Tài chính

Chủ tịch FiinGroup: 'Chúng tôi muốn tạo ra chuẩn mực mới trong ngành phân tích dữ liệu tài chính'

(VNF) - "Khát vọng của chúng tôi là tạo ra chuẩn mực mới trong ngành phân tích dữ liệu tài chính - chứng khoán. Riêng trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, chúng tôi mong muốn cùng các thành viên trên thị trường tạo một hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội địa của Việt Nam và điều này sẽ giúp cho cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường vốn Việt Nam", Chủ tịch HĐQT FiinGroup Nguyễn Quang Thuân chia sẻ với VietnamFinance.

Chủ tịch FiinGroup: 'Chúng tôi muốn tạo ra chuẩn mực mới trong ngành phân tích dữ liệu tài chính'

Chủ tịch HĐQT FiinGroup Nguyễn Quang Thuân

Thập kỷ mới 2021 - 2030 được kỳ vọng sẽ trở thành thời kỳ bứt phá của nền kinh tế Việt Nam, trong đó doanh nghiệp là lực lượng đóng vai trò cốt lõi trong tiến trình phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu vốn rất lớn của doanh nghiệp trong giai đoạn mới, việc phát triển thị trường tài chính phải là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, để phát triển bền vững các kênh huy động vốn, nhất là kênh huy động vốn qua trái phiếu, cần thiết phải phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm.

Xoay quanh chủ đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup - doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dữ liệu tài chính và là một trong hai đơn vị được cấp phép xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam với thương hiệu Fiin Ratings - về vấn đề phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam nói chung và khát vọng của FiinGroup trong thập kỷ mới nói riêng.

- Vì sao doanh nghiệp Việt cần xếp hạng tín nhiệm? Theo ông, trong tương lai, có cần thiết phải "phổ cập" xếp hạng tín nhiệm đến các doanh nghiệp Việt, cả doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup: Với các doanh nghiệp có kế hoạch đa dạng hóa nguồn vốn thông qua việc tham gia vào thị trường nợ, việc xếp hạng tín nhiệm độc lập là cần thiết. Bên cạnh hai kênh huy động vốn truyền thống là kênh tín dụng ngân hàng và kênh phát hành vốn cổ phần thì kênh huy động vốn qua thị trường nợ nói chung hay trái phiếu nói riêng đang trở nên phổ biến ở Việt Nam. Riêng năm 2020, kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp đã đạt gần 430 nghìn tỷ và hiện quy mô trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đã chiếm 10,3% dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Về dài hạn, kênh tín dụng ngân hàng sẽ khó đáp ứng đủ vốn đầu tư trung và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam hiện có nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam hiện rất lớn. Số liệu của chúng tôi từ 29 ngân hàng thương mại chiếm 86% dư nợ toàn hệ thống thì cơ cấu dư nợ dài hạn chiếm 31% tương đương 2,2 triệu tỷ đồng (khoảng 94 tỷ USD). Với quy mô phát hành mới 429,5 nghìn tỷ đồng năm 2020 (khoảng 18,5 tỷ USD), chiếm 19,5% dư nợ dài hạn vào cuối tháng 9/2020, sẽ rất khó để năng lực cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại có thể đáp ứng.

Trong khi đó, kênh huy động qua phát hành cổ phần thì không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi nó phụ thuộc diễn biến của thị trường chứng khoán. Nếu có tìm đến các kênh đầu tư vốn cổ phần của các quỹ đầu tư thì cũng đòi hỏi thời gian rất dài cho việc giao dịch, quá trình đàm phán vốn thường phải mất cả năm.

Huy động vốn qua thị trường nợ, trong đó có các công cụ qua việc phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi (đối với các định chế tài chính), đang trở thành xu hướng của các doanh nghiệp Việt Nam. Ở hầu hết các thị trường phát triển hơn Việt Nam thì quy mô thị trường nợ lớn hơn nhiều so với quy mô thị trường vốn, thậm chí lớn hơn cả kênh tín dụng trung-dài hạn của ngân hàng.

Thị trường nợ là thị trường của người mua là những người có tiền nhàn rỗi và thường rất dài hạn. Hơn nữa, đó là các sản phẩm có thu nhập cố định cũng như thiết chế của các quy định liên quan thường không chặt chẽ như kênh cổ phiếu hoặc vay ngân hàng. Do đó, thị trường sinh ra các đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập như Fiin Ratings.

Vai trò của chúng tôi là thực hiện các phân tích, đánh giá độc lập và cập nhật thường xuyên về sức khỏe tín dụng của các doanh nghiệp phát hành công cụ nợ đó và nhằm phục vụ các quyết định của nhà đầu tư vào các công cụ đó.

Về việc có nên “phổ cập” xếp hạng tín nhiệm đến các doanh nghiệp nhỏ hay không, theo tôi thì không cần phân biệt, cứ doanh nghiệp muốn tham gia thị trường nợ thì nên được khuyến khích sử dụng dịch vụ này. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc tham gia xếp hạng tín nhiệm cũng rất cần thiết, nhất là đối với các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hoặc có hoạt động thương mại thường xuyên với đối tác nước ngoài.

- Hiện nay mới chỉ có 2 doanh nghiệp có giấy phép xếp hạng tín nhiệm, trong đó có FiinGroup. Ông có cho rằng mong muốn "phổ cập" xếp hạng tín nhiệm đang là quá sức không? Theo ông, trong thập niên mới 2021 - 2030, mong muốn này liệu có thể hiện thực hóa với sự tham gia của nhiều cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong và ngoài nước?

Thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành, nhu cầu xếp hạng còn rất mới mẻ với doanh nghiệp. Fiin Ratings cũng chỉ đặt mục tiêu xếp hạng 20-30 nhà phát hành trong 2 năm tới, tập trung vào 4 nhóm ngành chính bao gồm: bất động sản, ngân hàng/ tài chính, năng lượng và hàng tiêu dùng. Đây là các ngành theo đánh giá của chúng tôi sẽ có nhu cầu vốn lớn nhất trong thời gian tới.

Dĩ nhiên, có thể từ năm 2023, sau khi yêu cầu của Nghị Định 155 triển khai Luật Chứng khoản Sửa đổi 2019 đi vào hiệu lực, nhu cầu xếp hạng tín nhiệm sẽ nhiều hơn và lúc đó chúng tôi hi vọng có thêm các đơn vị xếp hạng như Fiin Ratings để cùng tham gia phát triển thị trường này. Bởi một hoặc hai đơn vị thì không thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường, nhất là trong môi trường kinh doanh của Việt Nam thì không thể dựa vào mô hình dữ liệu hay máy tính đơn thuần được. Hầu hết các đánh giá đều phải dựa trên chuyên môn và sự am hiểu sâu sắc về ngành và đặc thù kinh doanh, chứ không có mô hình xếp hạng nào như trong sách giáo khoa hết.

Hiện theo quy hoạch của Chính phủ thì Việt Nam cũng sẽ giới hạn ở mức 3-5 đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa. Chúng tôi cũng mong muốn các đơn vị khác cùng phát triển hoặc có thêm các đơn vị xếp hạng khác được thành lập và cùng chung tay phát triển ngành này tại Việt Nam. 

- FiinGroup hướng đến tập trung xếp hạng tín nhiệm cho các doanh nghiệp lớn, vừa hay nhỏ?

Chúng tôi đang xếp hạng 3 nhà phát hành và dự kiến sẽ cùng doanh nghiệp công bố ra công chúng vào quý I/2021. Thực ra họ chưa phải là các doanh nghiệp lớn nhất trong ngành mà đều là các doanh nghiệp có quy mô vừa, có một chiến lược vốn rõ ràng, trong đó có hoạt động huy động chào bán trái phiếu ra công chúng trong năm 2021. Họ xác định rõ chiến lược vốn là qua thị trường nợ và kênh huy động vốn đại chúng trong bối cảnh lãi suất thấp và đặc thù kinh doanh của họ không có tài sản thế chấp lớn để có thể có được hạn mức tín dụng của ngân hàng.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu theo chuẩn của Việt Nam có doanh thu nhỏ hơn tầm 100 tỷ đồng, thì thực sự chưa phải là đối tượng tập trung của chúng tôi và quả thực phải tiết lộ là doanh nghiệp nhỏ quá trong ngành hoạt động mà lại không có lợi thế cạnh tranh và năng lực nổi bật so với các đơn vị đầu ngành thì phương pháp xếp hạng của chúng tôi cũng như theo chuẩn quốc tế nói chung là không thuận lợi. Lý do là việc xếp hạng đòi hỏi phải so sánh các năng lực của doanh nghiệp đó với bình quân của ngành hoạt động đó, trong có có các đơn vị đầu ngành - vốn có quy mô lớn hơn rất nhiều.

Thay vào đó, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi hiện cung cấp dịch vụ đánh giá tín dụng phục vụ chính các doanh nghiệp và đối tác thương mại của họ trong quan hệ hợp đồng xuất nhập khẩu, quan hệ phải thu phải trả cũng như phục vụ các nhà cung cấp dịch vụ liên quan như bảo lãnh, bảo hiểm thương mại, chiết khấu hóa đơn, tài trợ chuỗi cung ứng...

- Các quốc gia trên thế giới đã phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm thế nào? Theo ông, Việt Nam nên làm thế nào để phát triển thị trường này trong tầm nhìn 10 năm tới?

Các thị trường vốn phát triển trên thế giới đã có lịch sử gần 100 năm xếp hạng tín nhiệm, trong đó hiện nay có 3 đơn vị lớn mang tính quốc tế bao gồm S&P, Moody’s, Fitch, cùng với đó là các đơn vị xếp hạng mang tính chuyên ngành.

Các nước trong khu vực cũng đã có hàng chục năm phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm cùng với sự phát triển của thị trường vốn của họ, đồng thời duy trì khoảng 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa.

Ở Việt Nam, việc phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm cũng còn phụ thuộc vào quy mô của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán có thu nhập cố định. Hiện quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chiếm khoảng 15% GDP và chúng tôi dự báo quy mô thị trường này sẽ tăng trưởng rất nhanh và trong 10 năm tới có thể sẽ vượt quy mô của thị trường cổ phiếu giống như một số nước trong khu vực.

Với tầm nhìn như vậy, tôi cho rằng vai trò của xếp hạng tín nhiệm độc lập là thực sự cần thiết để thị trường vận hành minh bạch và hiệu quả.

- Theo ông, việc phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ đem lại lợi ích gì cho sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam?

Khi hầu hết các doanh nghiệp được tham gia vào thị trường nợ được xếp hạng và công cụ nợ của họ cũng được xếp hạng tín nhiệm, các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận rõ năng lực các nhà phát hành và trái phiếu của họ. Các giao dịch thứ cấp sẽ được thực hiện nhiều hơn và giúp thị trường định giá được các công cụ nợ này. Điều này không những giúp thị trường nợ phát triển mà còn giúp ngành ngân hàng triển khai đầy đủ việc quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế ví dụ phương pháp chuẩn (standardised approach - dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập) thay vì chỉ áp dụng phương pháp thẻ điểm nội bộ của chính tổ chức tín dụng.

Việc xếp hạng và phân loại đó cũng giúp cho ngành quản lý quỹ phát triển hơn, đặc biệt là các mô hình quản lý quỹ mới mà Việt Nam chưa phát triển như quỹ trái phiếu hoặc chưa xuất hiện như quỹ mạo hiểm và đặc biệt là mô hình quỹ hưu trí.

Ví dụ hiện tại, quy định của Việt Nam là hạn chế các quỹ đầu tư phân bổ tài sản vào danh mục trái phiếu và chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn niêm yết hay chưa niêm yết. Khi các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm thì các quy định hiện nay có thể thay đổi theo hướng dựa trên tiêu chí chất lượng từ xếp hạng tín nhiệm, chẳng hạn không hạn chế nhóm trái phiếu “đạt chuẩn đầu tư” trở lên, chỉ hạn chế việc các quỹ không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào nhóm “mang tính đầu cơ” hay còn gọi là “junk bonds” như thông lệ quốc tế.

Việc hình thành và phát triển ngành xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ giúp tạo ra một hệ thống xếp hạng nội địa của Việt Nam và phục vụ các nhà đầu tư nội địa cũng như nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam, qua đó giúp phần giải quyết vấn đề “trần tín nhiệm quốc gia” do các tổ chức quốc tế áp đặt.

Hiện Việt Nam có mức xếp hạng quốc gia là BB (theo S&P) và Ba3 (theo Moody’s). Đây là mức rủi ro cao hay có tính đầu cơ, nên họ thực hiện theo phương pháp xếp hạng và tiêu chí mang tính quốc tế nên việc các doanh nghiệp Việt Nam bị áp trần xếp hạng này nếu như thực hiện xếp hạng theo tiêu chuẩn của họ. Đó là điều bất lợi và chỉ phục vụ các nhà đầu tư mang tính toàn cầu.

Theo phương pháp của họ, chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam nào thực sự có nguồn thu lớn ngoài lãnh thổ Việt Nam thì mới có cơ hội xếp hạng tín nhiệm cao hơn mức trần tín nhiệm quốc gia.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng nếu không có hệ thống xếp hạng nội địa thì toàn bộ các mức xếp hạng từ mức trần quốc gia này trở lên là khu vực “điểm mù” cho nhà đầu tư vào trái phiếu tại Việt Nam. Theo chúng tôi đó là điều bất cân xứng về thông tin và làm cho thị trường khó phát triển, nhất là các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước khi tham gia vào thị trường này.

- Chi phí xếp hạng tín nhiệm có phải là rào cản để phát triển thị trường không? Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất?

Rào cản lớn nhất theo chúng tôi đó là làm sao việc tham gia xếp hạng tín nhiệm đem lại giá trị cho doanh nghiệp chứ không hoàn toàn là vấn đề phí xếp hạng. Đó có thể là qua việc xếp hạng, doanh nghiệp tự xác định được các cải thiện cần thiết về định vị chiến lược của họ trong ngành, về quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, về cơ cấu vốn, về công tác minh bạch thông tin ra thị trường và quan trọng hơn cả là việc được thị trường chấp nhận một mức chi phí vốn hợp lý với điểm tín dụng của doanh nghiệp thay vì “cào bằng” giữa các doanh nghiệp mạnh và yếu như hiện nay.

Về phí xếp hạng, hiện trên thế giới có hai mô hình thu phí của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm: một là mô hình thu phí nhà phát hành, hai là mô hình thu phí nhà đầu tư. Tuy nhiên, do điều kiện về môi trường thông tin và mặt bằng về quản trị doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng sẽ chủ yếu tập trung vào thu phí doanh nghiệp phát hành, giống như việc doanh nghiệp đồng ý trả phí cho các đơn vị kiểm toán độc lập trong việc đưa ra ý kiến kiểm toán về các báo cáo tài chính của họ.

Do đó, chi phí xếp hạng đúng là một rào cản mà doanh nghiệp sẽ phải xem xét trong mối tương quan với lợi ích mà nó đem lại, ví dụ như việc xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp có thể cải thiện hồ sơ của họ trên thị trường vốn và tiếp cận được nhiều hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước và có thể, với chi phí vốn thấp hơn.

Điều này tùy thuộc vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, nhất là chiến lược thị trường vốn. Một chiến lược vốn mang tính “đại chúng” đồng nghĩa với việc chi phí giao dịch và tuân thủ tăng lên, cũng như chấp nhận việc cam kết về minh bạch thông tin và hướng tới việc xây dựng hồ sơ tín dụng tốt trên thị trường vốn nói chung và thị trường nợ nói riêng.

- Khát vọng của FiinGroup trong 10 năm tới là gì và đâu là thách thức lớn nhất? Xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò như thế nào trong hành trình thực hiện khát vọng này, thưa ông?

FiinGroup chúng tôi thì định vị rõ là một đơn vị chuyên về phân tích dữ liệu và cung cấp các dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu bao gồm xếp hạng tín nhiệm. Ngành này ở Việt Nam còn rất mới mẻ và trên thế giới với nhiều tên tuổi như Refinitiv, S&P, Moody’s, Dun & Bradstreet...

Khát vọng của chúng tôi là tạo ra chuẩn mực mới trong ngành phân tích dữ liệu tài chính - chứng khoán. Riêng trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, chúng tôi mong muốn cùng các thành viên trên thị trường tạo một hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội địa của Việt Nam và điều này sẽ giúp cho cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường vốn Việt Nam, cũng là góp phần bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

Mô hình của chúng tôi đòi hỏi sự kết hợp của hai yếu tố: chuyên môn tài chính chuyên sâu và ứng dụng công nghệ vào việc xây dựng các nền tảng tự động hóa việc phân tích. Thường các doanh nghiệp sẽ đi ở một trong hai hướng nhưng mô hình của chúng tôi đòi hỏi đầu tư cả hai lĩnh vực và do đó, thách thức lớn nhất là cho ra được các sản phẩm phân tích dựa trên nền tảng công nghệ để chinh phục được người dùng.

Hơn nữa, các dịch vụ của chúng tôi đòi hỏi thời gian để có thể thuyết phục được thị trường nội địa khi mà thói quen dùng dữ liệu và phân tích độc lập còn chưa cao. Với sự phát triển của khối dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tôi tin mảng kinh doanh này sẽ góp phần vào tăng trưởng mạnh của FiinGroup trong 5 năm tới đây.

Tin mới lên