Chủ tịch Biwase: 'Kinh doanh nước sạch không thể 'ăn xổi ở thì''

Thu Hương - 24/01/2020 09:16 (GMT+7)

Công ty Cổ phần Nước Môi trường Bình Dương (Biwase) là doanh nghiệp cổ phần hóa tương đối sớm và hoạt động khá hiệu quả, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước sạch của Bình Dương, một địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và tăng dân số. Câu chuyện về kinh doanh nước sạch mà ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase, người đã gắn bó với Công ty gần 30 năm qua chia sẻ, đem lại nhiều thông tin hữu ích cho các địa phương đang gặp vấn đề về nước sạch.

VNF
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase

- Biwase là doanh nghiệp được độc quyền cấp nước ở Bình Dương?

Không có sự độc quyền nào hết. Trước đây, Nhà nước đầu tư nhà máy nước, nhưng tiền của Nhà nước có giới hạn mà nhu cầu nước sạch rất lớn và ngày càng tăng, nên nhiều công ty bỏ vốn ra làm.

Ở Bình Dương trước đây, mỗi huyện, thị xã đều có một doanh nghiệp cấp nước, vì vậy, cạnh tranh trên thị trường cung cấp nước sạch rất quyết liệt.

Khi các nhà máy nước khác không làm ăn được, phải tự đóng cửa thì chúng tôi đến cấp nước cho những vùng đó thôi.

Bình Dương là như vậy và nhiều địa phương khác tôi biết cũng như vậy. 

Cạnh tranh trong ngành cấp nước cũng như các ngành khác thôi. Ai làm tốt thì giành được thị phần, không làm tốt thì sẽ phá sản.

Tôi được biết, vài năm qua, cũng có mấy hồ sơ xin đầu tư vào ngành cấp nước nộp lên UBND tỉnh Bình Dương, nhưng nhà đầu tư sau khi khảo sát thực tế thấy ở đâu cũng có hệ thống cấp nước sạch của Biwase đã từ bỏ ý định.

Khi Biwaco mới thành lập, chúng tôi đã đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm và nhận thấy, nước sạch là mặt hàng mua bán theo cơ chế thị trường, thỏa thuận giữa người mua và người bán.

Nhưng nước sạch cũng là mặt hàng đặc biệt ở chỗ nó thiết yếu, phục vụ đời sống hàng ngày, có Nhà nước quản lý chất lượng thì người dân mới bớt tiền thuốc do đau bệnh, vì thế, mình phải làm hết trách nhiệm.

- “Làm hết trách nhiệm”, điều đó được triển khai trên thực tế cụ thể ra sao?

Từ nhận thức trên, chúng tôi chú trọng tới việc đầu tư vào con người có trình độ chuyên môn, sau đó mới bắt đầu xây dựng quy hoạch nhà máy nước.

Về quy hoạch nhà máy nước, muốn hệ thống cấp nước ổn định, bền vững, phải xác định nguồn nước thô an toàn.

Nước thô bị ô nhiễm là câu chuyện diễn ra ở nhiều địa phương. Nếu nước thô không tốt, chúng ta có thiết bị xử lý nước và về nguyên tắc, cái gì cũng xử lý được, nhưng chi phí quá cao và độ rủi ro lớn, vì chỉ cần sơ sẩy về thiết bị là rủi ro nước không đạt chất lượng xuyên qua hệ thống đến người tiêu dùng liền.

Nên thay vì lấy nước gần, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận chi phí đầu tư lớn hơn để lấy nước từ nguồn xa nhưng sạch hơn.

Tiếp theo là phải chọn công nghệ xử lý nước cho nhà máy thích hợp để chất lượng nước đầu ra ổn định.

Mạng lưới đường ống dẫn nước cũng phải chắc chắn, không để hư hỏng nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp nước.

Nhu cầu nước sạch tính bằng phút, bằng giây nên phải đảm bảo cấp nước sạch liên tục và an toàn. Tất cả các dịch vụ đó tất nhiên sẽ được tính vào giá thành, nhưng phải hợp lý.

Số liệu của chúng tôi cho thấy, mỗi hộ gia đình Bình Dương hiện nay bình quân sử dụng 22,5 m3 nước/tháng.

Với mức giá 9.500 đồng/m3, tiền nước của mỗi hộ rơi vào khoảng 200.000 đồng/tháng.

Tôi cho rằng, giá nước sạch là sự hài hòa giữa người mua và người bán, dịch vụ càng tốt thì bán càng tốt. Làm sao để người dân, doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi cứ alo là có nước.

Chúng tôi có quy chế dịch vụ khách hàng, theo đó, các khách hàng gặp vấn đề về nước chỉ cần gọi điện thoại báo là trong vòng 1 giờ sau sẽ có nhân viên của Công ty tới xử lý. Khách hàng là hộ nghèo có thể được hỗ trợ miễn giảm tiền nước.

Chúng tôi tiết kiệm những chi phí khác để bù vào đây. Bù lại, khi chúng tôi làm tốt dịch vụ, khách hàng có thiện cảm với Công ty, việc sử dụng và thanh toán tiền nước tốt.

- Theo ông, vì sao cổ phần hóa doanh nghiệp nước ở nhiều tỉnh, thành phố khác lại chậm, thậm chí có ý kiến cho rằng, Nhà nước nên giữ cổ phần chi phối nhà máy nước, trong khi Biwase cổ phần hóa từ hơn 3 năm trước và Nhà nước hiện không còn giữ tỷ lệ cổ phần chi phối?

Cổ phần hóa chậm, theo tôi, có thể là do nhiều địa phương chưa hình dung được sau cổ phần hóa công ty nước sẽ hoạt động như thế nào.

Không lường hết được nên chần chờ không dám làm, không dám đi tới. Nhưng thực tế cho thấy, khi làm được thì sẽ khỏe hơn vì Nhà nước không ôm đồm, bỏ vốn đầu tư hàng năm, nếu lỗ phải bù.

Nhìn từ Biwase, khi chưa cổ phần hóa, mỗi khi chúng tôi muốn phát triển mạng lưới thì phải chờ kinh phí nhà nước, quy trình thủ tục đầu tư cũng không dưới 2 năm từ khâu xin chủ trương lập dự án thiết kế, đất đai...

Nhưng khi cổ phần hóa rồi, doanh nghiệp như có đòn bẩy tự chạy. Chỉ cần Hội đồng quản trị họp hàng quý là có thể quyết định đầu tư, tự lo kế hoạch vốn, rút ngắn thời gian triển khai đầu tư còn 3 - 5 tháng là có thể thi công.

Trong chưa đầy 6 tháng qua, Biwase đã khởi công nhiều nhà máy đáp ứng cho mùa nắng 2019 - 2020 và những năm tiếp theo.

Nếu vẫn còn là doanh nghiệp nhà nước với quy trình đầu tư phụ thuộc, có khi tới cuối năm 2020, chúng tôi mới khởi công được dự án thì sẽ thiếu nước 1 năm.

Thiếu nước sẽ ảnh hưởng ngay đến đời sống người dân và thu hút đầu tư phát triển kinh tế của địa phương.

- Vậy theo ông, chính quyền địa phương có vai trò như thế nào trong hoạt động cấp nước sạch cho người dân?

Vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong đảm bảo nước sạch, giá cả hợp lý. Nếu chính quyền địa phương quản lý chỉ đạo khách quan, rốt ráo, cụ thể thì các vấn đề về nước khó xảy ra.

Chính quyền đặt ra các tiêu chí ví dụ như anh làm sao thì làm, xung quanh anh người ta giá đó thì anh cũng giá đó.

Chính quyền phải nắm được quy hoạch, công suất nước nhà máy như thế nào, doanh nghiệp có vốn không, vay vốn ở đâu. Chính quyền và doanh nghiệp cấp nước phải thông tin qua lại và có trách nhiệm liên đới bởi đầu tư nước là đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội.

Mỗi tỉnh có một Phó Chủ tịch chịu trách nhiệm quản lý về nước, nhưng Chủ tịch tỉnh cũng biết mọi thứ, thường trực tỉnh ủy phải biết và mọi người phải biết để có hướng chỉ đạo.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đều biết câu chuyện về nước sạch, nhưng quan điểm của Công ty là không để lãnh đạo bận tâm về mình nhiều, tập trung vào việc khác còn đang khó khăn. Chính quyền giao nhiệm vụ, còn Công ty có trách nhiệm thực hiện. Không ý thức trách nhiệm tốt thì nay mai bị dẹp liền.

- Ông hình dung Biwase 10 năm nữa phát triển như thế nào?

Hình dung 10 năm thì hơi ngắn, vì tôi hình dùng đến 50 năm nữa. Ngày xưa, kế hoạch ngắn hạn là 5 năm, trung hạn 10 năm, dài hạn 20 năm. Bây giờ ngắn hạn là 10 năm, trung hạn là 20 năm và dài hạn là 50 năm.

Tốc độ tăng dân số không đổi, phát triển sản xuất không dừng thì nhu cầu nước tiếp tục tăng.

Ðầu tư ống dẫn nước nếu tính ngắn nay mai không thể đào lên đặt ống mới, vì chỉ cần đào lên là phải cắt nước thì làm sao phục vụ 24/24.

Ðó là điều không tưởng. Mà đặt ống tính cho tương lai 10 - 20 năm, thậm chí nhiều hơn, cho việc phát triển thì chôn một lượng vốn rất lớn, doanh nghiệp khó có sức chịu đựng về tài chính.

Do đó, phải tính sao vừa đủ sức chịu đựng của doanh nghiệp và ổn định lâu dài.

Như hiện nay chúng tôi đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho nước sạch nông thôn, phải 10 năm sau mới hòa vốn. Nên các công ty nước nợ dự án này chưa trả hết đã chồng nợ khác lên.

Phải tiết kiệm bằng mọi cách để trả lãi vay ngân hàng. Nếu tính ngắn hạn về sau là bí. Ngành cấp nước nếu hoạt động kinh doanh có tâm với nghề thì luôn ổn định về tăng trưởng và lợi nhuận.

Doanh nghiệp kinh doanh nước sạch lợi nhuận có thể đạt 15 - 20% hoặc hơn, nhưng cổ tức không bao giờ dám chia cao. Phải tích lũy để giải quyết các vấn đề về nợ. Doanh nghiệp nước sạch nào mà chia cổ tức cao thì phải cảnh giác vì có khi họ đẩy giá cổ phiếu lên, khi giá lên cao nhất thì họ bán. Ðó là những nhà đầu tư tài chính, họ “ăn xổi ở thì”, chứ không phải muốn gắn bó lâu dài với ngành nước.

Nếu chia cổ tức cao để hưởng lợi trước mắt thì người sau lĩnh đủ. Tầm nhìn của tôi không cho phép.

Tầm nhìn này xuyên suốt các bộ phận liên quan từ Hội đồng quản trị, Ðảng bộ đến Ban Kiểm soát, nhà đầu tư..., nên dẫn dắt lực lượng kế thừa ở Biwase trước tiên phải dẫn dắt về tầm nhìn, phương pháp đầu tư cuối cùng mới ra giải pháp tài chính.

Nếu không tính đường dài thì ngày mai mình sẽ đuối.

Theo TNCK
Cùng chuyên mục
Tin khác