Chiến lược mới của ông Tập Cận Bình: Điều hàng loạt chuyên gia tài chính làm lãnh đạo tỉnh

Minh Đăng - 30/12/2019 08:15 (GMT+7)

(VNF) - Kể từ năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử 12 nhân vật là cựu lãnh đạo tại các viện tài chính nhà nước và ngân hàng tới đảm nhận vị trí lãnh đạo tại một số tỉnh ở Trung Quốc.

VNF
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Khi Trung Quốc đang cố gắng giải quyết tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã áp dụng chiến thuật mới đó là cử chuyên gia tài chính về lãnh đạo các tỉnh thành để xử lý rủi ro và tái thiết kinh tế địa phương.

Theo Reuters, trước năm 2012, chỉ có 2 lãnh đạo cấp tỉnh ở Trung Quốc có nền tảng chuyên môn liên quan đến tài chính. Nhưng kể từ năm 2013, thời điểm ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo, đã có những khác biệt đáng kể.

Tuy nhiên, đến năm 2018 là thời điểm ông Tập thúc đẩy chiến lược mới một cách rõ nét nhất. Ông Tập đã đã đưa 12 cựu lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tài chính hoặc cơ quan quản lý tài chính về nắm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở nhiều tỉnh, thành, bao gồm những chính quyền địa phương đang kẹt trong các khoản nợ lớn hoặc có ngân hàng yếu kém.

Một nửa trong số 12 lãnh đạo cấp tỉnh nói trên được sinh sau thập niên 70. Phó Tỉnh trưởng Liêu Ninh Zhang Lilin (48 tuổi) từng có 2 thập niên làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.

Một vài cái tên nổi bật khác có thể được nhắc tới như Phó Thị trưởng Bắc Kinh Yin Yong là cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Phó Tỉnh trưởng Sơn Đông Liu Qiang từng làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc, Phó Thị trưởng Trùng Khánh Li Bo từng đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương nước này.

Hồi tháng 9/2019, ông Đàm Quýnh, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), được bổ nhiệm vào ghế phó tỉnh trưởng tỉnh Quí Châu, tỉnh gánh số nợ lớn nhất ở Trung Quốc với tỉ lệ nợ trên GDP lên đến mức 161,7% vào cuối năm 2017.

Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, đồng minh thân cận của ông Tập, được cho là người đứng sau sự thăng tiến nhanh chóng của các lãnh đạo trẻ ở độ tuổi 40, chuẩn bị cho thế hệ kế nhiệm.

Ông Vương từng là phó chủ tịch của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và chủ tịch Ngân hàng Xây dựng vào những năm 1990.

Năm 1998, ông đảm nhiệm chức vụ phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông và dẫn đầu các nỗ lực xử lý các tổ chức có vấn đề về tài chính liên kết với chính quyền tỉnh.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trên cương vị phó thủ tướng phụ trách tài chính, ông thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất mạnh, dẫn tới sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc. Với nền tảng này, ông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực tài chính.

Kể từ khi ông Vương đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương trong vài năm từ năm 2012 và xử lý nhiều quan chức tham nhũng, một số cựu thành viên ủy ban cũng đã được thăng chức lên các chức vụ quan trọng.

Các quyết định bổ nhiệm trên xuất hiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rơi về mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua, trong khi đó ngân sách đầu tư cho hạ tầng của các chính quyền địa phương đang giảm.

Trong năm nay, 5 ngân hàng của Trung Quốc gặp nguy khốn vì các vấn đề thanh khoản, nợ xấu và quản lý, làm gia tăng nguy cơ hình thành các quả bom nợ trong những góc khuất không ngờ đến của nền kinh tế.

Chuyên gia Chucheng Feng, một nhà nghiên cứu độc lập tại Hong Kong (Trung Quốc), nhận định: "Đến giai đoạn 2022, các chính khách xuất thân là chuyên gia kinh tế này có thể nằm trong nhóm thế hệ lãnh đạo mới”.

Còn ông He Haifeng tại Viện Chính sách Tài chính thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thì cho rằng việc điều chuyển chuyên gia về tài chính về các tỉnh có thể góp phần hòa nhập chính sách tài chính với tập quán địa phương và ngăn chặn sớm các rủi ro tài chính.

Xem thêm >> VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2019

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác