Chuyển đổi 1.107 ha đất rừng cho dự án cấp nước 4.400 tỷ của Hoành Sơn Group
Nguyễn Phượng -
17/09/2021 15:29 (GMT+7)
(VNF) - Trong báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tỉnh Hà Tĩnh đề xuất chuyển đổi 1.107 ha đất rừng cho công trình hồ Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến thuộc dự án cấp nước khu kinh tế Vũng Áng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng (thuộc Tập đoàn Hoành Sơn) với tổng mức đầu tư 4.415 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước khu kinh tế Vũng Áng gồm công trình hồ Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến là dự án có quy mô, diện tích thực hiện 2.845 ha với dung tích 162,4 triệu m3 nước, có cao trình đỉnh tường chắn sóng +84,6m.
Mục tiêu của dự án là cấp nước cho khu công nghiệp Vũng Áng với công suất 762.000m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Kỳ Anh 12.000m3/ngày đêm, cấp nước tưới ốn định cho 1.335 ha đất canh tác và 300ha đất nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm lũ cho hạ du, cải thiện môi trường cảnh quan phục vụ du lịch...
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất với Bộ NN&PTNT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép chuyển đổi 1.107 ha đất rừng cho công trình hồ Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến thuộc dự án cấp nước khu kinh tế Vũng Áng.
Trong đó, hồ Rào Trổ 1.089 ha gồm rừng tự nhiên 371 ha, rừng trồng nguyên liệu 252 ha, rừng trồng cao su 465 ha; diện tích cho đập dâng Lạc Tiến là 17,9 ha rừng trồng nguyên liệu.
Hiện tại số diện tích rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sang thực hiện dự án có 366 ha thuộc quyền quản lý của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, 479 ha thuộc quyền quản lý của công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và 261 ha do hộ gia đình quản lý.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trước năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao công ty Cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với nguồn vốn xã hội hóa. Công ty này triển khai thực hiện dự án với giá trị khối lượng ước đạt hơn 33 tỷ đồng.
Nhưng do dự án thực hiện chậm tiến độ nên ngày 25/3/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án của công ty Cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh. Khoảng một tháng sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản đồng ý cho công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Sơn lập hồ sơ, thủ tục dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng.
Đáng lưu ý, công ty Hoàng Sơn là cổ đông chính (nắm giữ 92% vốn điều lệ) của công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng - chủ đầu tư dự án hệ thống cấp nước KKT Vũng Áng (công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng được Ban quản lý KKT Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 8/2011.
tháng 1/2012, Ban quản lý KKT Vũng Áng điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng, theo đó dự án được thực hiện hình thức 100% vốn của nhà đầu tư trong nước, không có vốn nhà nước.
Đến tháng 9/2012, chủ đầu tư có quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư lên tới hơn 4.415 tỷ đồng, bao gồm vốn tự có, vốn vay và vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hạng mục đầu tư của dự án 1.269 tỷ đồng.
Hiện tại, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, vốn chủ sở hữu tại dự án 1.000 tỷ đồng, vốn vay từ ngân hàng 2.146 tỷ đồng.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.