Ông Tập Cận Bình kêu gọi cán bộ trẻ Trung Quốc chuẩn bị cho ‘cuộc chiến dài hơi’
Thanh Tú -
04/09/2019 11:01 (GMT+7)
(VNF) - "Các cuộc đấu tranh mà chúng ta phải đối mặt sẽ không chỉ ngắn hạn, mà là dài hạn", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc chương trình đào tạo cán bộ trẻ tại trường đảng Trung Quốc ngày 3/9.
Mở đầu bài phát biểu, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì sự ổn định chính trị khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phát triển chậm lại.
Trước đó, theo thông báo mới nhất của Cơ quan Thống kê Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nền kinh tế này đạt 6,2% trong quý II/2019.
Con số này là mức tăng trưởng GDP thấp nhất của Trung Quốc kể từ khi các số liệu tăng trưởng được thống kê kể từ năm 1992. Thậm chí trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tăng trưởng GDP hàng quý của Trung Quốc cũng không xuống dưới 6,4%. Năm 2018, GDP của Trung Quốc tăng 6,6%.
Cũng tại buổi lễ, ông Tập yêu cầu các cán bộ trẻ cần có “tinh thần đấu tranh” để vượt qua những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt, từ nguy cơ an ninh cho tới rủi ro tài chính.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, các cuộc đấu tranh mà Trung Quốc phải đối mặt sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho tới năm 2049, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
"Ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, sự phát triển của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mà nhiều rủi ro và thách thức đang xuất hiện cùng lúc, và nó chỉ trở nên phức tạp hơn", ông Tập nói, liệt kê các mối quan tâm bao gồm kinh tế, quốc phòng, Hồng Kông và Đài Loan.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các cán bộ trẻ "kiên quyết đấu tranh" trước bất cứ nguy cơ và thách thức nào.
Đánh giá của ông Tập được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc họp toàn thể lần đầu sau 20 tháng. Cuộc họp dự kiến diễn ra vào 1/10, ngày Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập đất nước.
Nền kinh tế Trung Quốc đã được dự báo là bị tác động mạnh từ các ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động hơn 1 năm về trước.
Có thể thấy các biện pháp gia tăng áp lực của Washington lên chính sách thương mại của Bắc Kinh đang gây thiệt hại lớn đối với khu vực sản xuất hướng đến mục tiêu xuất khẩu của Trung Quốc.
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 14/8 công bố dữ liệu chính thức cho thấy kinh tế Trung Quốc lại tiếp tục phát đi tín hiệu xấu với sản lượng công nghiệp tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất kể từ năm 2002 và doanh số bán lẻ cũng sụt giảm trong tháng 7.
Cụ thể, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc - chỉ số kinh tế quan trọng của nước này - trong tháng 7/2019 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, song giảm từ mức 6,3% trong tháng 6/2019 và đánh dấu tốc độ yếu nhất kể từ năm 2002.
Chỉ số này cũng thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6% mà các nhà kinh tế đã đưa ra trong cuộc thăm dò của hãng tin Bloomberg.
Các con số thống kê cho thấy, số đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ 9 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, buộc nhiều nhà máy của nước này phải cắt giảm sản xuất và đóng băng các quyết định về đầu tư và thuê nhân công.
Bên cạnh đó, cũng theo số liệu của NBS, doanh số bán lẻ trong tháng 7/2019 của Trung Quốc tăng 7,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,8% trong tháng 6/2019.
Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế trong năm nay, tuy nhiên các biện pháp này dường như vẫn chưa đủ mạnh để bù lại sự tăng trưởng chậm chạp trong nước và giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.