Khó canh chốt lãi khi giá vàng biến động quá nhanh, tiền nhàn rỗi vẫn ưa gửi tiết kiệm

Bích Thủy - 01/07/2020 17:44 (GMT+7)

(VNF) - Sáng 1/7, giá vàng lại lập đỉnh mới với ngưỡng gần 50 triệu đồng/lượng. Nhưng chỉ 1 tiếng sau đó đã giảm trở lại. Giá vàng tăng nhanh - giảm nhanh là lý do chính khiến những người có tiền nhàn rỗi không dễ đầu tư và chốt lãi theo giá vàng. Vì vậy đa phần vẫn chọn gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi ổn định.

VNF
Tiền nhàn rỗi cũng khó chốt lãi theo giá vàng

Mở cửa giao dịch ngày 1/7, các doanh nghiệp vàng trong nước đồng loạt điều chỉnh bảng giá tăng mạnh theo đà đi lên mạnh mẽ của giá vàng thế giới. Lúc 9 giờ 30, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào 49,15 triệu đồng/lượng, bán ra 49,53 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 200.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Tại Hà Nội, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI giao dịch mua vào 49,3 triệu đồng/lượng, bán ra 49,5 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 130.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC biến động mạnh nhưng không có sự cách biệt quá lớn giữa các doanh nghiệp. Chênh lệch giá mua – bán cũng được doanh nghiệp niêm yết ở mức thấp từ 200.000 đồng/lượng.

Ảnh minh họa

Tính ra giá vàng trong nước đã tăng khoảng 500.000 đồng/lượng trong tháng 6  Tính trong cả quý II giá vàng đã tăng khoảng 1,95 triệu đồng/lượng. Trên thị trường quốc tế, kim loại quý cũng nhảy vọt trong phiên giao dịch, lên mức cao nhất trong 8,5 năm qua. Lúc 9 giờ 30, giá vàng thế giới ở mức 1.781 USD/ounce, tăng hơn 10 USD mỗi ounce so với phiên trước. Có thời điểm giá vàng thế giới chạm tới 1.785 USD/ounce.

Giá vàng lên đỉnh cao, nhưng biến động nhanh, đã khiến những cá nhân có tiền nhàn rỗi khó canh thời điểm chốt giá đỉnh để bán kiếm lãi tối ưu. Đây chính là lý do mà những người có tiền nhàn rỗi trong ngắn và trung hạn không mạnh dạn đầu tư vào vàng. Đa phần họ vẫn chọn cách kiếm lãi an toàn là gửi ngân hàng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1%-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 0,6%-0,75%/năm mức lãi suất trần tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm mức lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Hiện nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4%-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,9%-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5%-7,4%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 9%-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Sau động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Thống kê của bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI hồi giữa tháng 6 cho biết các ngân hàng thương mại đã có thêm một đợt giảm lãi suất 0,2-0,4% trong tuần đầu tháng và lũy kế đã giảm 0,5-1,1% kể từ đầu năm đến nay. Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở mức 3,5-4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,9-6,9%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, từ 6-7,6%/năm với kỳ hạn 12- 13 tháng.

Lãi suất tiết kiệm giảm nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng đáng kể. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 19/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%).

Tuy mức tăng của huy động vốn trong 6 tháng đầu năm 2020 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng con số này vẫn rất ấn tượng khi đặt trong bối cảnh đầu ra là tín dụng tăng rất thấp do dịch COVID-19. Số liệu của Tổng cục thống kê cho biết tín dụng đến ngày 19/6 mới chỉ tăng 2,45% so với cuối năm 2019, cũng là mức tăng cùng kỳ thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng ước đạt khoảng 162.700 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 1.160 tỷ/ngày. Trong khi đó, cho vay chỉ đạt đạt khoảng 108.200 tỷ, tương đương 773 tỷ mỗi ngày. Tại nhiều địa phương, có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay.

Nhiều ngân hàng đang lo lắng về hiện tượng thừa tiền trong khi tăng trưởng tín dụng thấp bởi sẽ bị ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tại cuộc họp báo đầu tháng 6, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói rằng hệ thống ngân hàng chỉ mong có khách hàng đủ tiêu chuẩn để cho vay. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nên nhu cầu vay vốn cũng giảm.

Cùng chuyên mục
Tin khác