Chuyên gia nước ngoài: 'Giá vàng sẽ tiếp tục lập đỉnh mới'

Phương Thảo - 10/07/2020 07:48 (GMT+7)

Các chuyên gia tài chính quốc tế trao đổi về nguyên nhân của cơn sốt giá vàng và dự đoán vàng quốc tế còn lập đỉnh mới trong tương lai gần.

VNF
Vàng trong nước liên tục lập đỉnh mới vì ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Ảnh: Việt Hùng.

5 ngày qua, mỗi ngày giá vàng trong nước đều ghi nhận một mức đỉnh mới. Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khu vực Hà Nội của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chạm ngưỡng 50,42 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng so với chiều ngày 8/7.

Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI yết giá mua bán ở 50,12 - 50,37 triệu đồng/lượng, tăng 90.000 - 70.000 đồng so với chiều trước đó.

Nguyên nhân cơn sốt giá vàng

Như vậy, tính từ đầu năm, giá vàng miếng đã tăng thêm 7,65 triệu đồng/lượng, tương đương gần 18%. Giới chuyên gia nhận định giá vàng trong nước tăng liên tục vì ảnh hưởng từ đà tăng của giá vàng thế giới.

Trong phiên giao dịch sáng 9/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới neo cao ở mức 1.810 USD/ounce sau khi vượt ngưỡng 1.800 USD vào cuối chiều trước đó.

Bloomberg đưa tin giá vàng giao ngay tăng lên 1.810,15 USD/ounce lúc 7h24 sáng ngày 8/7 tại London. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới hôm 7/7, tính riêng trong tháng 6, các quỹ ETF vàng đã bổ sung 104 tấn kim loại quý trị giá 5,6 tỷ USD. Tỷ lệ nắm giữ của các quỹ ETF vàng cũng đạt mức cao kỷ lục.

Trao đổi với Zing, ông Guangzhi Chen, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại KGI Securities (Singapore), cho biết vàng được giới đầu tư xem là "kênh trú ẩn an toàn, giúp phòng vệ trước nguy cơ lạm phát và đồng tiền mất giá".

Theo ông Guangzhi, dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, buộc các chính phủ trên khắp thế giới phải áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất thấp và các gói kích thích tín dụng cao đẩy thị trường vào tình trạng dư thừa thanh khoản. Kết quả là giá tài sản tăng cao, trong đó có vàng.

Trong vòng 3 tháng qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bơm thêm 3.000 tỷ USD vào thị trường. "USD mất giá dẫn đến giá vàng tăng. Lãi suất bằng và thậm chí dưới 0 cũng khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn", chuyên gia phân tích tại KGI Securities giải thích.

"Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị đang leo thang, giới đầu tư cần có nơi trú ẩn an toàn trong danh mục đầu tư để phòng ngừa những biến đổi bất ngờ từ thị trường", ông nói thêm.

Chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce

Ông Neil Wilson, Giám đốc phân tích thị trường tại Markets.com, cũng cho rằng lãi suất thấp là nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng cao.

"Tôi cho rằng có rất nhiều yếu tố tác động đến giá vàng hiện nay. Tình trạng bất ổn của nền kinh tế toàn cầu là một trong số đó. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là sự sụp đổ của lãi suất thực", ông Neil bình luận.

Ông Neil Wilson, Giám đốc phân tích thị trường tại Markets.com. Ảnh: Getty Images.

Lãi suất kho bạc thực đang giảm xuống ngưỡng âm, mức thấp nhất trong vòng 7 năm. Lãi suất thực càng thấp, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng càng giảm.

Ngoài ra, các ngân hàng trung ương có thể gia tăng các biện pháp nới lỏng tiền tệ. "Không giống tất cả phương pháp nới lỏng định lượng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thanh khoản dư thừa và sự gia tăng tiền cơ sở sẽ không kẹt lại trong hệ thống ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến lạm phát", ông Neil nói thêm.

"Khả năng giá vàng duy trì ở mức cao hơn 1.800 USD/ounce là rất cao. Nguyên nhân là đồng USD suy yếu, số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh và sự hoài nghi về khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ từ các quan chức Fed", ông Warren Patterson, Giám đốc chiến lược tại ING Groep NV (Singapore), bình luận.

Chuyên gia Guangzhi tại KGI Securities dự đoán giá vàng có thể chạm ngưỡng cao 1.900 USD/ounce và đạt 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay. "Chừng nào lãi suất duy trì thấp và căng thẳng địa chính trị vẫn còn, giá vàng sẽ tiếp tục tăng", ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia Neil Wilson tại Markets.com khẳng định: "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu vàng không chạm ngưỡng 1.900 đến 1.921 USD/ounce".

"Các nước đang phát triển chỉ có một lượng dự trữ vàng nhỏ trong các ngân hàng trung ương. Nếu nhu cầu vàng tăng mạnh, dự trữ ngoại hối sẽ cạn kiệt. Điều đó có thể dẫn đến việc đồng tiền nội địa mất giá", ông Guangzhi cảnh báo.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác