Chỉ được mua pháo hoa của doanh nghiệp quốc phòng, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu pháo hoa?

Yến Thanh - 28/11/2020 17:08 (GMT+7)

(VNF) - Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.

VNF
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 137 cho phép người dân được đốt pháo hoa từ ngày 11/1/2021, lượng tìm kiếm với từ khóa "mua pháo hoa" đã tăng vọt trên mạng tìm kiếm Google. Ảnh minh họa

Đầu tàu Z121

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được phép kinh doanh pháo hoa. Đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp này phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường và đảm bảo về điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy.

Do đó, khi đảm bảo đủ các điều kiện nêu trên, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện thủ tục cấp giấy phép mua pháo hoa để kinh doanh. Hồ sơ đề nghị lập thành 01 bộ, nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chỉnh về trật tự xã hội, Bộ Công an; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cấp giấy phép mua theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tại Việt Nam hiện nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là đơn vị duy nhất được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao sản xuất, cung ứng pháo hoa nổ, pháo hoa phục vụ cho các trường hợp được phép bắn pháo hoa nổ.

Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 là một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất thuốc nổ, phụ kiện nổ công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp khai thác, xây dựng trong cả nước; sản xuất các sản phẩm tín hiệu và an toàn hàng hải; sản xuất các loại pháo hoa, pháo hỏa thuật phục vụ các dịp lễ hội và xuất khẩu, đồng thời sản xuất các mặt hàng quốc phòng phục vụ Quân đội.

Z121 có hơn 100 nhà xưởng lớn nhỏ, trong đó có khoảng 60 nhà sản xuất pháo hoa. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, mỗi nhà xưởng đều xây cách xa nhau và nằm tách biệt sau những ụ đồi được phủ kín bởi loại cỏ đặc biệt nhập khẩu từ Nhật Bản. Ụ này cách ụ kia vài chục mét, có chỗ hàng trăm mét. Riêng với nhà sản xuất pháo hoa phải cách nhau ít nhất 200m.

Hiện nay, Công ty đã trở thành doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp thuốc nổ, phụ kiện nổ phục vụ ngành công nghiệp khai thác và xây dựng; đồng thời cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất pháo hoa, hỏa thuật phục vụ các dịp lễ hội trên cả nước và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Lào…

Ngành công nghiệp tỷ đô

Tuy nhiên, vì nghị định 137 quy định là "tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được phép kinh doanh pháo hoa" nên có thể hiểu là ngoài Z121, các doanh nghiệp quân đội khác cũng có thể nhập khẩu về để bán lại cho người dân. Câu hỏi là các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu từ đâu khi Tết Canh Tý đang cận kề.

Một thống kê được đưa ra hồi đầu năm nay là giá trị xuất khẩu pháo hoa trên toàn thế giới đã đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó châu Á xuất khẩu pháo hoa chiếm tới 84,6%, tiếp theo là châu Âu (13,2%).

Nước xuất khẩu pháo hoa đứng đầu thế giới là Trung Quốc (866,3 triệu USD, chiếm 84,2% lượng pháo hoa xuất khẩu toàn cầu).

Nước đứng thứ 2 là Hà Lan (52,3 triệu USD doanh thu xuất khẩu pháo hoa).

Trong top 10 nước, ngoài Mỹ và Brazil, các vị trí còn lại đều thuộc về châu Âu (Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Séc: 10 triệu USD; Italia và Thụy Sĩ).

Cùng chuyên mục
Tin khác