Chuỗi Bách hóa Xanh chỉ là 'chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn'?

Thanh Long - 15/01/2018 11:20 (GMT+7)

(VNF) – Bách hóa Xanh chọn phân khúc siêu thị mini để vừa tránh được cạnh tranh với siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi đã ngày càng chật chội, vừa phù hợp với năng lực phủ sóng ‘đến từng ngõ ngách’ của TGDĐ. Theo công ty chứng khoán VDSC, hướng đi của chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ không tạo ra sự khác biệt của sản phẩm mà sẽ chỉ là "chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn".

VNF
Bách hóa Xanh đã đạt điểm hòa vốn trong quý IV/2017

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã đưa ra nhìn nhận đáng chú ý về chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ).

Theo VDSC, Bách hóa Xanh đã đạt điểm hòa vốn trong quý IV/2017 với lợi nhuận gộp 14% nhưng tính cả năm thì Bách Hóa Xanh có thể lỗ 119 tỷ đồng. Chuỗi cửa hàng này sẽ bắt đầu đóng góp vào lợi nhuận từ năm 2018, đặc biệt sẽ đóng góp lớn vào quý 4/2018. VDSC cho rằng đây là mảng kinh doanh TGDĐ đặt kỳ vọng nhiều nhất trong thời gian tới trong bối cảnh thị trường điện thoại đã bão hòa và thị trường điện máy cũng tăng trưởng chậm lại.

Tính đến cuối năm 2017, đã có 293 cửa hàng Bách Hóa Xanh được đưa vào hoạt động, TGDĐ dự định sẽ nâng con số này lên 6.000-8.000 cửa hàng đến năm 2020, chiếm khoảng 10-15% thị phần.

VDSC nhấn mạnh, quy mô thị trường thực phẩm thiết yếu và tươi sống ở VN khoảng 60 tỷ USD, gấp 10 lần thị trường điện máy. Nếu như TGDĐ có thể đạt được mục tiêu về thị phần thì chỉ riêng doanh thu của Bách Hóa Xanh đã đạt hơn 6 tỷ USD, đóng góp hơn 1 nửa doanh thu mục tiêu của toàn tập đoàn là 10 tỷ USD đến năm 2020.

Nói về việc thành lập Bách hóa Xanh, CEO TGDĐ Nguyễn Đức Tài của cho biết chuỗi siêu thị thực phẩm Bách hóa Xanh ra đời xuất phát từ quá trình tham quan học hỏi và tiếp xúc với những người sáng lập chuỗi Alfamart của Indonesia.

Alfartmart là chuỗi siêu thị mini lớn nhất Indonesia với hơn 10.000 cửa hàng với doanh thu năm 2016 đạt hơn 4 tỷ USD, biên lợi nhuận gộp 19% và sở hữu trên 40% thị phần siêu thị mini.

Yếu tố thành công của Alfamart, theo VDSC, là chiến lược nhằm vào tầng lớp có thu nhập trung bình-thấp, mở các cửa hàng có diện tích nhỏ (90-100 m2) nằm ở các trục đường nhỏ và các hẻm với mục tiêu gần nhất có thể đến với khách hàng.

Lợi thế so sánh của Alfamart so với chợ và bách hóa truyền thống có thể kể đến như: cung cấp thực phẩm tươi sống với giá rẻ hơn hoặc bằng với chợ truyền thống; dịch vụ tốt với nhân viên thân thiện, không gian cửa hàng sạch sẽ, hiện đại; cung cấp dịch vụ đóng gói, vận chuyển, chế biến; đết hợp giữa mô hình tạp hóa và chợ truyền thống: ngoài thực phẩm tươi thì còn có thực phẩm khô và hàng tiêu dùng FMCG.

VDSC phân tích thêm, nếu so với các cửa hàng tiện lợi, Alfamart có lợi thế về giá do cửa hàng tiện lợi thường có các đặc điểm: mở cửa 24/7 (trong khi các minimart mở từ 10am-10pm), vị trí đắt đỏ hơn tại các trục đường lớn, nhiều loại sản phẩm/dịch vụ đa dạng và quy mô thường lớn hơn do phải có không gian cho bàn/ghế phục vụ khách ăn uống tại chỗ. Ngoài ra thì cửa hàng tiện lợi cũng không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp do Alfamart bán những thứ "sẵn sàng để nấu" còn cửa hàng tiện lợi bán những thứ "sẵn sàng để ăn".

Tương tự Alfamart, TGDĐ lựa chọn phân khúc siêu thị mini để vừa tránh được cạnh tranh với siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi đã ngày càng chật chội, vừa phù hợp với năng lực phủ sóng sâu rộng, đến từng ngõ ngách của TGDĐ.

"Hướng đi của chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ không tạo ra sự khác biệt của sản phẩm mà sẽ chỉ là ‘chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn’. Sau quá trình thử nghiệm thành công, từ năm 2018 TGDĐ sẽ bắt đầu mở ồ ạt cả ngàn cửa hàng để thống trị thị trường bán lẻ như Alfamart đã làm ở Indonesia", VDSC đánh giá.

Công ty Chứng khoán này dẫn giải thêm, thị trường Việt Nam có đặc điểm rất tương đồng với thị trường Indonesia: mật độ dân số và tỷ lệ đô thị hóa cao, nền kinh tế đang bùng nổ, thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp và tầng lớp trung lưu đông. Tuy nhiên mức độ bao phủ cửa hàng theo mô hình nhỏ và hiện đại ở Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực do hiện tại 75-80% người dân vẫn mua thực phẩm tại các chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ.

Dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 45% (theo Bộ Công Thương), như vậy dư địa phát triển của Bách Hóa Xanh là rất lớn. Vấn đề là liệu mô hình Bách Hóa Xanh có thể vận hành tốt ở quy mô lớn sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm hay không.

Cùng chuyên mục
Tin khác