TS Lê Đăng Doanh: 'Chúng ta phải có phương án đối phó với RCEP'

Ái Châu Tử - 05/03/2021 16:59 (GMT+7)

(VNF) - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng với RCEP, sức ép của hàng hóa Trung Quốc lên Việt Nam là không nhỏ. Do đó, Việt Nam cần phải chuẩn bị phương án đối phó với hiệp định này.

VNF
Ông Lê Đăng Doanh

Phát biểu tại tọa đàm "Làm tổ cho đại bàng nội" tổ chức hôm nay (5/3), TS Lê Đăng Doanh đã nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước.

Ông Doanh cho biết ở buổi ban đầu của quá trình Đổi mới, một trong những khó khăn lớn nhất là thuyết phục lãnh đạo Đảng và Nhà nước không e ngại với sự phát triển của kinh tế tư nhân mà cụ thể là sự e ngại các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ "đòi chia sẻ quyền chính trị".

"Chúng tôi luôn lập luận rằng trong chiến tranh, chúng ta đã phát huy chiến tranh toàn dân. Người dân không chờ chính phủ, cứ khi Mỹ ném bom xong thì tự ra lấp hố bom, tự nguyện giúp đỡ để quân đội tiến ra mặt trận. Do đó phát triển được kinh tế tư nhân, phát huy được sự cần cù, sáng tạo của người dân là chuyển biến quan trọng nhất trong công cuộc Đổi mới", ông Doanh nói.

Theo ông Doanh, trong những năm qua, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có quá trình phát triển một cách kì diệu, đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam sự phát triển này vẫn chậm chạp hơn so với Trung Quốc.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam tăng cường hội nhập là để "không phụ thuộc vào nền kinh tế nào, nhất là khi nền kinh tế đó đang có vấn đề về lãnh thổ với ta". Tuy nhiên, gần đây, Việt Nam đã kí Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Ông Doanh bày tỏ sự lo ngại về hiệp định này bởi RCEP có sự góp mặt của Trung Quốc.

"Ấn Độ vào phút cuối đã rút khỏi RCEP mà lý do là có Trung Quốc. Hiệp định này khác hẳn với các hiệp định thương mại tự do khác mà ta đã kí. Ví dụ với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ta xuất cái gì, EU sẵn sàng mua cái đó, vì hai nền kinh tế bổ sung cho nhau. Nhưng RCEP thì khác.

"Bây giờ, hàng Trung Quốc vào ta với thuế suất bằng 0. Đó là áp lực rất lớn với doanh nghiệp của ta. Đây là vấn đề hoàn toàn không nhẹ nhàng. Bây giờ ta có thể chưa thấy rõ sức ép đó nhưng nó không hề nhẹ.

"Anh Tuyển (Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương - PV) đã chỉ đạo cố gắng đàm phán 8 năm trời để đạt được thỏa thuận hợp lí nhất. Nhưng Trung Quốc, sau khi không được tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì ép cái này để họ phát huy được vai trò của họ. Đây là thách thức rất lớn.

"Ngoài Covid-19 đang làm nhiều doanh nghiệp khó khăn, ta phải có phương án đối phó vối RCEP, phải phát triển kinh tế số, cải cách, công khai minh bạch và giúp đỡ doanh nghiệp mau chóng lớn lên", ông Doanh nói.

Nhấn mạnh rằng Việt Nam chỉ có 9 doanh nghiệp/1 nghìn dân, thua xa các nước khác, ông Doanh cho rằng chính phủ phải tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là về vốn, đất đai.

Theo ông, nhiều doanh nghiệp rất muốn kinh doanh nhưng gặp phải vấn đề nan giải nhất là đất đai, diện tích càng lớn thì càng khó. Do vậy, chính phủ phải có cơ chế phân cấp cho địa phương, để địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp...

Cùng chuyên mục
Tin khác