Theo dấu thương cảng cổ: Phố Hiến, thương cảng trù phú bậc nhất thế kỷ XVII

Hoài Thương - 02/01/2021 11:12 (GMT+7)

Phố Hiến là một đô thị cổ hình thành và phát triển rất nhanh từ thế kỷ XVI, đạt cực thịnh vào thế kỷ XVII. Đây là một thương cảng lớn, phồn thịnh và sầm uất, một “tiểu Tràng An” bốn phương hội tụ đã đi vào câu ca: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

VNF
Tranh vẽ ghi lại cảnh sinh hoạt tại thương cảng Phố Hiến thế kỷ XVII

Lịch sử hình thành

Từ thế kỷ X, vùng Phố Hiến là lãnh địa của sứ quân Phạm Bạch Hổ. Phạm Bạch Hổ trấn giữ vùng Hải Đông rộng lớn (thuộc Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên ngày nay). Ông xây dựng lãnh địa của mình thành thủ phủ trung tâm nổi tiếng thời 12 Sứ quân.

Đến thời Tiền Lê, vùng Hải Đông là thực ấp của Lý Công Uẩn. Thế kỷ XIII, dưới thời nhà Trần, khi nhà Nguyên diệt Tống, một số người Hoa đã kéo sang Việt Nam, lập nên làng Hoa Dương. Cùng lúc đó, một số người Việt từ nhiều địa phương khác nhau cũng dần dần đến sinh sống tại địa điểm tụ cư này để buôn bán và làm ăn.

Hiện nhiều học giả cho rằng tên Phố Hiến có thể xuất hiện vào cuối thế kỷ XV, khi vua Lê Thánh Tông (1460-1497) phân chia đất nước thành 12 đạo thừa tuyên. Mỗi thừa tuyên có ty hiến sát để giám sát, kể cả kiểm soát đường thủy. Có lẽ, vì ty Hiến sát trên dải đất bờ sông này mà phố buôn được quen gọi là Phố Hiến.

Phố Hiến xưa nằm sát bên bờ tả ngạn sông Hồng. Theo đường sông, Phố Hiến cách kinh đô Thăng Long khoảng 55 km. Trước đây, từ Thăng Long xuôi thuyền xuống Phố Hiến mất khoảng 2 ngày. Vị trí của Phố Hiến có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các tuyến giao thông đường thuỷ thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Mạch máu giao thương của Phố Hiến là sông Xích Đằng – đoạn sông Nhị Hà chảy sát Phố Hiến. Đây là nơi trung chuyển và là điểm tụ hội của những đoạn đường sông từ biển Đông vào tới kinh thành Thăng Long.

Thương cảng trù phú

Từ thế kỷ XVI, thời nhà Lê, nông nghiệp và thủ công nghiệp nước ta phát triển mạnh mẽ, tạo ra rất nhiều sản phầm hàng hóa, nhu cầu mua bán trao đổi tăng lên. Phố Hiến nhờ tọa lạc ở nơi thuận lợi giao thương cả đường thủy lẫn đường bộ nên đã thu hút hàng hóa đến đây trao đổi, hình thành khu đô thị thương nghiệp lớn, không chỉ giao thương trong nước mà còn xuất nhập khẩu ra thế giới.

Bến cảng Phố Hiến là nơi các tàu thuyền ngoại quốc lưu đỗ để làm thủ tục kiểm soát và xin giấy phép đi tiếp tới Kinh đô. Cùng với bến cảng sông là các khu chợ khá sầm uất như chợ Vạn ở bến Xích Đằng, chợ Hiến bên cạnh lị sở Sơn Nam, chợ Bảo Châu… Những chợ này đã vượt khỏi khuôn khổ những chợ địa phương để chở thành các chợ liên vùng. Thuyền bè từ Thăng Long – Kẻ Chợ và các trấn gần xa trong nước cũng như nước ngoài đã đến đây buôn bán, trao đổi hàng hoá.

Mô phỏng quang cảnh đông đúc, nhộn nhịp tại thương cảng Phố Hiến

Thời vàng son ở Phố Hiến, nơi bán buôn trù phú nhất là các phố phường của Hoa kiều. Khi nhà Minh mất, nhà Thanh lên thay, nhiều người Hoa không theo nhà Thanh nên quyết định bỏ sang Đại Việt. Nhiều người đã chọn đến sinh sống ở Phố Hiến, khiến cho nơi đây càng thêm nhộn nhịp. Trước đây người Hoa chỉ ở làng Hoa Dương, nay mở rộng thêm làng Hoa Điền và Hoa Cái.

Thương khách Nhật cũng đến ở thương cảng này từ đầu thế kỷ XVII. Sau khi Nhật Bản có lệnh toả quốc, nhiều người Nhật quyết định ở lại Phố Hiến. Ngoài buôn bán, họ làm thêm nhiều nghề như hoa tiêu, phiên dịch, môi giới…

Người Hà Lan, Bồ Đào Nha cũng đến Phố Hiến rất sớm. Năm 1626, giáo sĩ Baldinotti đã đến Phố Hiến rồi vào Thăng Long, mở đầu làn sóng thương nhân Bồ Đào Nha đến đất này.

Người Pháp cũng theo sông Hồng đến đây. Năm 1680, họ lập thương điếm ở thương cảng này cùng với các thương điếm Anh, Hà Lan. Vừa giao thương, người Pháp vừa truyền giáo và xây dựng nhiều công trình mà đến nay vẫn còn lưu dấu tích bên bờ sông Hồng…

Giữa thế kỷ XVII là thời kỳ phát triển cực thịnh của Phố Hiến. Phố Hiến trở thành trung tâm kinh tế với nhiều đầu mối giao thương quốc tế, trên sông tấp nập thuyền bè đi lại và đỗ bến, phố chợ đông đúc. Các văn bia ở chùa Hiến (1709) và chùa Chuông (1711) đã ghi lại, Phố Hiến thời đó có khoảng 20 phường với 13 phố và 32 tên cửa hiệu, thương điếm như tiên miếu, hậu trường, tân thi, tân khai…

Các mặt hàng nhập về gồm có: Thuốc bắc, kim chỉ, gấm, vàng quỳ, bạc quỳ, giấy hoa tiên, mực nho, bút lông, chè bao, phấn sáp, cao đơn, táo tàu, hồng tàu, bát đĩa, ấm chén…

Hàng xuất khẩu từ các địa phương gồm có tơ lụa, gạo thóc. Hàng xuất khẩu thủ công gồm đồ hộp, khay, đồ khảm, đồ nan, đồ thờ, đồ gỗ sơn, cùng các hàng thủ công khác của người Hoa. Hàng miền núi xuất khẩu gồm thuốc nam, sơn, thảo quả, sa nhân, tiêu hồi, quế chi, gạc hươu, xương hổ, xương khỉ.

Sách “Lịch triều dư địa chỉ” ghi chép rằng: “Các hàng hóa nước ngoài khi nhập khẩu, đều phải nộp thuế, gọi là “thuế tuần”. Để đảm bảo nguồn thu thuế vào các hàng hóa ngoại nên đã đặt một đồn thuế chính ở thôn Xích Đằng và đặt một đồn thuế phụ ở bến Kê Châu (Kim Động). Thuế hàng ngoại người nước ngoài phải nộp bằng hiện vật nên đã lập ra một kho hàng bên cạnh đồn thuế chính đều ở thôn Xích Đằng”.

Người góp công lớn nhất cho sự trù phú của Phố Hiến chính là các thợ thủ công và thương nhân người Việt, người Hoa, Nhật Bản và phương Tây. Triều đình cho họ ở các khu phố riêng dành cho người Hoa, người Nhật và người nước ngoài. Ở đây dần xuất hiện các công trình mang phong cách kiến trúc đa dạng của người Hoa và người phương Tây. Phố Hiến không chỉ là trung tâm giao thương kinh tế mà còn là một trung tâm văn hóa lớn thời bấy giờ.

Suy thoái và chìm vào quên lãng

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự sa sút trong các hoạt động buôn bán của Phố Hiến là do sự bồi đắp của sông Hồng. Đầu thế kỷ XVIII, hệ thống đê điều sông Hồng ngày càng được hoàn thiện đã hạn chế phù sa chảy vào đồng ruộng, để nó tự bồi lắng trên chính lòng sông. Bến cảng Phố Hiến cũng bồi lắng nên việc bốc dỡ hàng hóa trở nên khó khăn.

Mặt khác, lúc này tình hình chính trị khu vực và hệ thống kinh tế thương mại biển Đông cũng đã có những chuyển biến. Các nước Nhật, Trung Quốc sau thời gian toả quốc đã mở cửa thông thương thoáng hơn, làm cho Phố Hiến bị cạnh tranh khốc liệt.

Những biến động chính trị – xã hội Việt Nam cũng góp phần làm Phố Hiến suy thoái. Kinh thành phát triển ở Huế cùng với cảng Thuận An, rồi những dòng Hoa kiều phải thay đổi nơi chốn kinh doanh trong các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu làm cho Phố Hiến chìm vào quên lãng. Các thương điếm phương Tây ở Phố Hiến và Kẻ Chợ lần lượt đóng cửa, các tàu buôn phương Tây hầu như rất ít còn lại vùng Đàng Ngoài.

Sang đến thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, vai trò một đô thị kinh tế, một thương cảng quốc tế của Phố Hiến giờ đây không còn nữa.

Năm 1804, dưới thời Gia Long, trấn lị Sơn Nam thượng từ Phố Hiến đã được di chuyển về Châu Cầu (Phủ Lý). Năm 1831, với cuộc cải cách của vua Minh mạng, tỉnh Hưng Yên được thành lập trên địa bàn Phố Hiến cũ, mang nhiều chức năng quân sự, nhưng đã mất đi hoàn toàn vai trò kinh tế.

Dấu tích Phố Hiến xưa

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Phố Hiến vẫn bảo tồn được hơn 100 di tích văn hóa có giá trị, trong đó có 18 di tích được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2408/QĐ-TTg, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích Phố Hiến.

Thương cảng Phố Hiến vang bóng một thời nay chính là dải bãi bồi từ thôn Đằng Châu (xã Lam Sơn) đến thôn Nễ Châu (phường Hồng Châu) trên một diện tích khoảng chừng 5km2 ở thành phố Hưng Yên.

Cùng chuyên mục
Tin khác