Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh: 'Muốn không gặp sóng gió hay bão thì vô ao!'

Hoàng Ly - 07/09/2018 13:52 (GMT+7)

Trong khi trả lời phỏng vấn, ông Trần Quí Thanh không từ chối câu hỏi nào dù đó là chuyện nhạy cảm. Người đàn ông 62 tuổi chia sẻ "không có thói quen ân hận, oán trách hay đổ lỗi cho ai "vì chả có lợi gì cả" mà luôn nhìn về phía trước.

VNF
Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh.

Tính cách hình thành từ cô nhi viện

- Khi còn nhỏ, ông có nhiều năm sống ở cô nhi viện. Điều này có ảnh hưởng gì đến tính cách và cuộc sống của ông sau này?

Tôi nghĩ tính cách con người hình thành từ bé qua những áp lực, phản ứng mà mình phải thực hiện để tồn tại. Thời kỳ ở cô nhi viện giúp tôi hình thành nên tính kỷ luật, vô đó không có chuyện nhõng nhẽo, giờ giấc ăn uống, học hành, nghi lễ đều rất nghiêm.

Thêm nữa là ở cô nhi viện muốn tồn tại thì phải làm tốt và phải “chiến đấu”; ở đây là vừa phải làm tốt với nội quy, vừa phải “chiến đấu” với bạn học. Ở đó, mọi người có xu hướng ăn hiếp lẫn nhau nên mình phải có cách để tồn tại. Cũng nhờ điều này giúp tôi hình thành thói quen không đổ lỗi cho ai cả, đụng vấn đề là nhìn thẳng để tìm giải pháp thôi.

- Phải chăng cũng vì thời gian dài phải sống theo kiểu “chiến đấu” ở cô nhi viện mà ông hình thành nên tính cách kiểu “đại ca” như con gái ông từng chia sẻ?

Những năm sống ở cô nhi viện đã khiến tôi hình thành tính cách là không đầu hàng, không bỏ cuộc và làm gì cũng phải đàng hoàng. Có lẽ vì những điều đó mà người ta gọi là “đại ca”. Tôi cũng hay nói với các con là có vấn đề thì từ từ giải quyết, vấp ngã đứng dậy đi tiếp, chắc chắn sẽ tới. Ta chỉ thất bại khi nghĩ là làm không được và bỏ cuộc.

- Từng khổ sở ở cô nhi viện khi còn nhỏ, sao ông lại khắc nghiệt với con cái mình trong khi nhà cũng “có điều kiện”?

Cái nhìn của con cái là thấy khắc nghiệt còn cái nhìn của tôi khác. Tôi vẫn quan niệm là con người ta sinh ra không có năng lực gì cả. Năng lực là do đào tạo huấn luyện mà thôi, nên những người có năng lực rất cao chắc chắn phải rèn luyệt rất dữ.

Trong quân đội người ta có câu là “sa trường đổ mồ hôi thì chiến trường bất đổ máu”. Không rèn luyện làm sao một đứa thanh niên nhà giàu có thể đi bộ mấy chục km được, phải tập luyện thôi. Đưa vào môi trường rèn luyện hết mức thì con người ta mới phát huy được hết năng lực.

- Vì sao ông lại nghĩ “con người ta sinh ra vốn không có năng lực gì”?

Cùng chỉ có 2 tay, 2 chân nhưng nhiều người tạo nên kỳ tích, và rất nhiều thành công, vì sao vậy? Kể cả những vận động viên Olympic đoạt huy chương vàng thì trước đó không phải ai trong số họ cũng khỏe mạnh.

Thế nhưng, họ đam mê, trung thành với mục tiêu, và tập luyện kiên trì cho tới khi đạt được ước mơ. Thế giới còn có thanh niên không có tay, không có chân mà vẫn đi thuyết trình khắp thế giới, thậm chí còn đá bóng được. Tại sao họ làm được điều đó?

Để làm được, họ đã phải vấp ngã cả nghìn lần rồi nhưng vẫn chịu được và tiếp tục đứng lên đi. Chứ ngã mà không đứng lên thì hỏng rồi còn đâu.

Bài học lớn nhất từ "cuộc khủng hoảng con ruồi"

- Trong thời gian Tân Hiệp Phát gặp “cuộc khủng hoảng con ruồi”, thời điểm nào ông cảm thấy chán nản nhất?

Thật ra tôi không có khái niệm chán, chỉ có khái niệm vấn đề và giải pháp thôi. Khi gặp chuyện con ruồi, ban đầu tôi thấy nó vô duyên, tưởng nó nhỏ và biết không có thiệt nên chủ quan, không quan tâm đúng mức.

Cuộc khủng hoảng đó không phải về chất lượng sản phẩm mà là việc khác. Thực tế, số người chống đối Tân Hiệp Phát về vụ con ruồi không nhiều nhưng số người bị lôi cuốn theo thì rất đông. Tôi không ngờ số người bị lôi cuốn đông đến thế, có ngày có cả triệu comment trên facebook về vụ đó.

- Ông có suy nghĩ gì về việc đó?

Trước đó, tôi không bao giờ nói về mình, vì mình chỉ thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng, quảng cáo cho sản phẩm thôi. Kể cả Tân Hiệp Phát tôi còn chưa quảng cáo nữa, vì chừng nào bán công ty mới quảng cáo chứ.

Nhưng từ chỗ không nói gì về mình đến việc không ai biết về mình, không ai biết về mình thì họ có quyền bóp méo và cũng dễ tin hơn, còn mọi người biết hết thì làm sao mà bóp méo.

Lúc đó, người ta đồn đủ thứ như tôi là người Hoa, có vợ 19 tuổi, đuổi con cái ra đường… Mình không có thông tin gì nên họ nói vậy đó. Sau này, thông qua cuốn sách của Phương (con gái lớn ông Thanh viết cuốn sách 'Chuyện nhà Dr Thanh' phát hành năm 2017) thì nhiều người biết chuyện hơn và có ảnh hưởng khá tích cực. Người ta thấy ông Thanh trước xuất phát cũng có 2 đôi đũa với 2 cái chén thôi, chứ chẳng có thế lực chính trị hay cái nghề truyền thống gì cả (cười).

- Ông phản ứng ra sao với những tin đồn về mình?

Tôi thường hỏi tại sao có tin đồn và tìm cách xử lý thôi. Còn chuyện có tin đồn là bình thường chứ, ai cũng có tin đồn chứ đâu riêng gì mình.

- Trong thời gian xảy ra vụ “khủng hoảng con ruồi”, gặp người nào đó gọi mình là “Dr Ruồi”, ông có phản ứng gì không?

Vui thì không vui đâu đấy. Đó là lý do lúc trước tôi lập facebook nhưng không dùng tên thật vì không thích một số người tiêu cực lên đó nói hỗn làm mình khó chịu. Anh hùng bàn phím mà, mình tranh luận với người ta làm chi nên cứ làm thinh thôi.

Tôi nghĩ làm kinh doanh chỉ để thoả mãn khách hàng thôi chứ không tranh luận trúng, trật làm gì. Trúng thì trên đời không có cái nào trúng cả, trúng hay không trúng là do quan điểm thôi.

- Ông rút ra được bài học quan trọng gì từ cuộc khủng hoảng đó?

Mình cứ nói “thương trường là chiến trường” nhưng ít ai hiểu hết được câu này. Vấn đề mức độ chiến trường cỡ nào vì nhiều khi là thủ tiêu nhau đấy. Ở mức độ cạnh tranh cao, cái gì người ta cũng có thể làm. Vấn đề tôi thấy là trong dây chuyền sản xuất, mình kiểm soát đến cả con vi trùng thì con ruồi làm sao chui vô được.

Vấn đề là nhận thức của người ta chính là sự thật của mình. Người ta nhận thức có con ruồi là có con ruồi thôi. Nhiệm vụ là đi thay đổi nhận thức của người ta chứ không phải ngồi đó mà oán trách, sao thế này, sao thế kia, sao kỳ vậy…. Ở đây, tôi không oán trách ai cả. Như thế mới gọi là xã hội và bình thường thôi.

Thực hư chuyện bán công ty khi khủng hoảng và bí mật tên gọi Dr. Thanh

- Người ta đồn là có thời điểm khủng hoảng quá, ông muốn bán công ty, điều này có thật không?

Thật ra thì nếu bán công ty để thành công thì cũng nên bán. Năng lực không làm nổi mà cứ ôm lấy, rồi thất bại thì dở. Nếu biết là chúng ta chắc chắn thua thì ta thua trước cho cao cờ.

Nhưng còn đủ sức thì tôi vẫn gánh vác; nếu bán thì tôi chỉ bán một phần để tìm sự liên kết, hợp tác thôi. Tới giờ phút này thì chưa bán vì tôi vẫn còn điều hành được.

- Gần đây, ông và con gái lớn (Trần Uyên Phương) đi nhiều nơi quảng bá về giá trị của công ty gia đình. Điều này có hàm ý là Tân Hiệp Phát sẽ không bán cho ai cả và chỉ thuộc sở hữu của gia đình ông?

Tầm nhìn của Tân Hiệp Phát là phải trở thành một công ty hàng đầu châu Á. Để làm được điều đó thì phải có sự hợp tác của các tập đoàn lớn đa quốc gia, để cùng họ đi ra khắp thế giới chứ.

Nhiều khi mình còn 50% thôi (giữ 50% cổ phần toàn bộ công ty), nhưng tổng giá trị tuyệt đối lại lớn hơn 2-3 lần trước đó và bộ máy đầu não, tham mưu, điều hành mạnh hơn thì đó là một con đường tốt cho công ty chứ. Tôi cũng nhắc lại: Tầm nhìn của Tân Hiệp Phát sẽ là một công ty hàng đầu châu Á, chứ đâu nói là công ty một chủ đâu.

- Vậy ông đã gọi đối tác nào đến thương lượng việc này chưa?

Thực ra là gọi rồi đó nhưng với tiêu chí mình chọn thì chưa tìm được thôi.

- Vì sao vậy?

Tại tiêu chí tôi chọn là phải cùng tôi xây dựng Tân Hiệp Phát lớn mạnh chứ không phải vì tiền. Nhưng mình vô gặp những tập đoàn đa quốc gia mà mục tiêu của họ khác tầm nhìn của mình. Họ sẵn sàng mua giá cao hơn mong đợi nhưng không muốn thương hiệu Việt Nam tồn tại nên tôi không chấp nhận. Thôi thì cứ từ từ, khi nào gặp người phù hợp thì chúng ta hợp tác.

- Vậy còn khi Coca Cola đề nghị mua cổ phần chi phối tại Tân Hiệp Phát với giá 2,5 tỷ USD năm 2012, tại sao ông lại từ chối?

Họ trình bày với chúng tôi kế hoạch nắm bắt thị phần nhiều hơn nữa trên khắp các thị trường mới nổi. Thế nhưng, họ yêu cầu chúng tôi chỉ được phép mở rộng thị phần riêng của mình ở Việt Nam, Lào và Campuchia và từ bỏ việc phát triển sản phẩm mới.

Điều này có nghĩa là chúng tôi không được phép đầu tư vào các thị trường ngoài ba nước nêu trên, chúng tôi sẽ phải bàn giao lại cho Coca-Cola hoạt động xuất khẩu của mình sang thị trường Thái Lan, Úc và các khu vực khác.

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ phải loại bỏ một trong những sức mạnh cốt lõi của mình: thành tích về đổi mới sản phẩm mà chúng tôi tích lũy nhờ sự hiểu biết về thị trường và người tiêu dùng Việt Nam được minh chứng thông qua các sản phẩm bán chạy như Trà thanh nhiệt Dr Thanh, Trà xanh Không độ, nước Tăng lực Number 1....

Việc đề nghị mua cổ phần chi phối đi kèm với yêu cầu này giống với nỗ lực đóng cửa một đối thủ hơn là đầu tư vào tương lai của Tân Hiệp Phát.

- 2 sản phẩm nổi tiếng của Tân Hiệp Phát là Number 1 và Dr Thanh, đều là những cái tên có gì đó hơi… quá. Ông có suy nghĩ gì khi quyết định những cái tên như vậy?

Thật ra thì việc đặt tên có nguyên tắc của nó. Tên phải thỏa mãn 4 đặc điểm: dễ nhớ, dễ viết, dễ phiên âm, dễ hình dung về lợi ích của sản phẩm. Mà tôi muốn bán khắp thế giới nên dùng từ không dấu; còn từ “Thanh” trong Dr Thanh là thanh nhiệt chứ không liên quan đến tên tôi. Chứ không lẽ tên tôi là Đen đặt là Dr Đen, nó là trùng thôi.

Với nước tăng lực, tôi thấy Việt Nam chưa có sản phẩm nước tăng lực nào nên quyết định tạo ra một sản phẩm nội địa, với giá thành hạ hơn khi dùng chai thủy tinh (vỏ chai được tái sử dụng)… Vì là sản phẩm nước tăng lực đầu tiên của Việt Nam, và muốn có một cái tên khác biệt, táo bạo nên dùng tên là Number 1.

- Nhưng ảnh logo của Dr Thanh giống hệt chân dung của ông?

Ảnh vẽ mà. Nói chung là nó phác họa để làm ra một cái logo thôi. Tuy nhiên, khi tôi thấy trùng với tên mình cũng thấy vui. Thật ra mà nói nhiều anh em khuyên không nên vì nhiều khi vòng đời tổ chức dài hơn vòng đời một thương hiệu.

Tổ chức dài cả trăm năm, gắn tên mình vào thương hiệu khi qua chu kỳ sống của nó thì không hay; nhưng tôi nghĩ có sao đâu, nó trùng thì trong thời gian thương hiệu tồn tại có nhiều câu chuyện cho người ta nói.

Tin đồn về sở thích bài bạc và chuyện hậu trường nhà Dr.Thanh

- Người ta đồn đại rất nhiều về sở thích đánh bạc của ông, điều này thực hư ra sao?

Thật ra thì kinh doanh là cờ bạc rồi. Tôi tung một sản phẩm mới ra là đánh bạc chứ ai dám 100% là thành công đâu. Cái mà tôi cho rằng là đánh bạc mà Nhà nước chưa chặn được là cổ phiếu (cười). “Sòng bạc” này còn gian lận nữa, giá một số cổ phiếu lên xuống do có người điều khiển. Cho nên rõ ràng tôi đâu thích đánh bạc, bằng chứng là có chơi cổ phiếu đâu (cười).

- Vậy sở thích riêng của ông là gì?

Tôi khoái kinh doanh và xử lý được những thách thức. Thí dụ như làm thế nào xây dựng lực lượng kế thừa cho ngon, đó là một thử thách. Bài toán khó khăn thế giải kiểu gì, làm thế nào để vượt qua tất cả các thách thức sự cố... Ví dụ mình đặt tăng trưởng 10% thì dễ nhưng 30% là mình đau đầu ngay. Nhưng đó là đam mê thôi, đâu phải 30% là ngày ăn được 6 bữa đâu.

- Trong số các con, ai sẽ là người thay ông điều hành và thừa kế tại Tân Hiệp Phát?

Tất nhiên các con là người thừa kế rồi nhưng thừa kế chưa chắc cần là tổng giám đốc (CEO). Đứa nào đủ năng lực thì tham gia HĐQT, còn kỹ năng tốt sẽ tham gia điều hành. Con mình không đủ tốt thì tuyển người ngoài, chọn đúng người đúng vị trí. Tài sản và quản trị phải khác nhau.

- Ông có cậu con trai nhưng lại không làm trong công ty. Ông có buồn vì việc này không?

Tôi chả có gì buồn cả, bởi con trai khác con gái. Con trai sôi nổi và muốn tự chứng minh hơn. Đứa nào cũng phải tự bơi ngoài sông, đứa nhát cho uống 1-2 ngụm nước, còn gan thì đạp ra giữa sông cho uống nước nhiều hơn tí, gần hết sức rồi thì mình nắm tóc nó kéo lên.

- Ông có muốn cậu con trai quay về làm cho mình không?

Mình nuôi con đâu phải để nó lớn lên làm cho mình đâu, nuôi nó lớn lên để nó lo cho vợ nó chứ.

- Ông có 2 cô con gái lớn và chưa cô nào lập gia đình. Có lúc nào ông cảm thấy băn khoăn hay buồn phiền về việc này không?

Nói chung là tụi nó có suy nghĩ riêng chứ ép sao được. Nguyên tắc của tôi là tôi chỉ đường thôi, còn tự nó cân nhắc, chọn lựa. Mình nhiều khi cũng muốn mà nó không thích thì làm sao được. Mình trang bị cho nó đủ kiến thức rồi nó quyết định và tự chịu trách nhiệm.

- Trong cuộc sống và công việc, điều gì giúp ông luôn lạc quan và vượt qua những khó khăn mà nhiều lúc tưởng như không thể?

Do bản tính thôi. Tôi có thói quen là cái gì quá khứ bỏ qua một bên, còn nước là còn tát còn hết thì thôi chả có gì để nói nữa. Ngồi đó ân hận hoài thì chỉ làm mất sức mạnh của mình thôi chứ, chả có lợi gì cả. Còn những chuyện không hài lòng thì phải hiểu rằng luôn luôn hài lòng mới lạ, còn không hài lòng thì có gì đâu mà lạ.

Giống như đi biển, không bao giờ gặp sóng gió hay bão gì hết mới lạ, chứ gặp sóng gió là bình thường. Còn không muốn gặp sóng gió thì vô ao.

Theo Trí Thức Trẻ
Cùng chuyên mục
Tin khác