Chuyên gia chỉ rõ 'bí mật' giúp hàng Trung Quốc về Việt Nam nhanh hơn TP.HCM ra Hà Nội:

Phước Nguyên - 19/02/2024 22:03 (GMT+7)

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, TS. Võ Duy Nghi - Chuyên gia ngành logistics (Chủ tịch Công ty Amity Logistics) đã chỉ ra các yếu tố giúp đơn hàng hàng Trung Quốc có thể cạnh tranh mạnh mẽ với nội địa Việt Nam.

VNF
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thời gian gần đây, ngành logistics của Trung Quốc đang cho thấy sức mạnh của mình khi có những động thái cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá với Việt Nam. Không chỉ là hàng hoá rẻ, giá cước vận chuyển còn rẻ và còn nhanh chóng đến tay người tiêu dùng so với hàng nội địa.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VietnamFinance, TS. Võ Duy Nghi - chuyên gia ngành logistics (Chủ tịch Công ty Amity Logistics) cho rằng, việc người dân Việt Nam mua hàng online ở Trung Quốc sẽ nhận được hàng nhanh, phí vận chuyển rẻ, đôi khi được miễn phí là một thực tế đầy nghịch lý. 

Theo vị chuyên gia ngành logistics này, điểm nghịch lý trong câu chuyện này nằm ở chỗ khi mua hàng trong nước có cự ly vận chuyển gần hơn, không phải mất thời gian làm các thủ tục hải quan, nhập khẩu nhưng thời gian giao hàng chậm hơn và cước phí vận chuyển lại đắt hơn. 

Ông Võ Duy Nghi đã chỉ ra một loạt các yếu tố giúp đơn hàng Trung Quốc có thể cạnh tranh mạnh mẽ với đơn hàng nội địa Việt Nam. Trong đó, yêu tố đầu tiên phải nói đến là các chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính mà Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều thập kỷ nay để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các chính sách này đã bị nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, EU và WTO chỉ trích vì lo ngại là cạnh tranh không lành mạnh. 

Thông qua các chính sách hỗ trợ bằng tiền, ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng, cho vay lãi suất thấp, ưu đãi giá thuê đất và một số vấn đề khác, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng hoạt động xuất khẩu của mình phủ sóng toàn cầu.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử (e-commerce) là mục tiêu hàng đầu mà Chính phủ Trung Quốc hướng tới nên các doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi từ chính sách nhất quán này. 

Không những chính quyền trung ương, các chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chính nhờ chính sách hỗ trợ từ chính phủ và các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử Trung Quốc có điều kiện để cắt giảm giá thành sản phẩm và đặc biệt là cắt giảm chi phí vận chuyển để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Theo TS. Võ Duy Nghi, yếu tố thứ 2 là nhờ hệ thống đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc ở Trung Quốc phát triển vượt bậc, kết nối nhiều địa phương, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển. 

Với hệ thống cao tốc thuận lợi như vậy thì việc vận chuyển các đơn hàng từ sâu trong nội địa Trung Quốc về đến Việt Nam nhanh hơn vận chuyển từ Hà Nội đi Sài Gòn là chuyện không có gì lạ. Nguyên nhân là vì hệ thống cao tốc Việt Nam còn hạn chế, chưa thông suốt từ Bắc tới Nam nên tốc độ bị hạn chế.

Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc đều sử dụng các dây chuyền phân loại hàng hóa tự động hóa hoàn toàn, sử dụng phần lớn là robot để nhận diện, phân loại, đóng gói, dán nhãn hàng hóa. 

Các công đoạn của khâu hoàn thiện đơn hàng (Order fulfillment) từ khi nhập kho, phân loại, lưu kho, quét mã sản phẩm… đến khi xuất kho giao cho người mua đều được xử lý tự động hóa với sự hỗ trợ của robot nên sẽ rút ngắn thời gian phân loại hàng hóa, giúp giao hàng nhanh hơn.

Trong khi đó tại Việt Nam, ngoại trừ các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử lớn, như Lazada, Viettel, Giao hàng nhanh… đã đầu tư hệ thống phân loại hàng hóa tự động, các doanh nghiệp còn lại đều phân loại hàng hóa thủ công hoặc bán tự động. Việc phân loại hàng hóa thủ công mất rất nhiều thời gian và dễ xảy ra nhầm lẫn nên sẽ kéo dài thời gian giao hàng.

Ngoài ra, hệ thống phân phối cũng đóng vai trò rất lớn trong việc rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí vận chuyển.

Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử Trung Quốc, với tiềm lực tài chính của mình và sự hỗ trợ của Chính phủ đã thiết lập một hệ thống kho, trung tâm phân phối đều khắp trên cả nước nên khi có đơn hàng họ sẽ nhận hàng ở trung tâm phân phối gần người mua nhất. 

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong thời gian quan cũng đã nắm bắt cơ hội xây dựng các hệ thống kho, trung tâm phân phối gần sát biên giới Việt Nam nên việc giao hàng cho người mua tại thị trường Việt Nam sẽ nhanh chóng và chi phí vận chuyển thấp. 

“Không loại trừ trường hợp các đơn hàng bị lỗi, người mua không nhận (reserve logistics) cũng sẽ được lưu kho tại Việt Nam và khi có người mua mới đặt hàng, hàng đó sẽ được giao hàng nhanh hơn và có thể được miễn phí vận chuyển vì người bán tiết kiệm chi phí hơn so với trả hàng về Trung Quốc cho người bán hoặc nhà sản xuất”, vị chuyên chuyên gia ngành logistics nói thêm về lợi thế cạnh tranh của ngành logistics của Trung Quốc.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.