Chiến lược mới, ô tô Trung Quốc hy vọng trụ vững, thu nghìn tỷ ở Việt Nam
(VNF) - Quay trở lại thị trường Việt Nam với lực lượng thương hiệu hùng hậu, cam kết đầu tư lâu dài như xây dựng nhà máy, mở rộng đại lý cùng chất lượng xe được cải thiện, làn sóng ô tô Trung Quốc mới liệu có chinh phục được khách Việt.
Ô tô Trung Quốc tăng hiện diện tại Việt Nam
Vào cuối tháng 10 vừa qua, Công ty TNHH SAIC Motor Việt Nam (SMV) và Công ty cổ phần Sản xuất, thương mại và dịch vụ ô tô PTM (PTM) thuộc Tập đoàn Haxaco vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược để phát triển thương hiệu xe Trung Quốc MG tại thị trường Việt Nam. SMV là đơn vị trực tiếp điều hành và phân phối độc quyền thương hiệu ô tô MG tại Việt Nam.
Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, hai bên cam kết phát triển mạnh mẽ hệ thống đại lý MG, đồng thời tăng số lượng đại lý đạt chuẩn 3S Premium, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ bán hàng và hậu mãi cho khách hàng.
Đồng thời, hai bên cũng cùng phát triển các dịch vụ sau bán hàng chiến lược như: dịch vụ cứu hộ 24/7, dịch vụ mua bán xe cũ...
Ông Trần Nam Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SAIC Motor Việt Nam cho biết: “Việt Nam là thị trường trọng điểm của thương hiệu MG. Đây là một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển của MG tại Việt Nam”.
Không kém cạnh, thương hiệu xe Trung Quốc BYD chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam kể từ tháng 7/2024 với chủ lực là các mẫu xe chạy điện cũng mở rộng hệ thống đại lý lên 100 showroom trên toàn quốc trong vòng 3 năm tới.
Bên cạnh đó, hãng xe này cũng cam kết hợp tác với các đối tác trạm sạc lớn để giúp khách hàng có thể sạc xe tại các trạm sạc công cộng trên toàn quốc. Cùng với đó, nhằm giải quyết bài toán tài chính giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm, BYD cũng liên kết với các ngân hàng triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn khi mua xe.
Trước đó vào năm 2023, Công ty cổ phần ô tô TMT cũng ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) - (SAIC - WULING), để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện của GM - (SAIC - WULING) tại Việt Nam.
Cụ thể, hai công ty ký kết hợp tác chiến lược, trong đó thống nhất liên doanh GM - (SAIC - WULING) cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. Hiện liên doanh này đã xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đặt tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm.
“Cuộc cách mạng 2.0” của các hãng xe Trung Quốc
Vài năm trở lại đây, hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc đã chính thức quay trở lại thị trường Việt Nam, dần hình thành một làn sóng xe mới từ thị trường đông dân nhất thế giới, với quy mô lớn và chiến lược bài bản hơn.
Làn sóng mới của ô tô Trung Quốc tràn vào Việt Nam có lẽ bắt đầu hình thành từ nửa cuối năm 2020 cái tên nhận được nhiều sự quan tâm ở thời điểm đó là thương hiệu xe MG (Morris Garages) bằng việc ra mắt và mở bán loạt mẫu xe mới.
Chỉ vài tháng sau đó, thương hiệu Beijing nối gót MG, mở bán mẫu SUV/crossover cỡ trung Beijing X7. Hongqi cũng đặt chân đến Việt Nam bằng việc trình làng hai mẫu xe định vị ở nhóm xe sang gồm Hongqi H9 và E-HS9.
Làn sóng du nhập xe Trung Quốc vào Việt Nam mạnh mẽ nhất có lẽ nằm ở giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 khi một loạt tên tuổi mới bắt đầu xuất hiện. Chỉ trong vòng nửa cuối năm 2023, thị trường ô tô Việt liên tục chào đón đến 4 thương hiệu xe từ Trung Quốc như Wuling, Haval, Lynk&Co và Haima. Tiếp đó, các thương hiệu khác như Cherry, BYD, GAC Aion cũng lần lượt xuất hiện.
So với trước đây, sự trở lại và tiếp cận thị trường Việt Nam lần này của các hãng xe Trung Quốc được lên kế hoạch bài bản, có chiến lược lâu dài. Nhìn lại lịch sử trước đây có thể thấy các hãng xe Trung Quốc thường qua loa trong khâu tìm chọn đối tác phân phối, dẫn đến tình trạng bán xe theo kiểu "ăn xổi”. Do vậy, khi các thương hiệu này rút lui, đại lý cũng sẵn sàng "bỏ rơi" khách hàng.
Vì vậy, sự trở lại lần này của các hãng xe Trung Quốc có phần nghiêm túc và quyết tâm gắn bó lâu dài hơn với thị trường, khi cam kết đầu tư lâu dài, đầu tư mở rộng đại lý trên toàn quốc, thậm chí lên kế hoạch xây dựng nhà máy, sản xuất lắp ráp ngay tại Việt Nam.
Cuộc "cách mạng 2.0" của các hãng xe có nguồn gốc từ Trung Quốc trở lại thị trường Việt Nam có thành công hay không còn phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, với những thay đổi tích cực kể trên, khó có thể phủ nhận tiềm năng và triển vọng của những hãng xe Trung Quốc trong lần trở lại lần này.
Lộ diện xe siêu sang Maybach S 600 Pullman 70 tỷ của đại gia Sài Gòn
- Triển lãm ô tô Việt Nam 2024: Hàng loạt 'ông lớn’ rút lui, xe Trung Quốc đổ bộ 17/07/2024 09:51
- Ô tô Trung Quốc tham vọng chiếm 1/3 thị phần ô tô toàn cầu 29/06/2024 07:45
- Những mẫu xe Trung Quốc đổ bộ thị trường Việt Nam trong năm 2024 24/01/2024 12:29
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.