Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: 'Doanh nghiệp Việt cứ tự cạnh tranh, suy yếu dần rồi bị mua lại giá rẻ'
Ái Châu Tử -
05/03/2021 18:10 (GMT+7)
(VNF) - Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cứ thích gì thì làm nấy, lại rất riêng rẽ, tự làm tự ăn. Bao nhiêu doanh nghiệp được sinh ra, bao nhiêu nghìn tỷ đổ xuống, nhưng cứ cạnh tranh lẫn nhau, suy yếu dần rồi bị nước ngoài vào mua hết với giá rẻ.
Tại tọa đàm "Làm tổ cho đại bàng nội", tổ chức hôm 5/3 tại FLC Hạ Long (Quảng Ninh), ông Phạm Đình Đoàn đã nêu 2 luận điểm đáng chú ý về thực trạng của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Một là số lượng doanh nghiệp. Ông Đoàn cho biết 97% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) nhưng điều này không đáng ngại, bởi 99% doanh nghiệp ở Nhật Bản là SMEs.
Thách thức của Việt Nam không chỉ là việc thiếu doanh nghiệp đầu tàu (đại bàng nội) mà là định vị các doanh nghiệp này.
"Việt Nam là nước phát triển chậm. Mình không thể chỉ dựa vào doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam để phát triển được, vì tư nhân mới lớn thôi. Do vậy, nhà nước nên đi theo mô hình xe pháo mã, tức gồm các doanh nghiệp lớn của nhà nước, của FDI và của tư nhân. Cả 3 cái đi song song. Bài toán là nghiên cứu làm sao để đại bàng Việt là 1 trong 3 chân kiềng đó", ông Đoàn nói.
Luận điểm thứ hai là liên kết doanh nghiệp. Theo ông Đoàn, để trở thành doanh nghiệp lớn có 2 cách. Cách thứ nhất là thông qua liên kết, liên doanh. Cách thứ hai là phát triển hệ sinh thái.
Tuy nhiên, việc liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau rất khó. "Có một cái khó rất khó nói ra đó là sự không minh bạch giữa các doanh nghiệp. Bất kể là doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có những điều không nói ra được, rất khó chia sẻ. Chính điều ấy đã cản trở sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt".
Về việc tạo dựng hệ sinh thái, ông Đoàn chỉ ra doanh nghiệp Việt Nam rất tự lực, tự cường nhưng cũng vì thế mà tự phát triển, tự cạnh tranh lẫn nhau theo kiểu quân ta đánh quân mình.
"Điều này có một phần trách nhiệm của nhà nước, chưa hoạch định rõ ràng để doanh nghiệp có thể phát triển đc. Ví dụ một doanh nghiệp sản xuất gạch, làm rất tốt, lẽ ra nhà nước ra hạn mức cấp phép thành lập doanh nghiệp làm gạch mới, nhưng nhà nước lại cấp phép gấp đôi, thành ra ngành gạch lại gặp khó khăn, không bán được hàng hoặc bán dưới giá thành. Các ngành khác cũng vậy. Nhìn chung, không có điều tiết của nhà nước thì rất khó khăn", ông Đoàn nêu quan điểm.
Do vậy, ông Đoàn nêu 4 đề xuất để giải quyết thực trạng trên. Một là nhà nước phải giữ vị trí tổng công trình sư, hoạch định chính sách dài hạn đối với các ngành nghề.
"Giờ ta thấy các doanh nghiệp tư nhân cứ thích gì thì làm nấy, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Các doanh nghiệp cứ riêng lẻ, tự làm mà ăn, mà tự làm thì kinh lắm. Bao nhiêu doanh nghiệp sinh ra, bao nhiêu nghìn tỷ đổ xuống nhưng cạnh tranh lẫn nhau, cứ suy yếu dần rồi nước ngoài vào mua hết với giá rẻ", ông Đoàn nói.
Đề xuất thứ hai ông Đoàn nêu ra là nhà nước phải phân định kiềng ba chân cho rõ: doanh nghiệp nhà nước làm lĩnh vực gì, doanh nghiệp FDI kêu gọi trong lĩnh vực gì và doanh nghiệp tư nhân lớn làm gì.
"Ít ra cái kiềng đó phải cụ thể. Như tôi bây giờ, nếu bảo làm thì cũng không biết làm gì. Nhà nước phải phân định thì chúng tôi mới thành doanh nghiệp lớn được".
Đề xuất thứ ba là huy động sức dân. Ông Đoàn cho rằng nguồn lực trong dân rất nhiều nhưng đang bị dịch chuyển ra nước ngoài. Nguyên nhân chính là người dân không an tâm.
"Phải làm sao để người dân an tâm, chứ không gây sức ép được. Làm sao chúng ta có thể ngăn chặn con đường phi pháp được, bởi vì có hàng nghìn con đường phi pháp. Huy động được sức dân sẽ tạo ra được những con đại bàng", ông Đoàn bình luận.
Đề xuất cuối cùng mà ông Đoàn nêu ra là cần có sự xích lại trong suy nghĩ giữa cơ quan công quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
"Có cuốn sách nói nếu lãnh đạo cơ quan công quyền không nắm được thực tế thì chỉ biết được 4% công việc. Do việc nhận thức thực tế không đủ nên mới có tình trạng cơ quan công quyền ra nhiều quyết định không đúng.
"Việc đi sâu vào thực tế của cơ quan công quyền rất quan trọng. Ở các nước phát triển, nhiều lãnh đạo công quyền đi từ doanh nghiệp lên. Họ biết bệnh tật của doanh nghiệp và biết cách làm, vì thế mới có chiều sâu trong chính sách. Tôi nghĩ điều này ở Việt Nam sẽ cần thêm thời gian nhưng ít nhất cơ quan công quyền phải ý thức được rằng không thực tế, không nắm sát, cứ chung chung thì các vấn đề sẽ không được giải quyết.
"Muốn đại bàng Việt cất cánh thì phải biết sức khỏe đại bàng thế nào, thực tế có tốt không, có an tâm không, có nền tảng gì… có như vậy mới phát triển bền vững được", ông Đoàn kết luận.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone