Chứng khoán Việt 2024: Thăng hoa 1.500 hay thủng đáy 1.100 điểm?
Hải Đường -
25/01/2024 23:18 (GMT+7)
(VNF) - Ở kịch bản lạc quan nhất của Yuanta, VN-Index có thể tăng tới 1.583 điểm, tương đương mức tăng là 40,13%; P/E dự phóng là 13,38 lần. Trước đó, MASVN cũng từng dự báo VN-Index có thể chạm mốc 1.500 điểm trong năm 2024.
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, FED có thể sớm nới lỏng trong năm 2024 với kỳ vọng 3 lần giảm lãi suất. Mức lãi suất cơ bản của FED sẽ ở mức 4,59%, giảm 0,74 điểm cơ bản so với năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đi ngang so với năm 2023, khả năng suy thoái được đánh giá thấp. Trong đó, châu Âu và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng cao trong năm 2024, được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho khu vực Đông Nam Á.
Yuanta cho rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, thúc đẩy các ngân hàng trung ương sớm nới lỏng năm 2024, dự báo lạm phát toàn cầu có thể đạt mức 5,8 – 5,9%.
Trong nước, lạm phát của Việt Nam được dự báo ở mức dưới 4%. Lãi suất dự kiến duy trì ở mức thấp, trong đó lãi suất huy động dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong nửa đầu năm 2024 và tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, lợi suất trên kênh thị trường chứng khoán sẽ hấp dẫn hơn kênh tiết kiệm.
Yuanta dự báo tăng trưởng EPS năm 2024 của các doanh nghiệp niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) sẽ đạt 28% so với năm 2023. Ngoài ra, việc triển khai hệ thống KRX và nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 được xem là động lực thúc đẩy cho thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội nêu trên, Yuanta cũng chỉ ra một số thách thức tồn tại trong năm 2024. Theo đó, suy thoái kinh tế vẫn có khả năng xảy ra khi mức độ phục hồi vẫn còn suy yếu.
Căng thẳng địa chính trí vẫn là yếu tố khó dự đoán và sẽ ảnh hưởng đến lạm phát trong năm 2024. Cùng với đó, chính sách tiền tệ chưa hoàn toàn đồng thuận trong năm 2024, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong nước, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 vẫn còn.
Cho năm 2024, Yuanta đưa ra 3 kịch bản cho VN-Index. Ở kịch bản cơ sở, VN-Index có thể đạt mức 1.414 điểm, tăng 25,13% so với năm 2023; P/E dự phóng đạt 11,95 lần. Ở kịch bản lạc quan hơn, VN-Index có thể tiến tới mốc 1.583 điểm, mức tăng trưởng lên tới 40,13%; P/E đạt 13,38 lần.
Còn ở kịch bản bi quan, Yuanta dự báo VN-Index rơi xuống vùng 1.183 điểm, tương đương chỉ tăng 4,71% so với năm 2023; P/E dự phóng 10 lần.
Yuanta là một trong những công ty chứng khoán đưa ra nhận định khá lạc quan về thị trường chứng khoán năm 2024 khi chỉ số VN-Index dự báo có thể đạt cao nhất vượt mốc 1.500 điểm. Một công ty chứng khoán trước đó cũng đã đưa ra mức dự báo tương tự cho VN-Index năm 2024 là Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN).
Theo đó, MASVN nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục kể từ tháng 11/2022, P/E từ mức 11 lần đã cải thiện lên 17,1 lần vào đầu tháng 9/2023. Sau khi P/E giằng co quanh ngưỡng 17 lần (tức là VN-Index quanh mức 1.250 điểm), thị trường đã trải qua đợt bán tháo kéo dài từ tháng 9 đến tháng 10/2023 (điều chỉnh 18,3% so với mức đỉnh năm 2023).
Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục trở lại trong tháng 11 và tháng 12, với VN-Index đóng cửa năm 2023 ở mức 1.130 điểm.
MASVN kỳ vọng P/E của thị trường sẽ tăng lên từ mức 15 lần hiện tại lên mức trung bình lịch sử là 16−17 lần. Khi đó, mức định giá của Việt Nam sẽ ngang bằng với trung vị các thị trường chứng khoán khác trên thế giới.
“Nhờ lãi suất cho vay giảm và các chính sách hỗ trợ, chúng tôi kỳ vọng đầu tư, sản xuất và tiêu dùng sẽ phục hồi hơn nữa; nhờ đó, tăng trưởng EPS ở hầu hết các ngành dự kiến sẽ tăng vào năm 2024, so với mức kỳ vọng giảm 4% trong năm 2023”, các chuyên gia của MASVN cho biết.
Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là EPS từ hoạt động kinh doanh liên tục của các doanh nghiệp niêm yết đã thấp hơn đáng kể so với mức EPS tổng thể kể từ khi xảy ra dịch Covid-19. Theo MASVN, điều này cho thấy các doanh nghiệp trở nên dễ bị tác động nặng nề hơn so với trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19 trước những cơn gió ngược toàn cầu hay có bất kỳ thay đổi nào mang tính trọng yếu.
Năm 2024, MASVN đưa ra 3 kịch bản cho VN-Index. Ở kịch bản thứ nhất, giả định EPS năm 2024 không tăng trưởng, VN-Index dự kiến đạt 1.250 điểm. Ở kịch bản thứ hai, EPS tăng 13%, VN-Index được dự báo tăng lên mức 1.400 điểm.
Ở kịch bản mạnh nhất, EPS giả định tăng 19,6%, còn VN-Index có thể tiến tới mốc 1.500 điểm.
Yuanta và MASVN là 2 tổ chức hiếm hoi dự báo VN-Index có thể tiến tới mốc 1.500 điểm, cũng là 2 tổ chức không có kịch bản VN-Index rơi xuống vùng dưới 1.100 điểm. Trong khi đó, nhiều công ty chứng khoán thận trọng hơn khi đưa ra kịch bản tiêu cực VN-Index thủng mốc 1.000 điểm.
Đơn cử như Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), đưa ra 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2024, ở kịch bản tiêu cực, TPS cho rằng thị trường sẽ ó nhịp giảm sâu và phá vỡ đi vùng hỗ trợ quanh mức tâm lý 1.000 điểm.
Khi đó, chỉ số sẽ có khả năng tiếp tục lao dốc trước khi lực cầu thật sự trở lại đầy quyết liệt tại vùng đáy của tháng 12/2022. TPS kỳ vọng lực cầu bắt đáy sẽ một lần nữa giúp chỉ số thành công tạo đáy 2 quanh mức 900 điểm để hình thành mẫu hình đảo chiều 2 đáy (Double Bottom) trước khi phục hồi trở lại.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra kịch bản tiêu cực VN-Index có thể thủng mốc 1.000 điểm, rơi xuống vùng 950 điểm khi nhiều rủi ro xảy ra như kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng; FED cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn, gây tác động tiêu cực về tâm lý đầu tư trên thị trường.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.