Cho doanh nghiệp ngoại tham gia bán lẻ xăng dầu: Miếng bánh không dễ xơi

Phạm Tuyên - 19/10/2020 10:14 (GMT+7)

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ. Nghị định này đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi đưa ra một loạt các quy định về mở cửa cho các doanh nghiệp ngoại được tham gia sâu hơn vào phân phối, kinh doanh bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam.

VNF
Thị trường xăng dầu bán lẻ được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi có thêm doanh nghiệp cạnh tranh. Ảnh: Như Ý

Theo dự thảo nghị định, ngoài những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt, các doanh nghiệp xăng dầu có hoạt động đầu tư, sản xuất xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% vốn.

Bộ Công Thương cho rằng, thực tế sau quá trình cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu cũng nhằm góp phần cải thiện đáng kể quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp ngoại trực tiếp và gián tiếp tham gia bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam không phải là chuyện mới. Từ tháng 10/2007, Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsu Q8 (Công ty liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản) chính thức khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên và trực tiếp tham gia sân chơi bán lẻ xăng dầu cùng với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và 120 thương nhân phân phối xăng dầu với hơn 14.000 cửa hàng xăng dầu rải khắp cả nước.

Dù áp dụng tiêu chuẩn Nhật Bản vào kinh doanh và phục vụ nhưng đến nay, sau 3 năm hoạt động, Idemitsu Q8 cũng mới mở được tổng cộng 4 trạm xăng bán lẻ.

Chiến lược chiếm lĩnh thị phần và tìm kiếm lợi nhuận cao trong bán lẻ xăng dầu được các chuyên gia đánh giá sẽ tiếp tục không hề dễ dàng với doanh nghiệp này khi thực tế, giá xăng trên thị trường dường như không có sự cạnh tranh. Mức bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp gần như đang đồng giá.

Với các doanh nghiệp FDI khác, sân chơi bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam cũng được đánh giá là khá đắt đỏ khi phần lớn thị phần đang nằm trong tay 3 doanh nghiệp lớn nhất là Petrolimex, PVOil và Saigon Petro. Việc góp vốn của các doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam cũng khá khiêm tốn.

Sau nhiều năm, JX Nippon Oil & Enegry, Tập đoàn năng lượng số 1 của Nhật Bản cũng mới sở hữu khoảng 8% vốn tại Petrolimex. Còn Tập đoàn Total (Pháp) cũng chỉ mới dừng lại chủ yếu trong lĩnh vực khí hoá lỏng, dầu nhờn và xăng dầu theo hình thức liên doanh nhượng quyền thương hiệu.

Việc chiếm miếng bánh thị phần bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam có vẻ như cũng rất khó nhằn với tập đoàn này dù đã tham gia tại thị trường xăng dầu Việt Nam từ những năm 1990.

Vấn đề không chỉ là vốn

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Petrolimex cho hay, việc mở cửa thị trường bán lẻ xăng dầu cho các nhà đầu tư ngoại là việc trước sau cũng phải làm. Tuy nhiên, cánh cửa hiện khá hẹp do kinh doanh xăng dầu đòi hỏi rất nhiều điều kiện, đầu tư, thủ tục hành chính, chưa kể thị phần ở các đô thị, thành phố lớn đều thuộc về các thương hiệu lớn từ nhiều năm.

Chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra cũng như việc phải kiếm tìm được các vị trí mặt bằng thuận lợi cho kinh doanh tại Hà Nội, TP. HCM hay những thành phố lớn khác cũng không phải là bài toán dễ giải quyết.

Theo đại diện Petrolimex, với tốc độ mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ, nhượng quyền của tập đoàn cũng như của các doanh nghiệp xăng dầu trong nước khác, nhà đầu tư nước ngoài không dễ cạnh tranh.

“Các doanh nghiệp ngoại nếu chỉ dùng chất lượng để cạnh tranh thì chưa chắc đã có lợi thế, vì dịch vụ của doanh nghiệp trong nước hiện cũng đã rất tốt và đang ngày càng hoàn thiện hơn. Với kinh doanh xăng dầu thì vấn đề không chỉ hoàn toàn là vốn, đi kèm theo đó là rất nhiều yếu tố khác như thời gian tham gia thị trường, phát triển mạng lưới, sở hữu địa điểm…”, vị này phân tích.

Một lãnh đạo của PVOil cũng cho rằng, đến nay các doanh nghiệp trong nước không hề ngại cạnh tranh với bất cứ thương hiệu ngoại nào tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu. Bản thân PVOil cũng ủng hộ việc tăng mức sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài vì điều này sẽ tốt hơn cho cả hai thay vì đổ tiền cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước.   

Theo Bộ Công Thương, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã bổ sung mới Điều 2 quy định thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất, chế biến xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% và phải được Bộ Công Thương chấp thuận sau khi thẩm định.

Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nhà đầu tư Nhật Bản là JX Nippon Oil & Energy hiện là cổ đông chiến lược nắm 8% cổ phần. Tổng Công ty Dầu Việt Nam – PVOil cũng có nhà đầu tư nước ngoài tham gia nắm giữ gần 20% cổ phần; trong đó SK Energy (Hàn Quốc) nắm giữ 5,23%. Tại Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng có 2 đối tác nước ngoài tham gia với phần vốn nắm giữ khoảng 35%.

 

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.