìm kiếm thủy thủ đoàn của chiếc tàu lặn mất tích.

"Nước rất sâu - hơn 2 dặm. Nó giống như một chuyến viếng thăm đến một hành tinh khác, không như những gì mọi người nghĩ. Đó là một môi trường không có ánh nắng mặt trời, lạnh giá và áp suất cao", ông Gallo nói.

Nếu chiếc tàu lặn còn nguyên vẹn, những người trên tàu sẽ phải đối mặt với tình trạng lượng oxy giảm dần và phải chống chọi với cái lạnh. Tình trạng hạ thân nhiệt sẽ là một vấn đề "nếu chiếc tàu ngầm vẫn ở dưới đáy đại dương sâu thẳm".

"Một trong những vấn đề lớn nhất là nó ở đâu? Nó có ở dưới đáy, trên bề mặt hay lơ lửng giữa đại dương? Đó là điều chưa được xác định. Chúng ta sẽ phải chờ xem và hy vọng tốt nhất" ông Gallo nói.

Sau khi xác định được vị trí của chiếc tàu lặn, đội cứu nạn có thể phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong việc cố gắng giải cứu thủy thủ đoàn.

Ngoài ra, việc tìm kiếm còn trở nên khó khăn hơn vì không có dây nối giữa tàu lặn Titan và tàu hỗ trợ Polar Prince, nên cách duy nhất để liên lạc hoặc phát hiện từ bề mặt là thông qua nước biển.

Đắt đỏ và mạo hiểm

Chuyến đi của tàu lặn mất tích tới xác tàu Titanic là chuyến thám hiểm cuối cùng trong số 5 chuyến du lịch được lên kế hoạch cho năm nay, theo OceanGate Expeditions.

OceanGate Expeditions cho biết mỗi chuyến đi kéo dài 8 ngày là một "trải nghiệm du lịch độc đáo" cũng giúp ích cho cộng đồng khoa học vì "mỗi chuyến lặn cũng có một mục tiêu khoa học". 

Chiếc tàu lặn bị mất tích là một con tàu nhỏ được thiết kế để chỉ chứa 5 người, thực hiện nhiệm vụ hai giờ lặn xuống, vài giờ khám phá tàu Titanic và 2 giờ trở lại mặt nước.

Bên trong tàu lặn, mọi thứ đều được tối giản, chỉ có một nút bấm và một màn hình trên tường. Phần còn lại của các hoạt động của con tàu được chạy trên một bộ điều khiển cầm tay trông rất giống với máy chơi game, hoàn chỉnh với các nút đầy màu sắc. Cả con tàu chỉ có 1 nhà vệ sinh.

Hầu hết các tàu thuê, dù là tàu chở dầu hay tàu thương mại, đều được "phân loại" bởi các nhóm độc lập đặt ra các tiêu chuẩn an toàn, theo OceanGate Expeditions. Hệ thống "phân loại" này đảm bảo tàu được thiết kế và đóng theo các quy định như số lượng bè cứu sinh hoặc loại vật liệu được sử dụng. Tuy nhiên, tàu Titan không được phân loại vì công nghệ được sử dụng quá mới nên chưa được xem xét và đưa vào các tiêu chuẩn hiện có.

Đáng chú ý, để tham gia vào chuyến thám hiểm kỳ thú này, trên một chiếc tàu thậm chí còn chưa được đưa vào tiêu chuẩn phân loại, người tham gia phải trả ít nhất 250.000 USD, một khoản chi phí không hề nhỏ.

Mặc dù vậy, có rất nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ tiền cho chuyến thám hiểm này, bởi vụ chìm tàu Titanic, và xác con tàu trở thành một địa điểm vô cùng lý thú với những người ưa khám phá mạo hiểm. 

RMS Titanic, khởi hành từ Southampton, Anh, đến New York vào ngày 10/4/1912. Từ ngày 14 - 15/4, nó va phải một tảng băng trôi vào khoảng nửa đêm và chìm trong vòng chưa đầy 3 giờ. Tổng cộng 1.517 người thiệt mạng và 706 người sống sót trong tổng số 2.223 hành khách và phi hành đoàn, biến đây trở thành vụ đắm tàu nổi tiếng nhất lịch sử.

Xác tàu Titanic được tìm thấy năm 1985, cách bề mặt đại dương gần 13.000 feet, khiến hành trình khám phá, giờ đây là hành trình cứu hộ, càng trở nên khó khăn gấp bội, vì kể cả là tàu lặn của Hải quân Mỹ cũng chỉ có thể thực hiện các cuộc giải cứu ở độ sâu lên tới 2.000 feet. 

Những ai ở trên tàu?

Hamish Harding

Harmish Harding là một doanh nhân thành đạt, người đã thành lập công ty cổ phần tư nhân Action Group có trụ sở tại Vương quốc Anh và Dubai vào năm 2002. Doanh nghiệp này bao gồm Action Aviation, công ty cung cấp dịch vụ môi giới, quản lý và tài chính máy bay. Ông được cho là sở hữu khối tài sản trị giá ít nhất 1 tỷ USD.

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, tỷ phú 58 tuổi còn là nhà thám hiểm chuyên nghiệp và nắm giữ 3 kỷ lục thế giới về các chuyến khám phá dưới đáy đại dương.

Ông Harding tốt nghiệp Đại học Cambridge với bằng khoa học tự nhiên và kỹ thuật hóa học. Ông đã kết hôn và có hai con. Vị tỷ phú, đáng lẽ đón sinh nhật vào thứ Bảy (24/6) tuần này, đã viết trong một bài đăng ngày 18/6 trên Instagram rằng đây có thể là nhiệm vụ có người lái duy nhất tới Titanic vào năm 2023 “do thời tiết tồi tệ nhất ở Newfoundland trong 40 năm”.

Stockton Rush

Stockton Rush, chủ tịch của OceanGate, hy vọng sẽ giúp Titanic dễ tiếp cận hơn với các chuyến thăm xác tàu trên chiếc tàu ngầm 5 người thuộc sở hữu tư nhân của ông. Ông cũng tích lũy được khối tài sản lớn thông qua đầu tư mạo hiểm.

Ông Rush có bằng của Đại học Princeton về kỹ thuật hàng không vũ trụ và bằng MBA của Trường Kinh doanh Haas của UC Berkeley.

Năm 19 tuổi, ông đã nhận được xếp hạng Cơ trưởng tại Viện đào tạo máy bay phản lực của United Airlines vào năm 1981, và hiện tại, ở độ tuổi ngoài 60, ông Rush đã trở thành phi công được xếp hạng vận tải phản lực trẻ nhất thế giới. Ông từng làm việc với Boeing về thiết kế ban đầu của tàu ngầm sợi carbon Titan và sau đó là với NASA.

Shahzada và Suleman Dawood

Shahzada Dawood là phó chủ tịch của Engro Corp, công ty có các hoạt động kinh doanh trải dài từ phân bón đến sản xuất điện và là doanh nghiệp hàng đầu tại Pakistan. Ông tốt nghiệp Đại học Buckingham với bằng luật năm 1998 và Đại học Philadelphia với bằng Thạc sĩ tiếp thị dệt may năm 2000. 

Đi cùng ông trên tàu Titan là con trai Suleman. Đây là một trong những gia đình nổi tiếng nhất tại đất nước, và cũng là một trong những bên liên quan đầu tiên xác nhận có thân nhân trong chiếc tàu lặn mất tích.

Paul Henry Nargeolet

Nargeolet là một thợ lặn tài ba và được coi là chuyên gia hàng đầu thế giới về xác tàu Titanic và mảnh vỡ của nó. Ông là giám đốc nghiên cứu dưới nước của Experiential Media Group, hay E/M Group, và RMS Titanic Inc, và đã hoàn thành hàng chục lần lặn bằng tàu lặn đến địa điểm máy bay gặp nạn. 

Ông sinh ra ở Chamonix, Pháp và sống cùng gia đình ở Châu Phi trong 13 năm, hoàn thành chương trình học ở Paris và có 22 năm phục vụ trong Hải quân Pháp, thăng cấp chỉ huy, theo tiểu sử của ông trên trang web của Tập đoàn E/M.

Ông đã dẫn đầu chuyến thám hiểm trục vớt tàu Titanic đầu tiên vào năm 1987 sau khi gia nhập Viện Nghiên cứu và Khai thác Biển của Pháp. 

Xem thêm >> Sắp đấu giá 5.500 cổ vật trên tàu Titanic trị giá 200 triệu USD

Theo Bloomberg, CNN, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.