Chuyên gia nói áp sàn giá vé máy bay là trái quy định, Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu

Chí Bình - 27/10/2021 11:09 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa.

VNF
Việc áp sàn giá vé máy bay sẽ khiến thị trường không còn các vé "0 đồng".

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cơ quan này cân nhắc ý kiến chuyên gia về việc ngừng chủ trương áp giá sàn vé máy bay.

Theo đó, ngày 3/10, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đánh giá việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa, không phù hợp với thể chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, đi ngược với xu hướng của hàng không thế giới.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc áp sàn giá vé máy bay có thể gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch, gây khó khăn cho công nhân trở lại nhà máy và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người.

Trên cơ sở đó, chuyên gia Ngô Trí Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu nội dung đề nghị nêu trên của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long để xem xét, xử lý theo quy định, có văn bản trả lời cho chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long biết.

Như VietnamFinance đã thông tin, đầu tháng 10, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về phản ánh của báo chí liên quan đến việc áp giá sàn vé máy bay.

Theo đề xuất của Cục Hàng không, thời gian áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng trên các đường bay nội địa, bắt đầu từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.

Mức giá tối thiểu tại nhóm đường bay dưới 500km là 340.000 đồng, trong đó các đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng; từ 500km đến dưới 850km là 440.000 đồng; từ 850km đến dưới 1.000 km là 560.000 đồng; từ 1.000km đến dưới 1.280km là 640.000 đồng; từ 1.280km trở lên là 750.000 đồng.

Mức giá tổi thiểu này xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.

Nếu đề xuất này được thông qua, mức sàn cho giá vé máy bay với mức tối thiểu cho chặng bay ngắn nhất là 320.000 đồng/vé/chiều và sẽ không còn các vé "0 đồng" như hiện nay. Như vậy, hành khách sẽ không được lợi từ các chương trình giảm giá vé.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo xử lý.

Liên quan đến đề xuất áp giá sàn vé máy bay, các chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ quan điểm rằng đây là đề xuất không phù hợp và không công bằng.

Cụ thể, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc một hãng hàng không 3 sao phải bán vé với giá như hãng hàng không 5 sao thì ai sẽ mua vé của hãng 3 sao.

TS Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh: "Nếu hàng không áp giá như vậy thì bằng chính sách, chúng ta có thể giết chết một hãng hàng không".

Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, chính sách áp giá sàn vé máy bay gây hoang mang, tạo sự không đồng thuận, thậm chí vi phạm Luật Giá, Luật Doanh nghiệp. Việc này có thể dẫn tới thiếu công bằng cho doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Cùng chuyên mục
Tin khác