Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đóng góp vô cùng quan trọng cho phát triển nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng một bộ phận DN FDI bỏ trốn đã gây nên nhiều hệ luỵ cho xã hội. Trong khi chính quyền địa phương lúng túng xử lý thì người lao động rơi cảnh bơ vơ, mất lương; cơ quan Bảo hiểm xã hội, công ty cho thuê mặt bằng ngậm ngùi vì bị quỵt tiền.
Tháng 6/2015, gần 440 công nhân Công ty TNHH Gmie (Bắc Ninh) ngỡ ngàng bởi đến giờ làm việc thì công ty bỗng "vườn không nhà trống". Lương tháng trước đó, họ vẫn chưa kịp nhận. Nhiều ngày sau đó, công nhân liên tục đứng chờ ở cổng công ty trông ngóng cơ quan chức năng thông báo về chủ DN, nhưng càng chờ càng vô vọng.
Đây chỉ là một trong hàng loạt các DN FDI bỏ trốn mà Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) gửi trát tìm chủ đầu tư. Một số công ty khác như: Công ty TNHH Tsoca Vina (khu công nghiệp Biên Hoà 2), Công ty TNHH Kỹ nghệ J&V (khu công nghiệp dệt may Nhơn Trạch)… ra đi cũng để lại khoản nợ bảo hiểm lên tới 500-600 triệu đồng.
Để tiếp tục tìm hiểu về hệ luỵ khi chủ DN FDI bỏ trốn, chúng tôi tìm đến cụm công nghiệp Ngọc Lâm (Mỹ Hào, Hưng Yên). Trước đó, người dân và DN trong cụm công nghiệp này bàng hoàng bởi lãnh đạo Công ty TNHH Sina Imtech bỗng dưng mất tích.
"Công ty Sina Imtech chủ yếu sản xuất thiết bị điện tử như pin, sạc điện thoại. Giám đốc bỏ trốn, máy móc do ngân hàng siết nợ hết rồi. Khi tham gia niêm phong, tôi thấy hầu hết đều là máy móc cũ, lạc hậu. Công ty Hưng Thành đòi mặt bằng, nên số máy móc do ngân hàng chuyển đi thanh lý. Công nhân bị nợ lương cũng đành chịu", ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng Công an xã Ngọc Lâm kể lại.
Ngoài công nhân bị quỵt lương, mất tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), Công ty Hưng Thành - đơn vị cho thuê mặt bằng, cũng mất số tiền thuê mặt bằng gần 2 năm chưa thanh toán của Sina Imtech. "Số tiền thuê mặt bằng chúng tôi bị quỵt khá lớn nhưng cũng không biết kêu ai vì có kêu cũng không xử lý được. Khi họ bỏ trốn, hoá ra giám đốc cũng là đi thuê. Kêu nhiều lại mất uy tín của công ty mình", đại diện Công ty Hưng Thành bức xúc.
Theo thống kê của BHXH huyện Mỹ Hào, đến nay, Sina Imtech nợ hơn 620 triệu đồng. Sau khi công ty đóng cửa, công nhân nhiều lần tìm đến xin giải quyết nhận lại sổ bảo hiểm để nộp vào công ty mới nhưng không thể giải quyết.
"Đúng quy định, khi công ty quyết toán hết số nợ BHXH, chúng tôi mới chốt sổ và trao trả cho người lao động. Đến nay, giám đốc công ty bỏ trốn, sổ bảo hiểm cũng thất lạc, không biết ai đang cầm. Không có sổ, và còn nợ tiền nên chúng tôi không thể chốt sổ cho người lao động", bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc BHXH huyện Mỹ Hào cho biết.
Theo bà Dung, BHXH có hướng dẫn người lao động làm giấy xác nhận của UBND xã về việc DN bỏ trốn để làm hồ sơ xin cấp lại sổ BHXH. Nhưng thủ tục phức tạp, sau khi được hướng dẫn, đa số người lao động bỏ luôn sổ BHXH này.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến hết tháng 5/2013, cả nước có 518 DN FDI vắng chủ, với tổng vốn đăng ký hơn 900 triệu USD. Con số DN FDI bỏ trốn ở các địa phương qua các năm đều có nhưng từ 2013 đến nay chưa có tổng hợp chung gửi về Bộ KH&ĐT.
Hai năm gần đây, các sở KH&ĐT liên tục thu hồi giấy phép đầu tư của dự án bỏ trốn, cho thấy sự quyết liệt, giải quyết xoá bỏ dự án không hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo quy định, sau 90 ngày kể từ khi đăng tải thông tin, nhà đầu tư không liên lạc, sở KH&ĐT các tỉnh sẽ làm thủ tục chấm dứt dự án theo quy định. Để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, các sở KH&ĐT khá mạnh tay chấm dứt dự án FDI ngưng hoạt động hoặc giải ngân chậm, không hiệu quả.
Tại Đồng Nai, đến 8/2016 còn 26 dự án FDI ngưng hoạt động với tổng số vốn 133 triệu USD. Trong đó chỉ có 2 dự án chưa giải ngân vốn, còn lại 24 dự án đã giải ngân một phần vốn đăng ký. Trước đó vào cuối năm 2015, tỉnh này cũng tiến hành thu hồi hơn 37 dự án FDI. Trong đó có 22 dự án vắng chủ, phần lớn các dự án đã ngưng hoạt động trên 5 năm.
Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Nai cho biết, hiện có 2 nơi quản lý DN FDI là Ban quản lý các khu công nghiệp và Sở KH&ĐT. Một số DN do điều kiện kinh doanh thua lỗ, gặp khó khăn về vốn, điều kiện bất lợi nên đành chấm dứt hoạt động. Với DN bỏ trốn, sở liên lạc với lãnh sự quán, đề nghị họ can thiệp tìm nhà đầu tư. Nếu không tìm được sẽ xử lý theo đúng luật của Việt Nam.
Để giảm thiểu tình trạng DN FDI bất ngờ bỏ trốn, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) - ông Phan Hữu Thắng cho rằng, địa phương cần kiểm tra, sàng lọc và phân luồng dự án. Ví dụ dự án kinh doanh, nộp thuế đầy đủ cho vào luồng xanh. Dự án có dấu hiệu kinh doanh không hiệu quả, chậm nộp thuế xếp vào "luồng đỏ"; cơ quan thuế, hải quan có số liệu thống kê, báo cáo lên UBND tỉnh, thành phố để lưu tâm, hạn chế việc chủ DN bất ngờ bỏ trốn.
"Có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý đầu tư, thuế, hải quan, BHXH, UBND các tỉnh chắc chắn hạn chế và chấm dứt tình trạng DN bỏ trốn. Từ đó không còn cảnh người lao động bơ vơ, cơ quan chức năng mỏi mắt tìm nhà đầu tư", ông Thắng nói.
Dự án "bánh vẽ" tỷ đô chết yểu
Trên thực tế, có rất nhiều dự án đã và đang bị thu hồi do chủ đầu tư không triển khai hoặc chỉ giữ đất. Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án thép Guang Lian Dung Quất do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư. Dự án được cấp phép năm 2006 với số vốn đầu tư 556 triệu USD, sau nâng quy mô vốn lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn. Nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế đã giải tỏa, bàn giao 337ha đất.
Tháng 7/2015, Guang Lian đã gửi văn bản lên tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận không thể thu xếp được nguồn tài chính tiếp tục thực hiện dự án. Công trình do đó đã dừng hoạt động từ giữa năm 2014 đến nay. Tính đến tháng 9/2014, dự án mới được đầu tư được 42 triệu USD.
Trong khi đó, ngân sách Nhà nước đã tạm ứng 175 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng sạch. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần họp bàn về việc chấm dứt dự án, đề nghị thu hồi diện tích đất đã cấp, thực hiện thanh lý tài sản để tránh gây lãng phí mặt bằng.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều dự án "bánh vẽ" của nhà đầu tư nước ngoài. Ở các địa phương khác cũng phải thu hồi nhiều dự án tương tự. Như tỉnh Khánh Hoà đã thu hồi dự án trên bãi biển Phượng Hoàng của Công ty TNHH Dewan International (Hồng Kông), vốn đầu tư 1,25 tỷ USD.
Lý do thu hồi dự án do nhà đầu tư không góp vốn điều lệ theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 20/8/2014. UBND tỉnh Bình Định cũng rút giấy phép đầu tư của dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các loại máy nông nghiệp cùng các dịch vụ hỗ trợ trên diện tích 50ha tại KCN Nhơn Hoà, thị xã An Nhơn….
Đánh giá về các siêu dự án tỷ USD nhưng chậm tiến độ, bị thu hồi giấy phép, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng: "Để phản ánh đúng tình hình FDI của nước ta, Bộ KH&ĐT nên chỉ đạo các địa phương kiểm tra toàn diện tình hình các dự án chưa triển khai để phân thành 2 loại: dự án có khả năng thực hiện và dự án không thể triển khai. Từ đó, tập trung đôn đốc các dự án triển khai và loại bỏ dự án không có khả năng. Nhất là các dự án có vốn đầu tư lớn, cần xem xét kỹ trước khi cấp phép, tránh lãng phí nguồn đất đai, cơ hội của nhà đầu tư khác".
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để hạn chế vốn FDI ảo, đặc biệt là nhà đầu tư ôm đất phải đánh thuế luỹ tiến. Nhà đầu tư 3 năm không làm gì với dự án thì phải đánh thuế tăng 3-4 lần. Chiến lược thu hút FDI của Việt Nam cũng nên thay đổi, đừng chú trọng số lượng mà chú trọng chất lượng.
"Chúng ta phải tìm kiếm nhà đầu tư tốt, chiến lược dài hạn, lựa chọn, xây dựng chiến lược đầu tư với các nhóm ngành nghề, từ đó thu hút nhà đầu tư phù hợp. Trước khi cấp phép, cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ về công nghệ, quá trình hoạt động ở nước ngoài của nhà đầu tư ra sao, chứ không cấp phép ồ ạt. Tránh việc chạy theo sau xử lý hậu quả", ông Thiên nói.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.