Chi ủng hộ chống lũ lụt, Covid-19 của doanh nghiệp được tính vào chi phí

An Nguyên - 05/11/2020 12:45 (GMT+7)

Doanh nghiệp, tổ chức có khoản chi để ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, phòng chống lũ lụt, thiên tai thông qua các tổ chức, cơ quan nhà nước theo chế độ Nhà nước quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và áp dụng đối với kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và năm 202.

VNF
Năm 2021 dự kiến tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỷ đồng

Đó là một trong  những nội dung được nêu tại dự thảo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đây là một trong những nội dung đang được Quốc hội thảo luận tại hội trường và sẽ được thông qua vào chiều 12/11.

Theo dự thảo, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.343.330 tỷ đồng.Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.687.000 tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP điều chỉnh), gồm: bội chi ngân sách trung ương là 318.870 tỷ đồng, tương đường 3,7%GDP điều chỉnh. Bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng, tương đương 0,3%GDP điều chỉnh.

Tổng mức vay của ngân sách nhà nước năm 2021 là 608.569 tỷ đồng.

Chi ngân sách 2020 sẽ có nhiều thay đổi 

Dự thảo cũng nêu 9 dự kiến điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Một, tăng bội chi ngân sách trung ương tối đa 133.500 tỷ đồng để chi đầu tư phát triển, theo đó, dự toán bội chi ngân sách trung ương năm 2020 không quá 351.300 tỷ đồng. Giao Chính phủ điều hành phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi cao hơn phương án báo cáo Quốc hội và dành toàn bộ số tăng thu, tiết kiệm chi tăng thêm của ngân sách trung ương để giảm bội chi ngân sách trung ương năm 2020; thực hiện huy động vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân ngân sách trung ương năm 2020.

Đối với dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước đã được chuyển nguồn sang năm 2020 thì được giải ngân đến hết ngày 31/12/2020; sau thời điểm này, nếu giải ngân không hết thì thực hiện thu hồi và giảm chi ngân sách trung ương.

Hai, trong năm 2020, không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nguồn lực để thực hiện phòng, chống Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Ba, trường hợp thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, các địa phương phải chủ động sử dụng các nguồn lực hợp pháp theo quy định để bù đắp hoặc rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội.

Đối với những địa phương sau khi sử dụng các nguồn lực của ngân sách địa phương đã bảo đảm bù hụt thu cân đối, thì cho phép sử dụng nguồn cắt giảm 70% chi công tác, hội nghị và 10% tiết kiệm thêm chi thường xuyên 6 tháng cuối năm 2020 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, các chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ của địa phương theo quy định.

Đối với các địa phương bị hụt thu cân đối ngân sách nhà nước từ thuế, phí, lệ phí so với dự toán được giao nhưng có nguồn thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết vượt dự toán, thì được sử dụng nguồn tăng thu này để bảo đảm dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cân đối từ nguồn thu thuế, phí.

Trường hợp thực hiện thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán, phần 50% giảm thu làm giảm nguồn cải cách tiền lương sẽ được giảm tương ứng khi xác định nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách địa phương. Trường hợp nguồn cải cách tiền lương và các nguồn tài chính hợp pháp của địa phương không đủ để đáp ứng nhu cầu thực hiện chính sách tiền lương và chính sách an sinh xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành thì ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương theo chế độ quy định để địa phương có đủ nguồn thực hiện chính sách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.

Bốn, bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước 533,647 tỷ đồng từ nguồn 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014 còn dư trên tài khoản của Bộ Công an, đồng thời bổ sung dự toán chi đầu tư lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội cho Bộ Công an để thực hiện các dự án đã được phê duyệt đầu tư 440,424 tỷ đồng từ nguồn 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014.

Năm, bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước và chi đầu tư phát triển 76,296 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Ai-Len để thực hiện Dự án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 cho 5 địa phương: Hà Giang 20 tỷ đồng, Hòa Bình 19,9 tỷ đồng, Quảng Trị 9,096 tỷ đồng, Kon Tum 18,3 tỷ đồng và Trà Vinh 9 tỷ đồng.

Sáu, bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương 26.142,81 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp và nguồn tài chính hợp pháp khác theo Báo cáo số 36/BC-CP ngày 15/10/ 2020 của Chính phủ.

Bảy, bổ sung dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường 6,64 tỷ đồng nguồn vốn ngoài nước cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả.

Tám, tiếp tục chuyển nguồn 3.233,149 tỷ đồng kinh phí thực hiện chính sách phát triển thủy sản từ năm 2019 chuyển sang và sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2021 để thực hiện mục tiêu hỗ trợ hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ kết hợp với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/ 7/ 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Chín, bổ sung dự toán vay từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại cho 3 địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngoài nước: Cà Mau 24 tỷ đồng; Nam Định 8,727 tỷ đồng và Phú Thọ 17,819 tỷ đồng.

2021 không tăng lương

Dự thảo nghị quyết cũng nêu một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 sẽ giao cho Chính phủ thực hiện.

Đó là, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước.

Nhiệm vụ tiếp theo là tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai. Phấn đấu tăng thu so với dự toán và sử dụng toàn bộ số tăng thu để giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 3%GDP (điều chỉnh) và giảm số vay nợ tương ứng; số tăng thu còn lại (nếu có) sẽ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước.

Dự thảo cũng yêu cầu tiếp tục điều tiết 100% về ngân sách trung ương số thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; điều tiết tiền thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước như phân cấp quy định tại Nghị định số 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu trong nước và nhập khẩu như đối với năm 2017. Tiếp tục thu, nộp phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (bao gồm cả đường bộ thuộc trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý) vào ngân sách trung ương và thực hiện phân chia 65% cho ngân sách trung ương và bổ sung có mục tiêu 35% cho ngân sách địa phương.

Tiếp tục dành 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng theo số thu thực hiện năm 2019 để bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Dự thảo cũng nêu rõ, trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm), trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và chưa điều chỉnh chuẩn nghèo. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương.

Nhiệm vụ năm sau còn là kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ nhằm bảo đảm không vượt quá giới hạn về nợ công. Tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ, thực hiện nghiệp vụ hoán đổi, mua lại để tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ theo hướng bền vững và phát triển thị trường.

Về khoản chi của doanh nghiệp như đã nói ở trên, dự thảo giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện và tổng kết, đánh giá việc thực hiện để báo cáo Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cho phù hợp. 

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác