Chung cư mini nở rộ: 'Pháp luật có kẽ hở, cán bộ tiếp tay bao che'

Kỳ Thư - 16/09/2023 22:54 (GMT+7)

(VNF) - Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, chính sự bất cập của các quy định pháp luật đã "bật đèn xanh" làm phát sinh tình trạng "nở rộ" nhiều công trình nhà ở riêng lẻ được thiết kế kiểu “chung cư mini”, có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, các quận nội thành trong 10 năm qua.

VNF
HoREA: Một số bất cập trong quy định pháp luật đã "bật đèn xanh" cho chung cư mini.

10 năm nở rộ chung cưu mini

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), trong hơn 10 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, đã nở rộ tình trạng khoét lõm xây dựng "chung cư mini", "chung cư hộp diêm", có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, quận nội thành.

Trong đó, có những công trình nhà "chung cư mini" xây dựng trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp "sổ đỏ" cho người mua, làm phát sinh tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

HoREA đã nghiên cứu tình trạng phát triển tự phát "chung cư mini" và nhận thấy, tình trạng "nở rộ" chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát có nguyên nhân đầu tiên, bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về "phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân".

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép, sai phép các "chung cư mini", là do những hạn chế, bất cập trong công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở.

Hiệp hội TP. HCM kiến nghị: "Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét lại tính hợp lý của chế định cho phép hộ gia đình, cá nhân được đầu tư xây dựng nhà kiểu chung cư nhỏ trong khu vực đô thị theo các khoản (3), (5) và (6) điều 43 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 vì sẽ góp phần làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, gây khó cho công tác chỉnh trang đô thị và chủ trương giãn dân ra khỏi khu trung tâm đô thị".

"HoREA thống nhất với nhận định của Bộ Xây dựng là hiện nay, tại các khu vực đô thị của một số địa phương, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, nên một số hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ, mà không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng", ông Châu khẳng định.

Bên cạnh đó, cũng đã có cán bộ chính quyền cấp cơ sở thoái hóa biến chất, tiếp tay, bao che cho các công trình "chung cư mini" trái phép.

Nguyên nhân nữa là các đầu nậu và một số doanh nghiệp móc nối với hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các công trình nhà "chung cư mini" trái phép.

Nguồn gốc ra đời quy định về 'chung cư mini'

Theo HoREA, Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP không có bất kỳ quy phạm pháp luật nào cho phép "phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân", được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại các đô thị. Việc phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân phải phải phù hợp với quy hoạch; có giấy phép xây dựng; phải bảo đảm yêu cầu kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị.

Chỉ đến năm 2010, khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2006/NĐ-CP, mới cho phép "phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân", được thiết kế kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ tại các đô thị. 

HoREA nhận thấy, quy định này không phù hợp và trái với Luật Nhà ở 2005.

Được biết, Khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP còn là dự thảo, HoREA và UBND TP.HCM đã góp ý, đề nghị không cho phép "phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân", được thiết kế kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại các đô thị, với quan ngại sẽ làm phát sinh tình trạng xây dựng không phép, trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị. Chưa kể, quy định này cũng không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp "sổ đỏ" cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

"Nhưng các ý kiến này không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận", Chủ tịch HoREA nói.

Cũng trong năm 2010, UBND TP.HCM đã không chấp thuận một công trình nhà ở riêng lẻ kiểu nhà "chung cư mini", tại đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, theo đề xuất của một Tập đoàn bất động sản hợp tác với một hộ gia đình.

Tuy nhiên, nội dung Điều 43 Nghị định 71/2010/NĐ-CP đã được "nâng cấp", chuyển thành Điều 46 Luật Nhà ở 2014, cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.

"Đây chính là cơ sở pháp luật để phát triển loại hình nhà chung cư mini trong thời gian qua và đã bị lợi dụng để xây dựng trái phép, sai phép nhà "chung cư mini", Chủ tịch HoREA, khẳng định.

Cùng chuyên mục
Tin khác