Đối thủ Bangladesh bất ổn, dệt may Việt Nam đón cơ hội vàng

Khánh Tú - 10/08/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Ngành dệt may Việt Nam đang chứng kiến những dấu hiệu khởi sắc nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II và những lợi thế từ yếu tố bên ngoài. Đặc biệt, sự gián đoạn trong ngành may mặc Bangladesh đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thắng lớn trong quý II

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may đạt 16,5 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đón nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Dẫn đầu danh sách là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) với lợi nhuận sau thuế quý II/2024 đạt 131,6 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, đây cũng là quý mà VGT ghi nhận lãi cao nhất trong vòng gần 2 năm trở lại đây. Nhờ đó, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của VGT cũng khởi sắc với lợi nhuận sau thuế tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 203,5 tỷ đồng.

Sự gia tăng đáng kể trong lợi nhuận sau thuế của VGT trong quý II và cả 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu đến từ tăng trưởng doanh thu khi lượng đơn hàng nhiều và ngành dệt may có dấu hiệu hồi phục.

Công ty cổ phần Đầu tư và hương mại TNG (TNG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý II đạt 86,4 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TNG lần lượt tăng 6% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong giải trình của TNG, doanh thu từ các hoạt động kinh doanh chính của công ty trong thời gian kể trên đã tăng mạnh nhờ tập trung vào khai thác các dòng hàng khó cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công (TCM) cũng bứt phá trong quý II/2024 khi đạt 72,3 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kéo theo đó, lợi nhuận sau thuế của TCM trong nửa đầu năm 2024 đạt hơn 135 tỷ đồng, tăng 137% nhờ hiệu ứng nền thấp của năm ngoái và lượng đơn hàng đang phục hồi.

Ngoài ra, CTCP May Sông Hồng (MSH) cũng ghi nhận mức tăng trưởng 37% trong lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 khi đạt hơn 139,4 tỷ đồng.

Một cái tên khác là CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) có lợi nhuận sau thuế đạt 755,2 triệu đồng, tăng từ mức lỗ 33,1 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Song, do vẫn “trắng” đơn hàng, kết quả kinh doanh khởi sắc này lại đến từ khoản thu nhập từ thanh lý tài sản không sử dụng và giảm khoản chi phí thuế thu nhập hoãn lại.

Cửa sáng cho nửa cuối năm 2024?

Các chuyên gia SSI Research nhận định, trong thời gian trước mắt, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, dệt may Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự gián đoạn của ngành dệt may Bangladesh. Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cùng chung quan điểm khi cho rằng sẽ dệt may Việt Nam sẽ có một số lợi thế khi ngành dệt may Bangladesh gặp khó khăn

Theo tờ Businesss Standard, tình trạng bất ổn chính trị tại Bangladesh khiến nhiều doanh nghiệp dệt may tại đây chứng kiến mức sụt giảm từ 25% - 40% trong số lượng đơn hàng. Sự dịch chuyển đơn hàng dệt may từ Bangladesh sang các thị trường khác như Ấn Độ, Trung Quốc hay Việt Nam cũng đang trở nên rõ nét hơn trong bối cảnh khủng hoảng an ninh chưa chấm dứt.

Thực tế, nhóm cổ phiếu ngành dệt may đã “phản hồi” rất nhanh trước thông tin này. Trong phiên ngày 8/8, cổ phiếu nhóm ngành dệt may “phủ xanh” thị trường với nhiều mã như TCM, VGT, GIL, MSH,…đều bật tăng.

Cổ phiếu dệt may phản ứng tích cực trong phiên ngày 8/8.

Về dài hạn, nhiều công ty chứng khoán cũng dự báo các đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may sẽ phục hồi rõ rệt hơn kể từ quý IV, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh kém lạc quan, dù đơn hàng phục hồi nhưng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may được dự báo là khó tăng cao.

Theo Chứng khoán Dầu khí (PSI), yếu tố kìm hãm đà tăng của biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may trong nửa cuối năm 2024 có thể kể đến như chi phí nhân công (thường chiếm 30 – 50% tổng chi phí sản xuất) tăng. Thêm vào đó, giá bán khó tăng cao do sự cạnh tranh của các nước đối thủ khi dự báo đồng tiền của Bangladesh, Indonesia và Mexico đều mất giá cao so với đồng Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác