Chủ tịch Vinachem: Đạm Ninh Bình mà sập thì Tập đoàn Hóa chất cũng sập theo

Lê Nguyễn - 27/03/2019 14:36 (GMT+7)

(VNF) – Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nhấn mạnh áp lực chi phí tài chính quá lớn đang đe dọa đến sự tồn vong của nhà máy Đạm Ninh Bình.

VNF
Chủ tịch Vinachem cho biết nếu nhà máy Đạm Ninh Bình mà sập thì Tập đoàn Hóa chất cũng sập theo

Sáng 27/3, cuộc họp về hướng xử lý 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phát biểu tại cuộc họp này, Chủ tịch Vinachem Nguyễn Phú Cường cho hay trong số dự án thua lỗ của tập đoàn, đến nay đã có dự án có lãi hoặc giảm lỗ. Tuy nhiên ông Cường cho biết “khó khăn vẫn chồng chất khó khăn” khi hiện nay giá than tăng cao và khan hiếm do Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) phải ưu tiên cho sản xuất điện.

Vinachem có lúc phải cầu cứu TKV rót than, kịp chạy các nhà máy. "Hiện chúng tôi vẫn trong tình trạng dàn xếp từng chuyến tàu than, rất căng thẳng", ông Cường nói.

Đặc biệt, ông Cường cho biết khó nhất là tái cơ cấu lại các khoản vay. Ví dụ với Đạm Ninh Bình, hiện nhà máy này không có vốn sản xuất khi "cửa" vay ngân hàng bị đóng hoàn toàn.

Đạm Ninh Bình hiện "sống" dựa vào tiền mua hàng ứng trước của khách hàng. "Bản thân cán bộ Vinachem cũng phải cùng anh em nhà máy xuống tận các đại lý, khách hàng vận động họ mua hàng, ứng tiền trước cho nhà máy", ông Cường kể.

Do chi phí tài chính quá lớn nên ông Cường cho biết việc xử lý Đạm Ninh Bình là "căng thẳng nhất".
"Nếu tình trạng này kéo dài, Đạm Ninh Bình mà sập thì kéo sập cả tập đoàn khi chúng tôi đã rót vào đây 6.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 13.000 tỷ đồng.

"Tình trạng này bán ông này đi lấy tiền trả nợ, chứ không kéo sập cả tập đoàn. Trước mắt cho khoanh khoản nợ này lại với ngân hàng bởi đến nay việc đàm phán EPC hai bên thương thảo nhưng cũng không được", ông Cường nói thêm.

Đối với trường hợp của của Đạm Hà Bắc, ông Cường cho hay doanh thu năm 2018 của nhà máy này là 3.087 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính (gồm lãi ngắn hạn, dài hạn và tỷ giá) đã lên tới 820 tỷ đồng.

Năm 2019, chi phí tài chính lên đến 870 tỷ đồng khiến doanh nghiệp "không thể gượng được".

Tuy vậy, Vinachem có chút “an ủi” khi 2 dự án còn lại ghi nhận kết quả kinh doanh tươi sáng hơn. Ví dụ DAP1 Hải Phòng đã ghi nhận lãi từ năm 2017, 2 tháng đầu năm nay lãi trên 12 tỷ đồng.

"Chúng tôi mong muốn được đưa nhà máy này ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ", ông Cường bày tỏ.

Cùng chuyên mục
Tin khác