Chuyển đổi xanh: Chậm chân lỡ cơ hội nhưng nhanh quá khó bán hàng
(VNF) - Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng trong quá trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp nếu đi chậm có thể chạy gắng lên một chút nhưng đi nhanh quá chắc chắn thua, bởi sản phẩm xanh đắt đỏ và khó bán.
-Là doanh nghiệp đầu ngành, quá trình chuyển đổi xanh tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang đi đến đâu, thưa ông?
Ông Lê Tiến Trường: Là một doanh nghiệp dệt may, chúng tôi xuất khẩu hơn 90% sản phẩm. Để xuất khẩu thành công, chúng tôi cần tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và sản xuất bền vững mà các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đặt ra. Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn này, sản phẩm của chúng tôi sẽ khó có thể nhập khẩu vào những thị trường này.
Tuy nhiên, trong 4 năm vừa qua, do sự suy giảm của kinh tế thế giới, nhu cầu về sản xuất xanh không được đẩy mạnh như dự kiến, chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, vận động người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm xanh.
Thực tế, chúng tôi đang tập trung vào các khâu vừa sản xuất xanh, vừa mang tính chất tiết kiệm nguồn lực như tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên vật liệu có khả năng tái chế, qua đó làm giảm giá thành sản phẩm dệt may và tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong điều kiện thị trường khó khăn. Cụ thể, trong năm 2023, trung bình điện năng trên một sản phẩm dệt may giảm khoảng 2%. Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng sử dụng trên 17 MW điện tái tạo, điện năng lượng áp mái. Một thành tựu quan trọng nữa là 84% rác thải của Tập đoàn đã được chuyển từ rác thải nguy hại sang rác thải thông thường.
Bên cạnh việc áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chúng tôi còn áp dụng ESG trong quản trị môi trường, trách nhiệm xã hội, tăng cường tính tự động hóa để giảm sự vất vả của người lao động trong quá trình sản xuất các sản phẩm dệt may.
-Việc ứng dụng ESG giúp doanh nghiệp giảm chi phí như thế nào, thưa ông? Trong quá trình ứng dụng ESG, ông nhận thấy những vướng mắc gì?
Về quản trị môi trường, nếu có những phương thức sản xuất tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước thì đương nhiên giá thành sẽ thấp, đấy là lý do vì sao mỗi sản phẩm dệt may giảm được khoảng 2% chi phí điện và Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng giảm được 84% rác thải từ nguy hại sang không nguy hại.
Về trách nhiệm xã hội, khi áp dụng tự động hóa làm giảm sự vất vả cho người lao động, chúng ta sẽ giữ chân được lao động, không phải đối diện với tình trạng thay đổi lượng nhân lực vốn là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp dệt may, từ đó ổn định được sản xuất.
Về quản trị doanh nghiệp, đây là khâu giúp tiết kiệm giá thành nhất trong tất cả các khâu. Cụ thể, từ việc quản trị bằng số liệu trên giấy hay máy tính đơn lẻ chuyển sang quản trị số giúp giảm bớt đi những khâu trung gian, giảm bớt những nhân lực chỉ làm số liệu. Đồng thời, số liệu cũng được chuyển sang thời gian thực thay vì hàng ngày hàng tuần, từ đó giúp người quản lý có thể đưa ra quyết định nhanh nhất, kịp thời nhất.
Trước đây, khi biên lợi nhuận của ngành dệt may chỉ xấp xỉ 10% và giá giảm 20% thì thua lỗ là điều không tránh khỏi. Dù lợi nhuận của Tập đoàn Dệt may Việt Nam năm 2023 chỉ bằng 40% so với năm 2022, nhưng nếu không nhờ những nỗ lực tổng hợp cả về quản trị môi trường, trách nhiệm xã hội và đặc biệt quản trị công ty thì không thể đạt được con số đó trong bối cảnh khó khăn như vậy.
Tuy nhiên, việc thực hành ESG cũng còn nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may.
Đầu tiên, hành lang pháp lý trong nước về ESG còn hạn chế. Chưa có chính sách, quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay ESG. Các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon... vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính ESG còn non trẻ, khiến các dự án dệt may xanh, bền vững gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính. Đồng thời, thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích phát triển dệt may tuần hoàn, bền vững (chính sách quy hoạch và phát triển khu công nghiệp xanh cho ngành sợi).
Về nguồn lực và công nghệ, đầu tư cho ESG và kinh tế tuần hoàn là dài hạn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nguồn lực con người để triển khai, ứng dụng công nghệ và thực hành các tiêu chuẩn ESG, kinh tế tuần hoàn cũng là một thách thức.
Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp – vấn đề tưởng chừng như không liên quan nhưng lại rất liên quan - và thói quen tổ chức hoạt động trong hệ thống sản xuất tuyến tính sẽ cản trở quá trình chuyển đổi.
Trên khía cạnh thị trường, đến nay, 95% sản phẩm dệt may trên thế giới vẫn là truyền thống. Mặc dù ý thức tiêu dùng sản phẩm tuần hoàn, bền vững ngày càng cao nhưng giá cả vẫn sẽ là rào cản chính đối với người tiêu dùng, do đó, thị trường cho các sản phẩm tuần hoàn, bền vững vẫn đang chỉ là thị trường ngách. Trên thực tế, những hạn chế về nguồn cung nguyên liệu xanh, bền vững phục vụ sản xuất khiến các sản phẩm xanh nhìn chung có giá cao hơn 30% so với sản phẩm sử dụng nguyên liệu thông thường. Các loại xơ hóa học tổng hợp hiện đang chiếm tới 65% tổng sản lượng toàn cầu. Xơ thực vật (bao gồm bông) chỉ chiếm 27%.
Cuối cùng, về dữ liệu ESG, vẫn thiếu sự chuẩn hóa, đặc biệt là về môi trường và xã hội, do đó, việc phát hành báo cáo ESG để phục vụ cho các thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn.
-Vậy ở góc độ doanh nghiệp, ông có kiến nghị như thế nào để ngành dệt may có thể nhanh chóng đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG?
Đầu tiên, cần phải xây dựng các tiêu chuẩn ESG và kinh tế tuần hoàn cho ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Đồng thời, cũng cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp thông qua các công cụ như thuế, tín dụng, và đất đai. Chính sách này cần có bước đi cụ thể và hợp lý; nếu ban hành quá sớm so với thế giới, doanh nghiệp sẽ mất lợi thế cạnh tranh vì phải chịu chi phí cao để đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn xanh và tuần hoàn tại Việt Nam.
Thực tế hiện nay chưa có doanh nghiệp nào bắt buộc điều chỉnh và báo cáo theo quy định của ESG và kinh tế tuần hoàn. Điều này là một rủi ro lớn, bởi vì mặc dù các khuyến nghị của EU về kinh tế tuần hoàn và tiêu chuẩn xanh có hiệu lực, nhưng khi kinh tế và nhu cầu suy thoái, thời gian hiệu lực sẽ được điều chỉnh lại. Nếu Việt Nam đi nhanh hơn một chút, chúng ta có thể tránh được những khó khăn trên thị trường mục tiêu, nhưng sản phẩm xanh có thể sẽ đắt đỏ và khó bán. Ngược lại, nếu đi chậm, chúng ta có thể không vào được thị trường mục tiêu.
Tóm lại, trong quá trình thực thi ESG, doanh nghiệp đi chậm có thể chạy gắng lên một chút nhưng đi nhanh quá chắc chắn thua. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động đi trước một bước so với chính sách trong nước. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp phải tự nâng cao tiêu chuẩn của mình để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Khi đó, chính phủ mới điều chỉnh chính sách theo sau để phù hợp với tình hình thực tế.
Song song với đó, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, cần thực hiện các nghiên cứu dẫn dắt và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) để doanh nghiệp có thể làm chủ công nghệ và tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ các đối tác. Đồng thời, cần khuyến khích phát triển các công cụ tài chính xanh và các mô hình hợp tác liên doanh nhằm tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô và đa dạng hóa rủi ro.
Ngoài ra, cần xác định khoảng cách về kỹ năng trong doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với quy hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia, phục vụ cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Cũng cần thiết lập mạng lưới liên ngành và liên doanh nghiệp để chia sẻ kiến thức và nguồn nhân lực.
-Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
'Cổ phiếu dệt may, hóa chất, dầu khí sẽ dẫn dắt TTCK'
- Kiếm chưa nổi 2 triệu/ngày từ dệt may, Garmex Sài Gòn lấn sang BĐS, dược và logistics 19/08/2024 05:09
- Đối thủ Bangladesh bất ổn, dệt may Việt Nam đón cơ hội vàng 10/08/2024 08:30
- Dệt may Hoà Thọ: Nợ tăng cao và tồn kho nhiều lên 26/07/2024 08:00
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.