Thị trường

Chợ Việt xưa và nay: Về lại thương cảng Phố Hiến xưa

(VNF) - Thương cảng phồn vinh bậc nhất nước Nam xưa, giờ chỉ còn là vang bóng, Phố Hiến không còn lại gì ngoài một cái tên và những di tích đền, chùa, hội quán. Nhưng về Phố Hiến không phải để buồn.

Chợ Việt xưa và nay: Về lại thương cảng Phố Hiến xưa

Đông Đô Quảng Hội, một di tích còn lại của phố Hiến xưa

Kí ức

Trên đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên có một di tích nổi danh của thương cảng xưa: Đông Đô Quảng Hội – Thiên Hậu Cung. Đối diện di tích này là một ngôi nhà nhỏ, lụp xụp. Chủ ngôi nhà là một bà cụ 65 tuổi, sống bằng nghề bán bánh rán. Bà cụ không biết về lịch sử Phố Hiến. Kí ức được lưu truyền về nơi từng là chốn phồn hoa đô hội bậc nhất xứ Bắc này trong bà chỉ là bốn chữ “trên bến dưới thuyền” và câu ca kinh điển “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Nhưng có gì buồn đâu. Nhà thơ Tế Hanh khi về Nghi Xuân – Hà Tĩnh hỏi thăm nhà Nguyễn Du, bà cụ già không biết, nhưng nhắc tới Truyện Kiều, người ở tuổi thảng nhớ, thảng quên vẫn đọc vanh vách những vần thơ. Và nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại Việt Nam đã phải cảm khái rằng:

“Bà cụ không nhớ tên Nguyễn Du có gì đâu đáng trách

Một cái tên như bao cái tên thường

Nhưng cụ đã gửi lòng trong áng sách

Theo dõi đời Kiều từng đoạn từng chương”

Phố Hiến cũng vậy. Lịch sử của Phố Hiến đã được viết trong hàng trăm công trình nghiên cứu, hàng nghìn bài báo, hàng vạn bức ảnh. Thời đại 4.0, ai cũng sẵn một chiếc điện thoại thông minh (smartphone), chỉ cần một cú “click” trên Google là đủ để biết toàn bộ lịch sử của thương cảng này. Bởi vậy, điều quan trọng chính là “thứ còn lưu lại trong tâm trí”. Phố Hiến đã lụi tàn hơn 200 năm nay mà người Phố Hiến vẫn còn nhắc được bốn chữ “trên bến dưới thuyền” và câu ca kinh điển, thiết tưởng cũng đã đủ rồi.

Phố Hiến xưa nằm bên tả ngạn sông Hồng, là một cảng sông tấp nập bao gồm một tập hợp chợ và các thương điếm. Đây là nơi trung chuyển của các tuyến giao thương đường sông từ vùng biển Bắc Bộ đi sâu vào đất liền, tới kinh thành Thăng Long. Vị trí đắc địa này đã giúp Phố Hiến thu hút rất đông thương nhân ngoại quốc: Trung Hoa, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp, Xiêm La, Bồ Đào Nha... tới lui mua bán. Vào thời kỳ phồn thịnh, Phố Hiến có tới 20 phường. Qua các văn bia, hậu nhân có thể đọc được tên của 13 phố và 32 cửa hiệu buôn bán như: Tân Thị, Tân Khai, Tiên Miếu, Hậu Trường... Các chợ ở Phố Hiến bấy giờ được miêu tả là rất sầm uất như: chợ Vạn, chợ Hiến, chợ Bảo Châu... Các chợ này đã vượt khỏi khuôn khổ địa phương để trở thành các chợ liên vùng.

Với đặc thù của một thương cảng quốc tế, Phố Hiến là một quần thể dân cư đa quốc tịch. Sự đa dạng về dân cư đưa đến sự phong phú về văn hóa mà kiến trúc là một khía cạnh tiêu biểu. Ở Phố Hiến, bên cạnh phong cách kiến trúc Việt Nam, người ta thấy rất rõ các phong cách kiến trúc Trung Hoa (với sắc thái vùng Phúc Kiến, Nam Trung Hoa), phong cách kiến trúc châu Âu (nhà thờ Gothic). Đôi khi, các phong cách này cũng lai tạp với nhau.

Phố Hiến đã phát triển trong hàng trăm năm để từ một bến cảng trở thành một đô thị kinh tế đúng nghĩa, rực rỡ nhất là giai đoạn 1630 – 1680, gắn liền với quan hệ khá nồng ấm của chế độ vua Lê – chúa Trịnh với các thế lực phương Tây, trong mối quan hệ đối kháng với Đàng Trong của họ Nguyễn (giai đoạn 1627 – 1672, họ Trịnh và họ Nguyễn đánh nhau 7 lần).

Tuy nhiên, trong khoảng 100 năm sau đó, Phố Hiến dần suy thoái, do nhiều biến động của thời cuộc, như: sự nguội đi của quan hệ chúa Trịnh – phương Tây, sự thay đổi chính sách của Trung Hoa, Nhật Bản, sự biến đổi của dòng chảy sông Hồng làm bến cảng bị bồi đắp, sự thay đổi trọng tâm chính trị trấn Sơn Nam của chính quyền Lê – Trịnh. Quan trọng hơn, các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài và chiến tranh liên miên thời Tây Sơn đã tàn phá nghiêm trọng kinh tế Phố Hiến. Cho đến khi Gia Long đế thống nhất đất nước (1802), kinh đô được chuyển vào Phú Xuân (Huế), kinh tế của Phố Hiến cũng lụi tàn, chấm dứt vai trò lịch sử của mình.

“Sông kia rày đã nên đồng”

Phố Hiến từng ở bên sông Hồng, nhưng qua mấy trăm năm bãi bể nương dâu, bến sông đã trở thành đồng ruộng. Về Phố Hiến, đứng trên triền đê cũ, nhìn về phía Tây, chỉ thấy những bờ ruộng, lũy tre, chòm xóm. Sông Hồng đã bị đẩy xa về phía Tây tới 2km. Không còn cảnh buôn hội bán phường, không còn thuyền bè tấp nập, không còn cảnh khách ngoại quốc chen nhau chở tơ lụa, xòe những đồng bạc trắng, Phố Hiến giờ bình lặng như một làng quê với những ao hồ trong vắt, những hàng cây rủ bóng, những mái nhà thấp nằm khuất sau những tán vườn xanh như ngọc, những ngôi đền, ngôi chùa, những hội quán trầm mặc, tĩnh lặng thơm mùi khói hương.

Người Phố Hiến dường như mất đi “gen” buôn bán. Con đường mang tên thương cảng lừng danh này ngày nay không có lấy một cửa hàng, tiệm kinh doanh bề thế. Quán xá đều nhỏ bé. Xe cộ đi lại rất ít. Người thưa vắng. Nhịp sống khá chậm như thể chưa từng có mấy trăm năm phồn hoa. Có gì đó tiếc cho Phố Hiến nói riêng, cho Hưng Yên nói chung, vùng đất cách Hà Nội chỉ mấy chục cây số lại không thể trở thành một vùng kinh tế năng động, phát triển mạnh mẽ - tương tự như các địa phương quanh Hà Nội khác như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Phố Hiến xưa, còn lại với đời là những di tích: đền Mây, đền Ngọc Thanh, đền Trần, đền Ủng, chùa Thiên Ứng, chùa Kim Chung, chùa Nễ Châu, Văn miếu Xích Đằng... Kí ức về Phố Hiến được các thế hệ lưu giữ và tái hiện bằng những lễ hội, tổ chức hằng năm. Người Phố Hiến, bởi vậy, có thể không nhớ hết lịch sử của quê hương nhưng ngày lễ, vẫn hướng về để thắp nén hương thơm thì cái lòng không quên gốc vẫn còn đó.

Cũng nhờ lễ hội, Phố Hiến trở thành một địa chỉ du lịch, hằng năm thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước về tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Du lịch phần nào bù đắp cho sự trầm lắng về kinh tế của Phố Hiến, phảng phất lại một chút vẻ hào hoa của vùng đất “tiểu Tràng An” từng giàu có bậc nhất nước Nam bấy giờ.

Nhưng về Phố Hiến bây giờ không phải để hoài niệm. Về Phố Hiến là để nhìn, để thấy nước Nam ta, trong hoàn cảnh ngặt nghèo của chế độ phong kiến, đã từng có thời kỳ có những đô thị giàu có như vậy, để thấy sức lực và tài năng sản xuất, giao thương của cha ông to lớn thế nào. Phố Hiến là minh chứng cho khả năng của người Việt có thể xây dựng nên những kỳ tích kinh tế, kỳ tích của sông Hồng.

Đời Đông Chu, nhà Chu tránh loạn mà dời đô về phía đông, quan đại phu đi làm việc, bước qua đất kinh đô cũ, nhìn thấy lúa nếp mọc trên nền tôn miếu, cung thất xưa, cảm thán vương nghiệp họ Cơ nghiêng đổ mà chua xót, không nỡ bước đi, làm thành bài thơ “Thử ly” nổi tiếng trong Kinh Thi. Nhưng về Phố Hiến hôm nay, không cần phải xót tiếc một thương cảng sầm uất đã không còn, không cần phải như Bà Huyện Thanh Quan viết một áng thơ than khóc Thăng Long thành chỉ còn “bóng tịch dương, hồn thu thảo”. Thời thế thay đổi, cuộc đời thay đổi. Núi không chuyển, nước chuyển; nước không chuyển, người chuyển; cuộc sống bao giờ cũng đi tới...

Tin mới lên